- "Suốt một năm, tôi vừa làm cu ly quét dọn, cùng những người cu ly khác hằng ngày dọn dẹp 10 ngôi biệt thự và quét lá thông trên mấy quả đồi, vừa làm thuê chế biến thực phẩm nguội...".

>> Tuổi thơ của Đại tướng Lê Đức Anh

LTS: Trong cuốn hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh dành một chương để kể lại những năm tháng tổ chức các nghiệp đoàn ở đồn điền cao su Lộc Ninh và tham gia đấu tranh giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945. Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc một chương có nhiều dữ kiện đáng giá về ông:

Để tránh sự truy lùng của địch, cuối năm 1939, tôi lánh vào Hội An - Quảng Nam, ở nhà chị gái là Lê Thị Búp. Đầu năm 1940, tôi vào Phan Rang và đi xe lửa lên Đà Lạt.

Đến Đà Lạt, tôi ở nhà chị gái Lê Thị Trĩ. Một tháng sau, tôi xin vào làm công tại khu nghỉ mát của sở Nam Kỳ. Hồi đó, bọn chủ vẫn gọi những người lao động là cu ly. Công việc hằng ngày là quét dọn trong nhà, ngoài sân và quét lá thông ở tất cả các đồi. Họ trả lương 15 đồng một tháng. Tiền ăn đã hết 12 đồng, chỉ còn lại 3 đồng, phải tằn tiện, chắt bóp lắm mới đủ tiêu vặt cho những sinh hoạt thường nhật.

{keywords}

Phó Tư lệnh -Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh tại Bộ Tư lệnh miền - khu căn cứ Tà Thiết, năm 1966. Ảnh trong cuốn hồi ký

Làm cu ly được 2 tháng, tôi thấy mình phải cố gắng học lấy một nghề, bởi có nghề ổn định mới kiếm được tiền sinh sống và tiếp tục hoạt động cách mạng. Tìm hiểu xung quanh, tôi xác định được hai nghề là đánh máy chữ và chế biến thực phẩm. Vì tôi thấy ở gần đó, có hai vợ chồng người Tây tên Bêgăng, là lính đã giải ngũ, quản lý 10 ngôi biệt thự.

Ngoài công việc quản lý, Bêgăng còn làm các món ba tê, xúc xích, dăm bông để bán. Lúc đầu tôi xin vào làm thêm ngoài giờ là đứng xay thịt, Bêgăng đồng ý và trả tôi thêm 3 đồng một tháng. Thấy tôi làm nhanh, ông bắt đầu hướng dẫn tôi làm ba tê, xúc xích. Vợ Bêgăng làm kế toán, kiêm luôn đánh máy chữ. Tôi cũng đi thuê một cái máy chữ về tập đánh. Khi đã thông thạo, tôi bảo vợ Bêgăng cho tôi đánh các văn bản và bà ta đồng ý.

Như vậy, suốt một năm, tôi vừa làm cu ly quét dọn, cùng những người cu ly khác hằng ngày dọn dẹp 10 ngôi biệt thự và quét lá thông trên mấy quả đồi, vừa làm thuê chế biến thực phẩm nguội, vừa đánh máy chữ. Người Tây quản lý nhân công rất chặt chẽ nên khu biệt thự và đồi thông lúc nào cũng sạch sẽ. Việc chế biến thực phẩm thì tôi làm ngoài giờ và ban đêm.

Những người bồi bếp ở mấy khu biệt thự gần đó đến mua ba tê, xúc xích đã khuyên tôi về Sài Gòn.

Tôi cũng muốn về Sài Gòn nhưng rất khó. Hồi đó, Trung Kỳ là đất bảo hộ, từ Huế, Đà Nẵng vào Ninh Thuận đi bằng tàu hỏa thì dễ, nhưng từ Ninh Thuận, Bà Rịa, Biên Hòa, hoặc từ Đà Lạt xuống Sài Gòn đều khó, vì Nam Kỳ là đất thuộc địa của Pháp, từ Trung Kỳ vào Nam Kỳ chúng xét dữ lắm. Một người Tây là chủ công ty cao su nhiệt đới ở khu biệt thự bên cạnh, rất thích ăn ba tê, xúc xích, dăm bông do tôi làm nên thường sai đầu bếp hoặc vợ sang mua.

Về sau người Tây này hỏi tôi:

- Mày làm như vậy lương được bao nhiêu?

- Cả lương cu ly quét dọn và làm thực phẩm được trả 18 đồng một tháng - Tôi trả lời.

Nghe vậy, người Tây này bảo: Đi làm cho tao, tao sẽ trả hơn. Tôi đồng ý ngay. Nhưng ông ta không thuê tôi làm trực tiếp mà lại giới thiệu tôi với một người Tây khác ở đồn điền cao su Lộc Ninh. Người này có xe ô tô đưa tôi về Sài Gòn, sau đó đưa tôi về đồn điền cao su Lộc Ninh làm xúc xích và dăm bông, họ trả cho tôi mỗi tháng 30 đồng.

Xây dựng phong trào phu cao su

Những năm trước Cách mạng tháng Tám, nạn đói ở Bắc Kỳ đã khiến một số đông người từ miền Bắc di cư vào phía Nam để kiếm sống. Từ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tôi thấy từ Vinh vào Huế đến Đà Nẵng, Hội An chỉ có những xưởng sửa chữa nhỏ, ngành cơ khí chưa có gì đáng kể, số lượng công nhân không nhiều.

{keywords}

Đại tướng Lê Đức Anh thăm Bộ chỉ huy Miền ở Tà Thiết (Lộc Thành, Lộc Ninh) tháng 5/2012. Ảnh: Báo Bình Phước

Còn người dân lao động chỉ tập trung chủ yếu ở ba nơi: hầm mỏ, đường xe lửa và đồn điền cao su. Phần lớn dân ở đồn điền cao su Lộc Ninh là người từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Đông, Nam Định, Thái Bình... Phu cao su ở đây được quy định lao động một ngày 8 giờ. Chủ Tây đi kiểm tra cả về số lượng và chất lượng rất chặt chẽ. Việc phòng bệnh, chữa bệnh cũng được thực hiện để công nhân có sức khỏe làm việc.

Nếu phát hiện ra người ốm giả vờ thì người quản lý khiển trách và xử phạt. Chủ Tây cho xây nhà thờ Cơ Đốc giáo và khuyến khích phu cao su đi lễ nhà thờ. Đồn điền thì rộng lớn, những người cai quản không nhiều, cai cũng là người làm thuê, hằng ngày trụ ở đồn điền, bám các lô cao su để cai quản những người phu và công việc, còn chủ thực sự của đồn điền thì ở Sài Gòn. Giám đốc, phó giám đốc điều hành thực chất cũng là Tây làm thuê cho Tây chủ đồn điền.

Dưới giám đốc điều hành là thầy xu, dưới thầy xu là cặp rằng, mỗi nhóm từ 15 đến 20 phu cao su thì Tây chỉ định một đội trưởng phụ trách gọi là cặp rằng. Như vậy, thầy xu và cặp rằng đều là người làm thuê. Chủ Tây của đồn điền cao su Lộc Ninh khi thì ở thành phố Sài Gòn, khi thì về sống ở thủ đô Paris. Mọi việc điều hành của đồn điền ông ta giao cho Giám đốc điều hành tên là De Lalane ( Đờ Lalăng), Phó giám đốc là Mandon (Manđông). Mandon là người Do Thái.

De Lalane trả lương cho tôi một tháng là 30 đồng. Thấy ba tê, xúc xích tôi làm ăn ngon nên ông ta yêu cầu làm thêm để bán cho các đồn điền kế cận và mang về Sài Gòn. De Lalane trả thêm cho tôi 15 đồng mỗi tháng để đi phân phát lương thực. Như vậy, mỗi tháng tôi có thu nhập đều đặn 45 đồng.

Có tiền dư dật, công việc lại không bị quản chặt như phu cạo mủ cao su nên tôi có điều kiện đến các làng tiếp xúc với phu cao su vận động, xây dựng phong trào của phu cao su và tôi cũng bắt đầu nghĩ đến việc tìm kiếm và bắt liên lạc với tổ chức cách mạng.

Lê Đức Anh (Trích hồi ký 'Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng')

Còn nữa