- Đã có cháu chắt nhưng ông bà Jones vẫn quyết định vắng nhà một mạch 2 năm trời để đến Việt Nam làm việc không lương.

Bà Kathy Jones bày một chiếc đĩa ra bàn, bỏ vào đó những chiếc bánh khảo mua ở Hội An, Quảng Nam xếp bên cạnh một ít dứa cắt nhỏ để mời khách trong một căn hộ chung cư nhỏ ở Hà Nội.

“Tôi yêu những món đồ ăn, bánh trái tuyệt vời của Việt Nam” - bà mỉm cười mời khách thưởng thức món quà đặc sản ông bà mua trong chuyến khảo sát thực hiện dự án ở tỉnh miền Trung.

Quảng Nam là một trong 20 tỉnh, thành Việt Nam mà ông bà Bruce Jones - Kathy Jones đặt chân đến trong 2 năm qua với tư cách Hội trưởng Việt Nam của Hội từ thiện thánh hữu ngày sau (Mỹ) - một tổ chức trong nhiều năm qua đã tài trợ cho các dự án xã hội của mạng lưới NGO Việt Nam cũng như Hội phụ nữ ở địa phương.

{keywords}
Ông bà Jones trong căn hộ ở Hà Nội. Ảnh: Linh Thư

Ông bà Jones làm việc với 4 NGO của Việt Nam, Hội phụ nữ ở các địa phương để đánh giá các dự án khả thi có thể rót kinh phí tài trợ thực hiện. Hiểu nôm na đó là các dự án phi chính phủ thực hiện các chương trình cần tìm các nguồn tài trợ và tổ chức của ông bà Jones sẽ cung cấp dựa trên nhu cầu thực từ cơ sở, cũng như tham gia giám sát hiệu quả.

Trong 2 năm qua, tổ chức mà ông bà đại diện đã giúp cung cấp miễn phí 3.000 xe lăn, xây dựng nhà vệ sinh có hệ thống nước sạch cho các trường học, tặng máy tính cho trường học, cung cấp thiết bị hỗ trợ sinh sản ở các xã nghèo miền núi, đưa bác sĩ người Mỹ đến thăm khám, đào tạo cán bộ y tế ở địa phương, giúp phụ nữ nghèo học nghề nâng cao thu nhập, cung cấp các thiết bị đồ dùng gia đình cho các hộ nghèo…ở Hà Nội, TP.HCM, Cao Bằng, Phú Thọ, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Tổ chức này còn đóng góp tài chính cho hoạt động nhân đạo của tàu hải quân Mỹ ở miền Trung như thăm khám, tiểu phẫu thuật, chữa bệnh cho người dân địa phương.

“Một sự trải nghiệm đầy ý nghĩa khi được tham gia những công việc từ thiện, để thấy nỗ lực có thể của mình có thể giúp cho cuộc sống của người khó khăn hơn trở nên tốt hơn” - ông Jones nói.

Có lẽ quyết định đến Việt Nam là quyết định đầy thử thách, dù lúc đầu ông bà Jones đã không chút băn khoăn, đắn đo khi nhận lời đề nghị đến Hà Nội làm việc không lương 18 tháng. Thử thách lớn nhất là sức khỏe, tuổi tác và sau là vận hành công việc với đầy những “khó khăn không thể tin nổi” - ông Bruce mỉm cười chia sẻ.

Vậy nhưng khi “cậy” lời muốn biết khó khăn gì thì ông bà chỉ tiết lộ khó khăn nhỏ nhất, đó là đôi khi đi chợ phải mua đắt hơn người địa phương chút xíu.

{keywords}
Bà Jones bên hàng thuốc y tế từ thiện cho các tỉnh miền Trung Việt Nam

“Có đi và trải nghiệm mới thấy chúng tôi là những người may mắn. Vì trải nghiệm để thấy mình may mắn hơn nhiều người nên chúng tôi thấy đôi khi có những khó khăn trong công việc thì cũng cố gắng. Chúng tôi yêu công việc này, được gặp gỡ những con người Việt Nam tuyệt vời, trò chuyện với họ, thưởng thức những món ăn ngon và nền văn hóa đa dạng, thú vị” - bà Jones chia sẻ.

Ông Jones kể, thời trẻ, ông bà đã đi khắp nơi trên thế giới, đến nhiều nước châu Á nhưng chưa từng đến Việt Nam.

“Số phận cho tôi trải nghiệm một cuộc đời tuyệt vời, bên vợ và các con tôi. Chúng tôi đã nhận được những điều tốt đẹp và giờ đây, chúng tôi muốn chia sẻ với mọi người. Việt Nam có thể là điểm đến cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi thực sự yêu mến công việc và quyết định xin gia hạn thêm 6 tháng”.

Khi đến Việt Nam, hai ông bà sắm hai chiếc xe đạp địa hình. Nếu công việc ở Hà Nội - cũng là nơi đặt văn phòng của tổ chức - thì dứt khoát ông bà chỉ đi xe đạp, dù chế độ công vụ tính phí taxi.

“Ồ, ông bà có e ngại xe máy ngập tràn đường phố không?”. “Lúc đầu chúng tôi cũng sợ đấy. Nhưng không sao, chúng tôi đã từng luyện tập xe đạp địa hình leo núi khi ở nhà nên việc thích nghi giao thông Hà Nội không có gì khó khăn. Sau 2 năm, chỉ tính trong nội đô Hà Nội, chúng tôi đã đi tổng cộng 9.000 km đấy. Đi xe đạp cũng là cách chúng tôi gìn giữ sức khỏe dẻo dai để có thể làm việc dài hơi” - bà Jones chia sẻ.

“Vậy nơi nào ông bà có nhiều ấn tượng nhất?”. “Ồ, đừng hỏi tôi nơi nào nhất vì đến đâu tôi cũng thấy tuyệt vời. Nhưng có lẽ các tỉnh miền núi phía Bắc là ấn tượng hơn cả lúc đầu. Nhưng cũng không biết được, giờ đây có những dự án ở miền Trung thì chúng tôi lại thích nơi này. Đà Nẵng là thành phố tuyệt vời với những dải bờ biển xanh ngát” - ông Jones hào hứng.

{keywords}
Ông Jones kiểm tra xe lăn tặng cho người khuyết tật Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cam kết tiếp tục hoạt động tài trợ cho các dự án ở Việt Nam của tổ chức là điều ông Jones thấy những công việc mình làm có ý nghĩa. 150 nghìn xe lăn sẽ tiếp tục được cung cấp theo năm tài khóa mới, những phụ nữ nghèo ở vùng sâu vùng xa được hỗ trợ đào tạo nghề kiếm 40 đô la/tháng nay được kỳ vọng hỗ trợ nâng cao để kiếm gấp đôi thu nhập…Ông bà Jones vui vẻ vì những hỗ trợ đến đúng địa chỉ, theo nhu cầu của người địa phương.

Căn hộ chung cư ông bà ở thuê không bày biện nhiều đồ đạc. Có một khung tranh về Hà Nội của một trường tiểu học tặng ông bà.

Trên tường còn có một khung ảnh của ông bà mang theo từ Mỹ đến Việt Nam giữ hình các cháu, chắt. Vắng nhà một mạch 2 năm không về phép, bà Jones với tay chỉ ảnh “chúng tôi đã xa đủ lâu để rất nhớ bọn trẻ rồi, nhớ cả khu vườn, ngôi nhà, những người bạn của chúng tôi nữa”.

Tháng 3 tới ông bà sẽ trở lại Mỹ, kết thúc công việc thiện nguyện ở Việt Nam.

“Ẩm thực, văn hóa, con người, những trải nghiệm trong chuyến đi đến khắp các tỉnh, thành là những điều chúng tôi giữ mãi trong tim về đất nước này” - ông bà chia sẻ những háo hức trải nghiệm Tết của người Việt trước khi lên đường về nước.

Linh Thư