- Thừa nhận 3 điểm nghẽn như ĐB chất vấn: cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực, xong Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu chiều nay (22/11) trần tình trước Quốc hội "không thể vượt quá cái mình không có".

Giá thuốc chỉ tăng 3,2%

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chọn chất vấn Bộ trưởng trách nhiệm của ông trong quản lý giá thuốc: "Tôi thấy nhiều lần Bộ trưởng đã trả lời, kể cả sau khi làm việc với Ủy ban Các vấn đề xã hội, Bộ trưởng cũng nói là sẽ làm, sẽ giải quyết và đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, tôi thấy vấn đề này còn tồn tại và rất bức xúc trong nhân dân và chưa biết bao giờ được giải quyết".

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tiếp tục khẳng định đây là vấn đề được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương tập trung nhiều công sức để giải quyết. Trong khi giá tăng trung bình của 11 mặt hàng thiết yếu trong 10 tháng qua và năm 2009 là 8,6% thì giá thuốc chỉ tăng 3,2 % "Số liệu này do Cục thống kê ký tên đóng dấu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư ký tên đóng dấu nên sẽ chịu trách nhiệm", Bộ trưởng Triệu "chuyền bóng".

 
 

Tuy nhiên, ông thừa nhận việc tăng giá thuốc tăng không nhiều là do 95% lượng thuốc thuộc "thị trường hoàn hảo", nhiều doanh nghiệp sản xuất, công ty kinh doanh nên đủ cạnh tranh công khai, minh bạch. Còn với 5% thuốc thuộc "thị trường không hoàn hảo", tức mới được phát minh nên theo Luật sở hữu trí tuệ thì được độc quyền 20 năm. "

Do nhiều thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, thuốc chữa ung thư, thuốc thụ tinh nhân tạo... thuộc loại này, do độc quyền nên dễ phối hợp với nhau để nâng giá, dẫn đến biến động giá rất lớn".

Dẫn kinh nghiệm của Ấn Độ có ủy ban quốc gia giám sát, Canada có ủy ban quốc gia phê duyệt giá thuốc loại này, "chứ Bộ Y tế thì về tài chính còn mức độ", Bộ trưởng Triệu kể chuyện khi ông về Bộ Y tế năm 2007 mới đọc kỹ thì thấy Luật dược năm 2005 và nghị định 79 sau đó mới quan tâm về thị trường hoàn hảo, trong khi với 5% thuốc đặc biệt thì cơ chế phải khác. "Chúng tôi cùng với Ủy ban những vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã tổ chức rất nhiều các hội thảo, đã làm và cũng cố gắng sẽ giảm bớt tình trạng như đại biểu Nguyệt đã nêu".

3 điểm nghẽn

Vấn đề quá tải tại các bệnh viện trung ương và cấp tỉnh, thiếu nguồn nhân lực ở các bệnh viện tuyến dưới được nhiều ĐB quan tâm nhất. Như chất vấn của ĐB Võ Thị Dễ (Long An) "các chuyên gia cho rằng ngành y tế đang bị 3 điểm nghẽn: cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực. Đâu là chìa khóa để xử lý?".

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng thừa nhận đó là những điểm nghẽn. "Tôi vẫn nhấn mạnh với anh em trong ngành là mình cũng hết sức đề nghị, nhưng vẫn phải chia sẻ vì đất nước mình còn nghèo thì ngành y tế cũng phải nghèo thôi, mình không thể vượt quá cái mình không có", ông Triệu "tâm tình".

Trả lời các ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) về nguồn nhân lực cho các bệnh viện tuyến dưới, Bộ trưởng đưa số liệu năm 2010 so với năm 2007 thì đào tạo đại học tăng gấp 1,7 lần, đào tạo sau đại học là 1,6 lần và cử tuyển cho con em cán bộ miền núi tăng 8 lần. "Như vậy vài năm nữa, khi số ấy ra trường chắc chắn tình trạng sẽ đỡ hơn", Bộ trưởng "hứa".

Trước chất vấn của ĐB Dương Kim Anh về thực trạng bác sĩ kê đơn, cán bộ quản lý nhận hoa hồng là phổ biến ở các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, ông khẳng định giải pháp và trách nhiệm là của Bộ Y tế, đứng đầu là Bộ trưởng. Bộ Y tế kiểm tra rất ráo riết, gắt gao việc này, cấp ủy và công đoàn các bệnh viện cũng vào cuộc, "thực ra chuyện kê đơn nhận hoa hồng thường rơi vào những bác sỹ giỏi và có tiếng, nên với lương tâm, trách nhiệm, lòng tự trọng của cán bộ y tế, chúng tôi nhận định là tình trạng này đã giảm và giảm khá nhiều", Bộ trưởng Triệu "lạc quan".

Câu truyền miệng "tầm phào"

ĐB Trần Thị Kim Phương (Hà Nội) lại chất vấn Bộ trưởng Y tế về lời hứa tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 2 rằng trong nhiệm kỳ của mình, sẽ chấm dứt tình trạng 2, 3 bệnh nhân nằm chung một giường, trong khi đã sắp kết thúc nhiệm kỳ của Bộ trưởng, thực tế tình trạng nhiều nơi còn trầm trọng hơn. "Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào với việc thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội, trước cử tri?".

Được cơ hội để giãi bày rằng đây chỉ là câu truyền miệng "tầm phào", ông Triệu khẳng định "Bộ Y tế và Bộ trưởng chưa bao giờ trước cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội và hội nghị ở Bộ Y tế cũng như hội nghị ở các tỉnh nói rằng chấm dứt nằm ghép trong 2 năm, 3 năm hay 4 năm".

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế bằng nhiều biện pháp quyết tâm giảm được bao nhiêu để dân đỡ khổ bấy nhiêu, còn 2 năm, 3 năm hay 10 năm là tùy từng bệnh viện, ví dụ bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Thanh Nhàn... chỉ sau hơn 1 năm đã không còn nằm ghép. Nhưng tim mạch và ung bướu thì vẫn còn. Ung bướu bây giờ đang xây dựng một bệnh viện 1000 giường dưới Thanh Trì rồi, cuối sang năm là đón bệnh nhân cũng có thể đỡ.

"Có những bệnh viện có khi 5 năm, 7 năm, 10 năm nữa diễn biến mô hình bệnh tật mà chúng ta không đáp ứng kịp trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như thế này thì cũng chưa thể chấm dứt nằm ghép", Bộ trưởng Triệu xin được "nói lại cho rõ" với toàn dân.

Kết thúc 90 phút chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng Y tế "suôn sẻ, vui vui, chắc là không nói tầm phào, vì nói ở diễn đàn Quốc hội là phải chắc chắn".

  • Khánh Linh