- Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, cựu chuyên viên cao cấp UB Kiểm tra TƯ cho rằng, DN sản xuất nước mắm đảm bảo chất lượng có thể kiện Vinastas vì công bố thông tin gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến kinh doanh.

Mới đây, người tiêu dùng hết sức hoang mang khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố trong 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu thì có tới 67,3% không đạt quy định về hàm lượng arsen tổng (thạch tín) cho phép trong sản phẩm.

Trên thực tế, dù Vinastas chưa công bố danh tính 150 nhãn hiệu nước mắm nằm trong khảo sát, thì danh sách này được cho là đã bị rò rỉ tại một vài diễn đàn và mạng xã hội. Nhiều loại nước mắm truyền thống thường được quảng bá có độ đạm cao thì nằm trong nhóm chứa asen vượt ngưỡng quy định. Ngược lại, một số nhãn hiệu nước mắm công nghiệp thì nằm trong nhóm an toàn.

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng cho rằng, việc Vinastas đưa ra công bố về việc “nước mắm Việt Nam có chứa hàm lượng kim loại độc tính cao” đã gây hiểu lầm cho người tiêu dùng cũng như gây thiệt hại cho nhà sản xuất.

“Tôi cho rằng công bố của Vinastas là không khách quan, công bằng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống vốn có độ đạm cao đang được người dân ưa chuộng. Điều này đã gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp”, ông Hồng nhấn mạnh.

{keywords}
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng

Theo LS Hồng, những doanh nghiệp sản xuất nước mắm đảm bảo chất lượng có thể kiện Vinastas vì công bố thông tin gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến kinh doanh. Nơi tiếp nhận đơn kiện của doanh nghiệp là tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.

“Một kết luận nửa vời của Vinastas đã khiến rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm điêu đứng. Phải trung thực, tôn trọng sự thật chứ không thể phát ngôn tùy tiện hoặc theo mục đích riêng”, ông Hồng nhấn mạnh.

Ông Hồng cũng cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nghi vấn cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Ngoài ra, Bộ Y tế cần sớm tham khảo các ngưỡng nồng độ arsen toàn phần cũng như arsen vô cơ trong nước mắm, trong thủy hải sản của các nước để điều chỉnh kịp thời.

Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho biết, Vinastas đã không nghĩ đến ngành sản xuất, người tiêu dùng, làm người tiêu dùng hoang mang.

Còn bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản cho biết, bản chất trong nước mắm đã chứa hàm lượng arsen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. 

Tuy nhiên, khác với arsen vô cơ (là công nghiệp, cho vào sản phẩm, sử dụng liều cao gây ung thư, tử vong), arsen hữu cơ gần như vô hại, thậm chí có ở châu Âu còn cho phép hàm lượng arsen trong nước chấm lên tới 30 mg/l.

Theo một số chuyên gia, arsen được biết đến như một kim loại có độc tính tương đối cao. Tuy nhiên trong tự nhiên arsen tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau và do vậy độc tính cũng khác nhau.

Các chuyên gia khẳng định, nước mắm là sản phẩm sản xuất từ các loại hải sản nên việc chứa arsen hữu cơ là điều đương nhiên và nằm trong quy chế an toàn thực phẩm.

Hoàng Sang - Hà Nam