- GS.TS Lê Thị Luân ra đi khi đang cùng lúc tham gia 3 đề tài nghiên cứu quan trọng và đang xây những viên gạch đầu tiên cho quy trình bảo quản vắc xin mới.... Người mất, tất cả đều lỗi nhịp, dở dang.

Biết tin nữ giáo sư mất, cả cơ quan không ngủ

Ít ai biết vị nữ GS nổi tiếng, tác giả nghiên cứu ra vắc xin ngừa tiêu chảy do rotavirus vẫn ngày ngày đạp xe tới cơ quan, chỉ khi cần kíp lắm bà mới miễn cưỡng bắt taxi để đi... ngoại giao.

Ấp ủ hàng loạt dự án

Chị Nguyễn Thị Quỳ, người đồng nghiệp thân thiết của GS.TS Lê Thị Luân chia sẻ, trong suốt quá trình cống hiến vì khoa học, GS Luân lúc nào cũng tâm niệm dù có nghiên cứu vắc xin gì đi nữa thì luôn luôn phải nghĩ vắc xin đó chính là dùng cho con, cháu mình.

Vì lẽ đó, sau thành công của vắc xin ngừa tiêu chảy do rotavirus, GS Luân tiếp tục miệt mài, tham gia vào hàng loạt dự án nghiên cứu khác.

“Người làm khoa học thì không bao giờ có gì là dứt điểm. Hết cái này đến cái khác, kiểu gì cũng không trọn vẹn nhưng GS Luân ra đi lúc này quả thực còn quá nhiều điều dở dang”, chị Quỳ xót xa.

{keywords}
GS Luân trong phòng thí nghiệm.

Chị dẫn chứng, GS Luân hiện đang trực tiếp phụ trách và tham gia 3 đề tài nghiên cứu cực kỳ quan trọng gồm: vắc xin bại liệt bất hoạt, vắc xin ngừa tay chân miệng và vắc xin đa giá.

Trong đó, vắc xin ngừa tay chân miệng do GS Luân trực tiếp phụ trách nghiên cứu đã xong khâu tạo chủng giống, vắc xin bại liệt bất hoạt đã qua giai đoạn tiền lâm sàng.

Chưa hết, theo đồng nghiệp Đặng Mai Dung, nhiều tháng nay GS Luân đặc biệt đam mê với quy trình bảo quản vắc xin rota mới.

Nếu như hiện tại, vắc xin ngừa tiêu chảy do virusrota phải bảo quản ở dây chuyền lạnh từ -20 đến -80 độ C nhưng nếu áp dụng theo công nghệ bảo quản mới, chỉ cần trữ lạnh ở nhiệt độ 2-8 độ C.

“Chị Luân đã nhiều lần làm việc với giáo sư bên Mỹ, ông đã hứa sẽ cấp kinh phí hỗ trợ dự án này. Chị cũng đã lên đề cương xin Bộ KHCN cấp phép đề tài này. Đây là điều chị luôn ấp ủ bấy lâu nay”, chị Dung chia sẻ.

Theo chị Dung, nếu đề tài này được thực hiện thành công, chi phí bảo quản vắc xin ngừa tiêu chảy sẽ rẻ đi rất nhiều. Các trạm y tế hoàn toàn chủ động lưu trữ được vắc xin không cần thông qua bảo quản dây chuyền lạnh cực kỳ tốn kém và không phải địa phương nào cũng có.

Ngoài ra, cho đến trước ngày đột ngột qua đời, GS Luân vẫn luôn ấp ủ dự án sản xuất những kit chẩn đoán nhanh và đang hợp tác tham gia các đề tài nghiên cứu với Mỹ, Cuba về vắc xin ngừa sốt xuất huyết.

Theo chị Quỳ, để nghiên cứu sản xuất một vắc xin bao giờ cũng cần cả một dây chuyền, một người mất sẽ có người khác thay thế, nhưng với GS Luân là trường hợp đặc biệt, không đơn thuần chỉ là chủ nhiệm mà còn là người tạo cảm hứng.

“Sự ra đi của cô ấy là mất mát vô cùng lớn. Ông trời thật không công bằng. Một người tốt như thế, cống hiến như thế, vất vả như thế mà lại phải đột ngột ra đi”, chị Quỳ nghẹn ngào nói.

Chỉ nhận mình may mắn

Chị Nguyễn Thị Quỳ kể, ngay sau khi ra trường năm 1989, cô bác sĩ nội trú trẻ ngành vi sinh Lê Thị Luân được nhận về làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ và gắn bó suốt từ đó đến nay.

Thời điểm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tình hình vắc xin tại Việt Nam cực kỳ khó khăn. Một số công ty nước ngoài hứa chuyển giao công nghệ nhưng nếu chờ đợi sẽ phải cần ít nhất 20 năm.

Từ đây, cô nhân viên trẻ ngành y tế dự phòng nuôi dưỡng ý định phải chủ động sản xuất vắc xin cho Việt Nam và chính thức chủ nhiệm dự án sản xuất vắc xin ngừa tiêu chảy do rotavirus từ năm 1998.

Nhớ lại quá trình sản xuất vắc xin ngừa tiêu chảy, chị Quỳ chia sẻ, có những lúc đã tưởng công trình đi vào ngõ cụt khi môi trường không thuận lợi, máy móc không có, nhưng GS Luân vẫn không nản chí, tiếp tục mang virus sang tận Mỹ để nuôi cấy.

Có vắc xin rồi, khó nhất và vất vả nhất là giai đoạn thử lâm sàng, với trẻ em lại càng khó, phải thử đi thử lại không biết bao nhiêu lần tại hàng loạt địa phương.

“Dù đã cho trẻ uống trung hoà đường ruột nhưng vẫn bị trớ. Nước ngoài họ tìm ra nhưng họ giấu, mình phải tự mày mò. Ngoài việc tìm PH thích hợp với đường ruột trẻ, GS Luân áp dụng cho luôn đường vào vắc xin để trẻ em dễ uống. Đây là kỷ niệm cực kỳ đáng nhớ”, chị Quỳ kể.

Sau 7 năm thử nghiệm, tháng 5/2012, vắc xin ngừa rotavirus được Bộ Y tế cấp phép đưa ra thị trường, đánh dấu bước tiến dài của ngành Y học Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nước thứ 2 tại châu Á và nước thứ 4 trên thế giới sản xuất thành công loại vắc xin này.

Cả một chặng đường 15 năm gian truân, vất vả là thế nhưng sau này khi được hỏi GS Luân chỉ khiêm tốn nhận mình có phần may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác.

Thuý Hạnh

"Cha đẻ' vắc xin made in Việt Nam đột ngột qua đời

GS.TS Lê Thị Luân – người đã mất 15 năm miệt mài nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin ngừa tiêu chảy do rotavirus vừa đột ngột qua đời khi mới 53 tuổi.