Chị Lụa là một trong 25 tập thể, cá nhân điển hình gây nhiều ấn tượng trong chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hôm qua tại Hà Nội.

Nông dân chính hiệu, hiến gần 1.000m2 đất 

Giữ chức Chủ tịch UBND xã từ năm 2010 rồi kiêm Bí thư Đảng ủy từ năm 2015, chị Lê Thị Lụa đi lên từ nông dân nên luôn thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người dân vùng cao.

{keywords}
 

Ngày chị mới nhận nhiệm vụ, đời sống bà con nghèo khó, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đường sá khó khăn, cản trở phát triển kinh tế. Bản thân chị luôn cùng người dân nghĩ xem nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng của vùng quê Yên Bái. 

“Lúc đó ở xã có 13km đường, chủ yếu là đường đất. Khi tôi được bàn giao công việc cũng mới chỉ có 2km đường được làm bê tông, người dân hầu hết chỉ cấy lúa.

Ngày đêm tôi nghiên cứu sách báo, để ý tất cả các hội nghị để tìm hiểu các phương pháp làm”, chị Lụa nói.

Chị bàn với cấp ủy, cùng UBND mạnh dạn quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung dựa trên thế mạnh của từng vùng. Đến nay diện tích cây dâu toàn xã là 130ha, các tổ hợp tác được quan tâm vay vốn ưu đãi, đất sản xuất đã phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, hàng năm thu hơn 22 tỷ đồng từ việc bán tơ tằm.

Chị Lụa tâm sự, để đạt được điều đó, mồ hôi, nước mắt đã đổ rất nhiều. Dẫu vậy, hạnh phúc nhất của người cán bộ, đảng viên không gì hơn là giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao.

{keywords}
Chị Lụa cùng cán bộ xã đi mắc đường dây điện cho người dân

“Nhìn lại năm tháng qua, cùng dân giải phóng mặt bằng hàng nghìn mét vuông đồng lúa chín trong một tuần, mở đường, đổ đường bê tông nối làng, đóng góp hỗ trợ những gia đình nghèo hiến đất… việc nào tôi cũng tự nhủ, là người lãnh đạo, gian khổ đến mấy cũng xung phong đi trước, làm trước”, nữ Bí thư chia sẻ.

Chị là người tiên phong hiến hơn 900m2 đất cho công trình văn hoá tâm linh của xã.

Chị bảo: “Lúc đấy tôi nghĩ, muốn dân hiến đất, tại sao mình không hiến trước, trong khi mình là cán bộ, mình còn có đồng lương của Nhà nước, còn người nông dân thì không có gì ngoài mảnh ruộng”.

Từ việc làm của chị cùng với sự thuyết phục, vận động của các cán bộ, nhiều gia đình đã tham gia hiến đất để phát triển hạ tầng của xã. “Tôi làm, cán bộ của tôi cũng làm nên nhân dân địa phương coi việc hiến đất phát triển kinh tế xã hội là việc rất quen”, chị Lụa cho hay. 

Chị cũng kể, chính từ việc làm của chị mà có một phụ nữ đơn thân dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã sẵn sàng hiến 1.000m2 đất cho xã làm nhà văn hoá.

{keywords}
 

“Tôi hỏi chị là, tại sao em mới đặt vấn đề mà chị đã ủng hộ vậy thì chị bảo thấy em làm được nên chị cũng làm, vì cái chung của xã nên chị cố gắng”, chị Lụa nhớ lại.

Nữ Bí thư xã cho hay, bản thân cảm thấy rất băn khoăn khi hoàn cảnh của người phụ nữ này khó khăn. Chị Lụa đã về phát động toàn thể cán bộ từ xã đến thôn đóng góp được gần 20 triệu để hỗ trợ gia đình người phụ nữ đó.

“Chúng tôi tổ chức lễ trao quà tặng cho chị ấy ở xã, chị cầm tiền và khóc. Chị bảo vì xúc động khi được lãnh đạo không chỉ quan tâm tới việc chung mà cả tới đời sống của chị nữa”, chị kể.

Xắn quần cuốc đất, trồng cây

Năm 2015, xã Việt Thành đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay xã đã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tự nguyện hiến hơn 57.000m2 đất để làm sân thể thao, nhà văn hóa thôn; đóng góp nâng cấp điện chiếu sáng ở 5/8 thôn, làm mới 11km đường bê tông; mở mới 9,3km đường ra khu sản xuất... Xã đã quy hoạch được 3 vùng kinh tế: trồng dâu, trồng quế và trồng rừng.

{keywords}
Chị Lụa xuống ruộng cuốc đất cùng người dân

Chị cùng các cán bộ khác không quản ngại khó khăn sẵn sàng xắn quần xuống ruộng, cuốc đất, ra đồng trồng dâu với bà con.

Chị Lụa chia sẻ, có những lúc cảm thấy rất khó khăn, muốn buông xuôi. Nhưng qua việc vừa học tập theo Bác, vừa có sự đoàn kết của người dân, đặc biệt là sự quan tâm chia sẻ, động viên kịp thời của cấp trên nên chị tiếp tục phấn đấu đầy nhiệt huyết, dành tất cả thời gian và công sức cho việc tập thể mà không nghĩ gì cho việc cá nhân.

Theo chị Lụa, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác có giá trị rất lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Với bản thân chị là người đứng đầu địa phương, mỗi ngày làm việc chị đều soi lại mình xem những việc gì đúng, sai để tự điều chỉnh.

{keywords}
Chị vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng vì những thành tích đạt được 

Còn nếu không học theo Bác, mình chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến việc chung, không chăm lo đời sống của nhân dân thì mọi việc sẽ khó thành công.

“Tôi xác định nhiều cái phải học, học mọi lúc mọi nơi. Học tấm gương thực tế ngay trong địa phương mình. Học trong cách làm, cách nghĩ, cách tư duy. Việc gì giúp cho nhân dân, cho địa phương tôi không tiếc. Chỉ cần có sức khỏe để cống hiến nhiều hơn”, chị Lụa chia sẻ.

Chàng phi công đầu tiên lái thủy phi cơ qua 5 quốc gia về Việt Nam

Chàng phi công đầu tiên lái thủy phi cơ qua 5 quốc gia về Việt Nam

Với hành trình 10 ngày vượt qua 14.000 km, 5 quốc gia, Đại úy Nguyễn Văn Thuận trở thành phi công đầu tiên lái thủy phi cơ từ Canada về nước.

Thành Nam - Hương Quỳnh