Crưm đã trở thành một phần của Nga, và thế giới đang chờ đợi xem những hành động tiếp theo của Tổng thống Vladimir Putin.

Vượt ra ngoài phạm vi bán đảo giá trị ở Biển Đen, một bức tranh đang nổi lên từ những gì mà lãnh đạo Nga thực sự mong muốn trong cuộc chơi quyền lực của mình: quyền tự trị rộng hơn cho các khu vực nói tiếng Nga của Ukraina, đảm bảo rằng, Ukraina sẽ không bao giờ thực hiện được cái gọi là "cơn ác mộng" của Kremlin - gia nhập NATO.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu ông Putin có sẵn sàng tiến vào những vùng khác tại đông Ukraina để đạt được những mục tiêu ấy.

Trong một bài phát biểu trước quốc hội, ông Putin khẳng định, Nga không muốn một Ukraina chia cắt. Cùng lúc đó, bài phát biểu của ông chuyển tải thông điệp rõ ràng rằng, ông muốn phương Tây công nhận những lợi ích Nga tại Ukraina.
{keywords}
Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: Rian

Phương Tây lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì cam kết với Moscow tránh xung đột quân sự, vì áp lực lập trường cứng rắn hơn hay đối đầu với rủi ro Nga kiểm soát Ukraina. Ông Putin đã gửi đi tín hiệu rõ ràng là có thể áp dụng những biện pháp cực đoan nếu ông không giữ được Ukraina khỏi NATO và đảm bảo nước này vẫn nằm trong quỹ đạo chính trị, kinh tế Nga.

Cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm với kết quả đa số ủng hộ ra nhập Nga cũng làm dấy lên quan ngại rằng, các tỉnh phía đông Ukraina có thể sẽ nỗ lực tổ chức các cuộc bỏ phiếu độc lập. Người biểu tình đã chiếm giữ một số toà nhà chính phủ ở vài thành phố phía đông và treo cờ Nga. Một số cuộc đụng độ đã xảy ra với phe ủng hộ Kiev khiến nhiều người đồn đoán Kremlin có thể điều quân can thiệp và ngăn chặn bạo lực.

Tình hình bất ổn tạo lý do để Putin can thiệp quân sự tại Ukraina để bảo vệ người Nga. Quân đội Nga cũng đã tiến hành tập trận quy mô lớn dọc đường biên giới 2.000km giữa hai nước.

"Putin đã chuẩn bị để tiến bước”, Fiona Hill, một chuyên gia Nga tại Viện Brookings, Washington nói. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy di chuyển vào các vùng khác ở đông Ukraina".

Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Đối ngoại và Chính sách quốc phòng Mỹ nói rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU không cản được bước Putin.

Tổng thống Nga đã thường xuyên trao đổi với người đồng cấp Mỹ Obama và những nhà lãnh đạo phương Tây khác. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã gặp gỡ với người đồng cấp John Kerry tới 6 giờ đồng hồ tại London tuần trước, nhưng không có kết quả nào rõ rệt.

Bế tắc

Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra phác thảo của họ cho một thoả thuận gồm:

• Quyền tự chủ rộng hơn cho các khu vực của Ukraina để đưa quốc gia này thành một liên bang và sẽ được phê chuẩn bằng cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.

• Đề xuất vị trí trung lập của Ukraina cần phải được đảm bảo bởi Nga, Mỹ, EU và do Hội đồng Bảo an LHQ chấp nhận.

Oleksandr Chalyi, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Ukraina cho hay, nguyên nhân ẩn sau cuộc khủng hoảng là Nga lo ngại Ukraina gia nhập NATO. Ông thúc giục Mỹ chấp thuận đề xuất của Nga để đảm bảo tính trung lập cho Ukraina.

Trong một cuộc thảo luận do Trung tâm Wilson tổ chức ở Washington, Chalyi coi kịch bản này là để tháo gỡ xung đột. “Vài ngày tới, vài giờ tới, Nga sẽ nhận được thông điệp rất rõ ràng từ Washington và Brussels cho đề xuất tương lai Ukraina: vĩnh viễn là quốc gia trung lập với những bảo đảm mang tính ràng buộc quốc tế”.

Theo chuyên gia Hill của Viện Brookings, NATO sẽ không huỷ bỏ quyết định mở cửa ngỏ cho tư cách thành viên của Ukraina trong tương lai. Rất nhiều người tin rằng, điều đó có nghĩa là hai bên đang bắt đầu một bế tắc có khả năng bùng nổ thành bạo lực.

Thái An (theo AP)