Nhiều vụ án xảy ra ở vùng sông nước miền Tây, các điều tra viên kiêm luôn việc hòa giải. Bởi, thủ phạm cũng chính là nạn nhân vì tiêu xài quá trớn, vợ phải dối chồng hoang báo bị cướp. Điều khiến các điều tra viên trăn trở, phải đưa sự việc trở về sự chân thật nhưng vừa hàn gắn những rạn nứt trong gia đình nạn nhân, vì lòng vị tha, tính nhân văn, tình người… sau vụ án.

Cướp giả, vàng giả nhưng tình thật

Một năm trôi qua với những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc sống. Ngày cuối năm, gia đình anh Phạm Ngọc Nhứt (31 tuổi, ngụ phường 3, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chộn rộn hẳn lên với việc buôn bán. Chị Châu Hồng Sương (vợ anh Nhứt) đang tất bật sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Nhìn không khí vui vẻ của gia đình, không ai ngờ cách đây 3 tháng, vợ chồng họ xảy ra chuyện không hay khiến tình cảm rạn nứt. Nhưng nhờ sự hòa giải của điều tra viên, anh Nhứt đã tha thứ cho vợ cùng nuôi dạy con cái nên người.

{keywords}
Khi được các điều tra viên phân tích, hạnh phúc đã trở lại với gia đình anh Nhứt.

Rạng sáng 1-10-2014, trong bộ dạng mất của, anh Nhứt hớt ha hớt hải chạy đến Công an phường 3 trình báo có kẻ cướp vào nhà khống chế vợ anh cướp tài sản. Khi lực lượng Công an đến hiện trường, cánh cửa sắt của căn nhà anh Nhứt chỉ khép hờ, còn chị Sương nằm vật vờ với bộ dạng hoảng loạn khóc nức nở vì tiếc của. Làm việc với cán bộ điều tra, chị Sương cho biết trước khi xảy ra vụ cướp khoảng 20 phút, chồng chị cùng với người bạn đi xem bóng đá ở trung tâm TP Sa Đéc, cách nhà chừng 3km. Khi anh Nhứt đi, có dặn vợ rất kỹ : “Khi nào về thì anh sẽ gọi điện thoại trước”.

Theo lời kể của chị Sương, khi chị đang mơ màng ngủ thì nghe tiếng động nơi cửa sắt. Tưởng chồng về nên chị ra mở cửa. Cánh cửa vừa hé mở, người thanh niên ốm cao, đầu đội nón kết bịt khẩu trang, mặc quần dài sấn tới bịt miệng đẩy chị Sương vào bên trong, móc dao gí vào cổ khống chế. Một người khác khoảng 25 tuổi, dáng người mập mặc quần short, áo thun cộc, đeo bao tay đẩy cửa vào nhà và đe dọa: “Tiền, vàng để ở đâu?”.

Giữa đêm khuya, chị Sương bấn loạn trả lời: “cất trong tủ”. Khi lấy chìa khóa, bọn chúng mở tủ lấy toàn bộ số tiền 26 triệu đồng cùng một số nữ trang. Thấy chị Sương đeo bộ vòng vàng simen khoảng 20 chiếc trên tay, bọn chúng gí dao dọa nạt: “Mày mà la lên là tao đâm liền” rồi dùng kìm bấm, cắt bộ vòng simen nhanh chóng tẩu thoát. Số tiền vàng bị cướp theo chị Sương trình bày là gần 2 lượng vàng 18K (gồm bộ vòng simen, nữ trang, nhẫn, dây chuyền) và số tiền 26 triệu đồng.

Thượng tá Lê Hiếu Hòa, Phó trưởng Công an TP Sa Đéc, người trực tiếp chỉ đạo vụ án, phân tích: Dù vụ cướp manh động như thế nhưng đứa con gái 5 tuổi của vợ chồng anh Nhứt vẫn ngủ ngon lành, ngay cả khi lực lượng Công an đến khám nhiệm hiện trường. Thêm vào đó, lời khai của Sương trước sau bất nhất như: khi bị người thanh niên cao gầy khống chế bị hại để gã mập lùn mở tủ cướp tài sản, khi thì mập lùn đeo bao tay mở tủ lấy tài sản, lúc thì tên gầy…. Tại hiện trường, ngoài dấu vân tay của Sương cũng không có dấu vết của người khác.

Trước những nghi vấn mà lực lượng Công an đặt ra, không thể chối cãi, Sương đã thú nhận toàn bộ vụ cướp giả mà mình bịa ra. Sương thú thật, đã hoang báo cướp và tạo hiện trường giả để lừa chồng. Do sự việc chưa đến mức truy cứu hình sự, chị Sương chỉ bị xử phạt hành chính. Được sự khuyên can của các điều tra viên, anh Nhứt đã tha thứ cho vợ, còn chị Sương cam kết không để xảy ra sự việc tương tự.

Thượng tá Lê Hiếu Hòa, Phó trưởng Công an TP Sa Đéc bộc bạch: “Chưa có khi nào tôi lại chứng kiến vụ án báo cướp giả rơi vào hoàn cảnh bi hài như thế này. Mỗi vụ phá án được khám phá, với các điều tra viên điều hạnh phúc nhất là truy tìm ra thủ phạm. Còn lần này, chúng tôi còn phải kiêm luôn công việc hòa giải cho vợ chồng anh Nhứt để gia đình họ ổn định cuộc sống, chí thú làm ăn”.

Ông lão ăn xin báo bị cướp cả chục lượng vàng

Gần 24 năm trong nghề, Thượng tá Nguyễn Phi Vân, Phó trưởng Công an huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đã điều tra hàng trăm vụ án trộm, cướp nhưng vụ án ông lão ăn xin mất 25 lượng vàng là một trong những vụ án hi hữu, với nhiều tình tiết ly kỳ đã thôi thúc anh phải nhanh chóng khám phá, thu hồi cho người bị hại.

{keywords}
Công an huyện Tam Nông trao trả số vàng mà ông lão ăn xin bị cướp.

Giữa đêm khuya một ngày cuối năm 2013, ông Nguyễn Văn Cưng (87 tuổi, hành nghề ăn xin tại chợ thực phẩm Tam Nông) đi thơ thẩn trong đêm tối vì bị cướp toàn bộ số vàng tích góp cả đời. Tiếc của, ông chỉ biết thơ thẩn đi tìm chứ không đến cơ quan Công an trình báo.

Chợ thực phẩm Tam Nông chỉ cách Công an huyện Tam Nông vài trăm mét. Qua công tác nắm tình hình, ông Cưng được mời về trụ sở để hỏi rõ sự việc. Thượng tá Vân cho biết, việc lấy lời khai của ông Cưng cũng rất khó khăn do ông lão tuổi cao sức yếu, trí nhớ mơ hồ. Ông Cưng chỉ nhớ mang máng rằng, khi ông đang ngủ thì có 2 người vào khống chế, tụt quần lấy đi toàn bộ số vàng ông tích góp trong 20 năm ăn xin là khoảng 25 lượng vàng.

Trong suốt những năm ăn xin, tiền bố thí của thiên hạ được ông lão để dành và mua vàng có khi 5 phân hoặc 1 chỉ rồi cất giữ trong người. Ông cũng chẳng nhớ địa chỉ nhà ở đâu, chỉ biết còn người cháu ở huyện Tân Hồng. Thi thoảng nửa tháng hoặc có khi một tháng hoặc rất lâu ông mới ghé thăm.

Dù được cán bộ động viên, nhưng câu cửa miệng của ông Cưng lúc nào cũng chỉ nhắc đến vàng và muốn đòi lại bằng được số vàng đã bị cướp. Suốt ngày hôm đó, Thượng tá Nguyễn Phi Vân chỉ đạo nhanh các trinh sát tiến hành xác minh lời khai của ông lão, có cơ sở khám phá vụ án.

Qua lời kể của ông lão ăn xin, các điều tra viên mới thấu hiểu cuộc đời lận đận của ông Cưng cũng như tại sao ông có số vàng lớn như thế. Cha mẹ ông Cưng là Việt kiều Campuchia, nhiều năm sống ở Biển Hồ bằng nghề chài lưới. Gia đình có 6 anh chị em, hiện chỉ mình ông còn sống. Thời trẻ, ông từng có vợ nhưng sống với nhau được 2 năm thì bà qua đời vì bạo bệnh. Một mình ông Cưng xuôi ngược, đi làm thuê kiếm sống ở khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp. Cuộc sống cô độc một mình, nhiều lần ông rơi vào tâm lý chán nản.

Tình cờ một lần ông gặp người “hành khất” cao tuổi từ Tây Ninh dạt xuống Đồng Tháp. Hai người đàn ông luống tuổi trò chuyện, rồi ông Cưng quyết định “theo nghề” ăn xin.

“Tui chỉ biết xin, có tiền thì để dành mua vàng cất chứ chẳng biết làm gì. Không đi ăn xin, tôi cũng chẳng biết làm gì. Thi thoảng về nhà đứa cháu nghỉ vài hôm, rồi đi chứ không đi ăn xin thì tôi lại đổ bệnh”, ông Cưng đúc kết quá trình ăn xin suốt hơn 20 năm.

Việc ông lão ăn xin trình báo bị cướp lượng lớn tài sản như thế, là tài sản cả đời tích góp từ tiền bố thí của thiên hạ khiến Thượng tá Vân trăn trở, động lực để anh và đồng đội hạ quyết tâm phải phá án trong thời gian ngắn nhất. Quá trình điều tra, manh mối quan trọng của vụ án được các trinh sát phát hiện. Chưa đầy 24 giờ, lần lượt 5 đối tượng, gồm: Nguyễn Thái Tài (18 tuổi, tạm trú tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông); Trần Quốc Việt (27 tuổi); Cao Văn Sang (20 tuổi); Lê Đức Duy (19 tuổi); Trần Văn Thanh Danh (18 tuổi, ngụ thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) bị bắt giữ.

Tổng số tài sản thu hồi được mà ông Cưng bị chiếm đoạt trị giá trên 262 triệu (khoảng 9 lượng vàng không như lời trình bày của ông Cưng là 25 lượng vàng- PV). Việc khám phá nhanh vụ án, thể hiện tinh thần quyết đấu tranh tội phạm của cả tập thể Công an huyện Tam Nông nói chung và Thượng tá Nguyễn Phi Vân nói riêng. Ngày 29-12-2014 vừa qua, TAND tỉnh Đồng Tháp đã mở phiên tòa xét xử lưu động, tuyên phạt 5 bị cáo phải chấp hành tổng cộng 43 năm tù giam.

Chị Nguyễn Thị Dùng (cháu gọi ông Cưng bằng cậu ruột) chia sẻ: Từ sau khi xảy ra vụ cướp, sức khỏe của ông Cưng cũng yếu dần và thôi không hành nghề ăn xin nữa. Gia đình cũng cất cho căn chòi bên nhà chị làm nơi tá túc cho ông lão. Số vàng nhận lại từ cơ quan điều tra, gia đình đã bán một phần được hơn 160 triệu đồng, gửi ngân hàng để lấy tiền lãi. Đây có lẽ cũng là năm đầu tiên, suốt 20 năm hành khất, ông lão vui vầy bên con cháu khi “Tết đến xuân về”. “Ông cụ cứ nhắc suốt, cảm ơn mấy anh Công an ở huyện Tam Nông đã bắt được mấy tên cướp, lấy lại số vàng đã bị mất và còn đưa ông về tận nhà nữa”, chị Dùng nói.

(Theo Công an nhân dân -  số Xuân Ất Mùi)