LTS: Bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến tâm huyết hưởng ứng được đưa ra không những làm nâng cao nhận thức về những quan điểm trong bài viết mà còn góp phần vào việc hoàn thiện các giải pháp, cách làm để tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. VietNamNet giới thiệu phần 2 bài viết hưởng ứng của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Điều này kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới.

Theo đó, đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

{keywords}
Mục tiêu Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có thể thấy, trong cách diễn đạt mục tiêu này thì “công nghiệp” và “thu nhập” là hai thành tố thể hiện sự thay đổi quan trọng.

Việc xác định mục tiêu có công nghiệp theo hướng hiện đại cho thấy sự kế thừa mục tiêu đã được xác định từ các đại hội nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, lần này chúng ta giới hạn phạm vi là có công nghiệp hiện đại.

Cách tiếp cận này không phản ánh đầy đủ trình độ phát triển của một quốc gia song thể hiện được định hướng phát triển hết sức quan trọng mang đặc thù Việt Nam là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu thích ứng với trình độ công nghệ - kỹ thuật mới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho 100 triệu người dân, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; đồng thời thể hiện một sự chuyển dịch tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

So với cách diễn đạt mục tiêu của một số đại hội nhiệm kỳ trước, lần này chúng ta không sử dụng cụm từ “cơ bản” (như: cơ bản có công nghiệp hiện đại). Trước đây cũng đã có đề xuất nên suy luận cụm từ “cơ bản” theo cách đạt được một tỷ lệ nhất định các chỉ tiêu (ví dụ: đạt được 80-90% đối với mỗi chỉ tiêu hoặc đạt được 80-90% trong tổng số chỉ tiêu đề ra).

Điều này có thể phù hợp khi đó là những chỉ tiêu phát triển nói chung. Tuy nhiên, đối với phát triển công nghiệp hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải hướng tới công nghệ hàng đầu của thế giới trong phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp kết nối phục vụ phát triển dịch vụ và công nghiệp, v.v.

Đặc biệt, nếu quá trình nâng cấp công nghệ mà chỉ dừng ở thế hệ thứ hai, thứ ba để đáp ứng mục tiêu “cơ bản hiện đại” thì mãi nước ta sẽ không thể vượt lên khỏi bức trần công nghệ.

Đối với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, dĩ nhiên lúc này chúng ta đã có công nghiệp hiện đại.

Một thành tố hết sức quan trọng của mục tiêu phát triển đất nước là thu nhập bình quân đầu người. Đây là cách phân nhóm nước phổ biến của Ngân hàng thế giới (WB) và nhiều tổ chức quốc tế hiện nay.

Trong Báo cáo Phát triển thế giới lần đầu tiên được công bố vào năm 1978, WB đã chia các nước thành bốn nhóm: i) các nước đang phát triển; ii) các nước đã công nghiệp hóa; iii) các nước xuất khẩu dầu mỏ thặng dư vốn; và iv) các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Các nước đang phát triển gồm nhóm nước thu nhập thấp (thu nhập bình quân đầu người từ 250 USD trở xuống) và nhóm nước thu nhập trung bình (thu nhập bình quân đầu người trên 250 USD). Các nước đã công nghiệp hóa là các nước thành viên OECD, trừ một vài trường hợp đặc biệt.[1]

Tuy nhiên, nhận thấy cách phân nhóm này còn thiếu nhất quán, dựa vào tiêu chí mức thu nhập bình quân đầu người, từ năm 1989, WB đã điều chỉnh lại và phân ra làm bốn nhóm nước: i) các nước thu nhập thấp; ii) các nước thu nhập trung bình thấp; iii) các nước thu nhập trung bình cao; và iv) các nước thu nhập cao.

Các ngưỡng thu nhập thấp và trung bình thấp được xác định căn cứ vào ngưỡng thu nhập WB sử dụng để phân nhóm các nước được vay nợ với những điều kiện ưu đãi khác nhau.

WB có hai cơ quan lớn là: Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) hỗ trợ các nước nghèo nhất; và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) hỗ trợ các nước thu nhập trung bình và các nước thu nhập thấp có khả năng trả nợ.

Theo đó, có thể hiểu: thu nhập thấp là mức thu nhập của nhóm nước nghèo nhất nằm trong số những nước thành viên nghèo (thuộc diện được tiếp cận viện trợ của IDA) mà WB có chính sách ưu tiên dành cho nhà thầu của các nước này khi tham gia đấu thầu cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài để thực hiện các công trình xây lắp do IDA tài trợ tại nước đó. Năm 1989, ngưỡng để xác định thu nhập thấp là 480 USD (theo giá năm 1987). Cần lưu ý là ngưỡng thu nhập này còn thấp hơn ngưỡng thu nhập để xác định một nước được nhận hỗ trợ của IDA (năm 1989 là 940 USD tính theo giá năm 1987).  

Thu nhập trung bình thấp là mức thu nhập của các nước được tiếp cận với các khoản vay thời hạn 17 năm của IBRD (hiện nay, WB không còn phân thành khoản vay như vậy nữa). Năm 1989, ngưỡng để xác định thu nhập trung bình thấp là 1.940 USD (theo giá năm 1987).[2]

Năm 1989, ngưỡng thu nhập cao được xác định ở mức 6.000 USD, gấp 12,5 lần mức thu nhập thấp (theo giá năm 1987). Với mức này, vào thời điểm đó nhóm nước thu nhập cao bao gồm toàn bộ các nước đã công nghiệp hóa và các nước xuất khẩu dầu mỏ thặng dư vốn theo phân nhóm được WB sử dụng từ năm 1978.  

Các mức thu nhập dùng để phân nhóm nước liên tục được WB điều chỉnh hàng năm theo tỷ lệ lạm phát. Theo công bố ngày 1-7-2020 của WB: i) các nước thu nhập thấp có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 1.036 USD (theo số liệu năm 2019); ii) các nước thu nhập trung bình thấp có mức thu nhập bình quân đầu người nằm trong khoảng 1.036 USD - 4.045 USD; iii) các nước thu nhập trung bình cao có mức thu nhập bình quân đầu người nằm trong khoảng 4.046 USD – 12.535 USD; và iv) các nước thu nhập cao có mức thu nhập bình quân đầu người trên 12.535 USD.

WB sử dụng mức thu nhập để phân nhóm quốc gia là giá trị tuyệt đối chứ không phải giá trị tương đối. Cách phân nhóm của WB không hàm ý để đạt được mức thu nhập cao cần phải nằm trong “top” bao nhiêu của thế giới (như cách phân loại của UNDP về chỉ số phát triển con người). Theo phân loại của WB, thu nhập trung bình cao nằm trong một dải rất rộng (năm 2020 là từ 4.046 USD cho đến 12.535 USD). Trong năm tài chính 2020-2021 của WB, có: 29 nước thu nhập thấp; 50 nước thu nhập trung bình thấp; 56 nước thu nhập trung bình cao; 83 nước thu nhập cao.[3]

Phương pháp phân nhóm của WB có ưu điểm là dễ dàng đánh giá được sự tiến bộ của một nước và dễ dàng thống kê, lượng hóa về mặt dữ liệu quốc tế. Tất nhiên, không nên đánh đồng mức thu nhập bình quân đầu người (chỉ là một tiêu chí) với trình độ phát triển của một quốc gia, với nhiều tiêu chí như: các chỉ số về thu nhập bình quân đầu người, phát triển con người, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh, quản trị, v.v.

Sở dĩ thu nhập bình quân đầu người được lựa chọn vì nó là chỉ số dễ xác định nhất để phản ánh trình độ phát triển. Các nghiên cứu của WB cho thấy, thu nhập bình quân đầu người có tương quan chặt chẽ, về cả giá trị và xếp hạng, với một số chỉ số phát triển khác như: tỷ lệ nhập học, thấp còi (suy dinh dưỡng), nghèo khổ, phát triển thể chế, mức độ tín nhiệm tín dụng quốc gia, v.v.

Bên cạnh đó, chỉ số này cũng có những hạn chế nhất định. Ví dụ, về mặt lý thuyết, có một khả năng là nếu mức thu nhập bình quân đầu người của thế giới tăng nhanh thì có thể vượt qua mức thu nhập trung bình cao được xác định bởi WB. Do đó, hiện vẫn có những ý kiến cho rằng cách phân loại này của WB cần cập nhật hàng năm để phản ánh sự thay đổi mức sống bình quân của thế giới.

Đề cao tính khả thi

Tạm tính một cách đơn giản, nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của nước ta đạt 3.000 USD; với mức tăng thu nhập bình quân đầu người dự kiến khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 thì đến hết năm 2025, chúng ta sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.200 USD. Giả định nếu giữ được mức tăng thu nhập bình quân đầu người liên tục 7%/năm thì đến năm 2030 chúng ta sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.900 USD và đến năm 2045 đạt mức khoảng 16.300 USD.

Do phương pháp sử dụng giá trị tuyệt đối và điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, các mức phân nhóm thu nhập của WB có thể thay đổi theo cả chiều hướng tăng và giảm. Ví dụ, ngưỡng thu nhập trung bình thấp đã giảm từ 4.125 USD năm 2014 xuống còn 3895 USD năm 2018 trước khi tăng lên 4.045 USD năm 2020. Nếu nhìn lại thập kỷ vừa qua, ngưỡng thu nhập thấp được WB điều chỉnh chỉ dao động trong khoảng 230 USD, thì mục tiêu đặt ra là vượt mức thu nhập trung bình thấp (năm 2020 là 4.045 USD) vào năm 2025 của nước ta là khả thi. 

{keywords}
 

Mục tiêu tới năm 2025 có công nghiệp theo hướng hiện đại được xác định và thực hiện trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số chủ trương, định hướng lớn về vấn đề này.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đề ra chủ trương, chính sách về chuyển đổi số quốc gia, phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, v.v. là những yếu tố để phát triển công nghiệp hiện đại.

Mục tiêu và tầm nhìn trong Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị

1. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

2. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

3. Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Nguồn: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 cũng đã xác định tầm nhìn đến năm 2030: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Đặc biệt, Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, thể hiện rất rõ nỗ lực và quyết tâm phấn đấu đến năm 2030 nước ta có công nghiệp hiện đại. 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây thực hiện nghi thức phát động chiến dịch đẩy mạnh chuyển đổi số
{keywords}
 

Chúng ta có niềm tin vào việc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu và chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đề ra cho từng chặng đường phát triển của đất nước. Tuy vậy, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, đây là thách thức rất lớn vì chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi rất nhanh và nhiều bất định trong khi quy mô nền kinh tế nước ta càng lớn, ở trình độ phát triển càng cao thì tốc độ tăng trưởng càng chậm lại.

Song, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, không phải vì thời gian quá xa, không phải vì thế giới biến động và thay đổi quá nhanh mà thiếu đi tầm nhìn dài hạn; đưa ra tầm nhìn để có khát vọng phát triển, ý chí phấn đấu, đồng thời phải có niềm tin về tiền đồ tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta.

Những kết quả đạt được trong chặng đường 2021-2025 là nền tảng quan trọng cho bước phát triển tiếp theo của đất nước. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, 70 năm thống nhất đất nước và sau gần 60 năm tiến hành toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chúng ta phải có trách nhiệm đưa đất nước ta đứng vào hàng ngũ các nước phát triển để không phụ lòng mong ước của các bậc tiền nhân.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

------

[1] Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ được xếp vào nhóm nước đang phát triển, thu nhập trung bình
[2] Ở đây cũng không có nghĩa là: các nước thu nhập thấp tương đương với các nước đủ điều kiện vay từ IDA và các nước thu nhập trung bình tương đương với các nước đủ điều kiện vay từ IBRD vì các ngưỡng thu nhập là khác nhau. Ngoài ra, để nhận được các khoản vay, viện trợ từ IDA và IBRD còn có các điều kiện khác như: khả năng trả nợ; năng lực thể chế, v.v.
[3] https://datahelpdesk.worldbank.org/knowledgebase/articles/906519-world-bank-country-and-lending-groups

Tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Việt Nam

Tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Việt Nam

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng Đại hội sắp tới chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI: Phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.