- Mẹ ruột Đàm Vĩnh Hưng chỉ là một trong số rất nhiều người đã và đang dính vào giang hồ cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Dính vào những con đĩa “hút máu” người này, khi đó, họ thực sự cùng cực, sống dở, chết dở…

Vay hơn 200 triệu đồng…trả lãi 1 tỷ đồng vẫn còn nợ

Đến giờ kể lại hơn 3 năm “ác mộng” khi gia đình trót dính vào tín dụng đen, bà Nguyễn Anh Thảo (SN 1968, ngụ Q.Gò Vấp) giọng vẫn run run, “nửa năm nay, kể từ khi viết đơn cầu cứu Bí thư Đinh La Thăng, rồi công an vào cuộc, gia đình tôi tạm yên ổn nhưng nỗi lo, sợ hãi vẫn còn”.

Vụ việc của gia đình bà Thảo từng gây xôn xao dư luận. Thời điểm ấy con trai 17 tuổi của bà từng viết facebook cầu cứu Bộ trưởng Bộ Công an khi hàng chục lần gia đình bà bị giang hồ truy sát, đâm chém. Vụ việc được cho là xuất phát từ việc người chồng là ông Lý Long (SN 1972) vay mượn 300 triệu đồng, với lãi suất 15%/tháng của Phạm Thanh Khiêm (SN 1970, ngụ Q.Gò Vấp, hiện đang bị công an TP.HCM truy tìm) để làm ăn.

{keywords}
Gia đình bà Nguyễn Anh Thảo (Q.Gò Vấp) từng bị giang hồ đâm chém hơn chục lần vì dính đến tín dụng đen

Khoản vay thể hiện là 300 triệu, nhưng nhóm của Khiêm buộc ông Long phải viết biên nhận nợ…1 tỷ đồng. Hết khả năng chi trả, ông Long có xin, được Khiêm cho trả khoản nợ gốc, yêu cầu chuyển vào tài khoản. Ông Long, đã chuyển khoản 250 triệu đồng vào tài khoản của Khiêm nhưng ông này khẳng định chưa nhận được. Ông Long muốn ông Khiêm xuất hiện đối chứng nhưng không được. Kể từ đó gia đình ông Long – bà Thảo liên tục bị tấn công bởi những kẻ giấu mặt, thậm chí có lần ông Khiêm trực tiếp tham gia "xử" con nợ.

Hàng chục vụ tấn công mà gia đình bà Thảo khai báo, đến nay công an xác định được 5/9 vụ, trong đó bà bị thương tích 15%. Đáng nói trong những lần đó, 2 con của bà Thảo (17 tuổi và 15 tuổi), liên tục bị kẻ lạ tấn công bằng dao, hung khí nguy hiểm trên đường đi học. Người cha chồng đã 70 tuổi của bà Thảo cũng bị băng nhóm giang hồ kéo đến tận nhà dùng búa đập vào đầu…

Bà Thảo tâm sự “giờ nhớ lại quãng thời gian qua, đối với gia đình tôi là ác mộng, ám ảnh suốt đời…có lẽ hết đời này, sẽ chừa vay mượn tiền của dân xã hội”. 

Bà Thảo nhớ lại: “lúc đó cả gia đình ra đường cũng không dám, các con đi học sợ bị chém, giết… Mỗi lần giang hồ kéo đến nhà uy hiếp, khủng bố, ném giấy đòi nợ, nhắn tin dọa “xử” là tôi như bị…điên, chỉ muốn chết cho xong".

“Giờ thì tạm ổn, nhưng nỗi lo, hoang mang của gia đình tôi vẫn còn đó. Vợ chồng tôi chỉ muốn ông Khiêm xuất hiện, thống nhất nợ nần để giải quyết một lần cho xong nhưng không được...”, bà Thảo tâm tư.

Một trường hợp tương tự là bà Ngô Nguyễn Thụy Trâm (SN 1972, ngụ Q.Bình Thạnh) mới đây có kêu cứu đến báo VietNamNet.

{keywords}
Bà Trâm (Q.Bình Thạnh) vay 230 triệu đồng để làm ăn, nhưng trả lãi đã 1 tỷ đồng mà nợ gốc vẫn còn đó

Từ giữa năm 2012 đến giữa năm 2013 bà Trâm vay 230 triệu đồng, lãi suất 10%/tháng, của bà T.T.H (SN 1972, ngụ Q.Bình Thạnh) để làm ăn. Không hiểu cách tính toán thế nào, mà từ đó đến đầu năm 2015 bà Trâm đã trả lãi 1 tỷ đồng, trong khi nợ gốc vẫn còn.

Khi bà Trâm hết khả năng chi trả thì bà H ủy quyền cho 1 công ty đòi nợ thuê, sau đó chuyển qua các nhóm giang hồ. “Họ liên tục kéo hàng chục người đến nhà tôi đập phá, dọa chặt chân tay, chém giết…Bị dí đòi, khủng bố hàng ngày, tôi bị tâm thần, có lúc tôi đã uống thuốc sâu để… giải thoát nhưng người nhà phát hiện kịp”, bà Trâm kể lại và cho biết đến nay vẫn chưa thoát khỏi “vòng kim cô” vô hình.

Khi tín dụng đen… giăng lưới

2 người đàn bà nói trên, được cho là trót dính vào “ác mộng” tín dụng đen khi vay tiền từ dân xã hội làm ăn. Nhưng nhiều trường hợp khác sập bẫy của dân làm nghề…cho vay chuyên nghiệp, bởi những chiêu trò chúng giăng ra quá hoàn hảo và nạn nhân không loại trừ ai.

Hiếu (tên nạn nhân thay đổi, SN 1984, ngụ Q.Bình Thạnh) từng là dân văn phòng và có đầu tư kinh doanh 2 quán ăn tại Q.3. Cuộc sống của Hiếu sẽ không là ác mộng nếu dính vào cờ bạc và vòng cương tỏa bởi 1 nhóm chuyên nghề cho vay nặng lãi đến từ miền Bắc.

Ban đầu Hiếu chỉ tham gia chiếu bạc nhỏ lẻ, giải trí giờ nghỉ trưa. Dần dần Hiếu được các bạn cờ bạc cấp tài khoản để…cá độ bóng đá. Lao sâu vào cờ bạc và cá độ, chỉ một thời gian ngắn, Hiếu ôm khoản nợ 800 triệu đồng.

{keywords}
Tín dụng đen giăng lưới khắp nơi và có không ít người dính vào trở nên điêu đứng, cùng kiệt

Riêng tiền nợ dân cờ bạc 300 triệu đồng, Hiếu bị chủ nợ chuyển giao cho băng nhóm chuyên nghề cho vay nặng lãi, giải quyết với mức lãi suất 15% tháng, góp lãi mỗi tuần trên chục triệu đồng, chưa kể trả góp khoản vay gốc.

Bí thế, Hiếu mượn tài sản bạn bè cầm cố giải quyết “hụi chết” hàng tuần, nhưng được thời gian ngắn rồi mất khả năng. Giang hồ tìm đến các quán ăn quậy phá, gây áp lực, dọa chặt tay...Vợ Hiếu đang mang bầu bị khủng hoảng. Quán ăn chỉ thuê mặt bằng để kinh doanh không xoay sở đâu ra tiền để chi trả...nên Hiếu liên tục lánh mặt, trốn chui trốn nhủi và xin nghỉ việc ở công ty.

Hiếu từng tâm sự với bạn, đã ly hôn vợ khi con chưa kịp chào đời, bản thân từng nhiều lần đến cầu Sài Gòn toan gieo mình xuống để giải thoát, nhưng không đủ can đảm. Đến giờ nhiều tháng trôi qua, bạn bè, người thân không biết Hiếu trôi dạt nơi đâu.

Thế nhưng câu chuyện những sinh viên dính vào tín dụng đen mới thật sự bi kịch. Sinh viên nợ nần cá độ, cờ bạc phải bỏ học, bỏ trốn là chuyện không hiếm, nhưng sinh viên dính đến vay nặng lãi để…đầu tư học hành, trang trải cuộc sống hay mua đồ dùng, đến mức bị uy hiếp, thực sự là câu chuyện đầy xót xa.

Lâm (SN 1995, ngụ tỉnh Đắc Lắc) sắp trở lại giảng đường sau 1 năm trời bảo lưu kết quả, trốn nhủi làm thuê…

Việc xuất phát khi Lâm vay 10 triệu đồng thông qua dịch vụ vay tín chấp mà nhiều bạn trẻ phát tờ rơi nhan nản ngoài đường. Số tiền này, Lâm đóng học phí 1 kỳ và mua ĐTDĐ yêu thích. Thực tế vay 10 triệu đồng, lãi suất 15%/tháng nhưng ban đầu chỉ nhận 8 triệu đồng.

Vài tháng đầu đóng lãi, rồi Lâm…quên luôn, chuyển chỗ trọ đi nơi khác. Một ngày đẹp trời, Lâm “không mời” nhưng phải “tiếp” 1 đám thanh niên xăm trổ tìm đến tận phòng trọ chửi bới, hành hung đòi nợ, thông báo khoản nợ đã là… 22 triệu đồng.

Lâm không dám báo gia đình vì biết cảnh ở quê, bạn bè cũng đồng cảnh ngộ không có để cho vay mượn. Bị chặn đường đánh vài lần, cuối cùng Lâm quyết định bảo lưu kết quả đi làm thuê kiếm tiền trả nợ nhưng cũng không đủ sống, rồi phải thú thật với gia đình để mong…giải cứu.

Lâm trần tình, số phận mình vẫn còn may mắn. Vì Lâm biết 1 số sinh viên khác dính đến nợ nần dân xã hội chỉ vài triệu đồng nhưng kết cục…dở dang cả tương lai.

Anh Sinh

Bài 2: Giang hồ tín dụng đen là ai?