Việc sơ tán 3.000 trẻ em, rất nhiều trong đó là trẻ mô côi trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ bắt đầu bằng thảm kịch, khi chuyến bay đầu tiên gặp nạn. 

{keywords}
Hành khách trên chiếc máy bay vận tải C-5A

Tác giả Simon Parry đã gặp gỡ những đứa trẻ còn sống thời ấy, và một số người khác liên quan đến chiến dịch Babylift của 40 năm trước. Họ đều khát khao kết nối với nguồn cội.

Dân làng vẫn lưu truyền câu chuyện rùng rợn. 40 năm sau khi một thảm kịch xảy ra, họ nói, bóng ma của những đứa trẻ trong chuyến bay gặp nạn vẫn ám ảnh trên cánh đồng lúa ở ngoại ô Sài Gòn.

Chiến dịch Babylift - một kế hoạch đưa hàng nghìn trẻ mồ côi, con của người Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, trẻ khuyết tật... tới cuộc sống mới ở nước ngoài trước khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ ngày 30/4/1975 - từng được xem là tia hy vọng mỏng manh cho những ngày đen tối cuối cuộc chiến. Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên của chiến dịch này đã gặp nạn vài phút sau lúc cất cánh.

Tổng thống Mỹ khi ấy là Gerald Ford đã chờ đợi để chào đón những đứa trẻ tới Mỹ. Chiếc máy bay C-5A cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, hướng tới điểm đỗ đầu tiên là căn cứ không quân Clark ở Philippines chiều 4/4/1975.

{keywords}
Máy bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất

313 người - rất nhiều là trẻ mồ côi, cùng những quan chức, người Mỹ đảm nhận việc chăm sóc các em - có mặt trên máy bay. Máy bay bắt đầu bay qua Biển Đông, đạt độ cao hơn 7.000m thì phát nổ ở phía sau. Các phi công đã cố vật lộn kiểm soát, đưa máy bay trở lại Tân Sơn Nhất.

Cách sân bay không xa, máy bay lao xuống, vỡ làm bốn mảnh, rồi bốc cháy ở vùng ngoại ô. 78 trẻ sơ sinh và trẻ em, 50 người lớn ngồi ở khoang sau tử nạn lập tức, 10 người ngồi khoang trước cũng thiệt mạng, 175 người sống sót.

“Tôi nghe thấy tiếng nổ lớn", một phụ nữ đứng tuổi kể lại. "Chồng tôi chạy ra và tôi hét với ông ấy: "Ông còn nhìn gì nữa, mọi người đang hấp hối". Những ngày sau, vẫn còn thi thể nằm trên cánh đồng, bà nhớ lại. "Đó là lý do vì sao các linh hồn vẫn ở đây". Một người khác trong làng đã xác nhận điều này và cho biết thêm, ngôi miếu thờ được dựng lên ngay ở khu vực máy bay rơi trên cánh đồng lúa.

'Bóng ma' trở lại

40 năm sau thảm họa, vào lúc dân làng kể lại câu chuyện, thì một "bóng ma sống" đang đi cạnh họ - một đứa trẻ mồ côi khi đó được thông báo đã chết cùng với người em song sinh - nay còn sống.

Landon Carnie, hiện 41 tuổi được cho là đứa trẻ sống sót đầu tiên của thảm họa trở lại nơi này. Landon và người em song sinh là Lorie có cha mẹ nuôi chờ sẵn tại Washington cách đây 40 năm, được chính thức thông báo là đã chết khi mất tích nơi hiện trường còn mịt mù khói lửa.

{keywords}
Khói bốc cao ở hiện trường máy bay gặp nạn

Hơn 24h sau đó, người ta thấy chúng đứng dúm lại với nhau trên cánh đồng. Landon và em đã khá may mắn. Lúc đầu, chúng được đặt ở khoang sau nhưng một y tá đã đưa hai đứa lên khoang trước ngay sau lúc cất cánh. “Chúng tôi được đặt chung trên một ghế", Carnie nhớ lại câu chuyện được kể khi còn nhỏ. “Một ngày sau thảm họa, một người nông dân đã phát hiện ra chúng tôi. Cha mẹ - người nhận nuôi chúng tôi - nhận được điện tín báo chúng tôi đã chết vì không tìm thấy. Nhưng chúng tôi còn sống".

Cặp sinh đôi đã có tuổi thơ hạnh phúc ở Mỹ.

Năm 2000, một cuốn phim tài liệu công chiếu nhân kỷ niệm 25 năm chiến dịch Babylift đã khiến Carnie mong muốn trở về nơi sinh ra. “Tôi nghĩ, tôi phải trở về", anh nói. "Tôi cảm thấy đây là lúc phải về Việt Nam và biết nơi tôi xuất thân".

Trong chuyến trở về này, anh đi cùng mẹ nuôi. Hai năm sau, anh về Việt Nam sinh sống, Lorie tới thăm anh năm 2005. "Việt Nam đã thu hút tôi", Carnie, giảng viên khoa truyền thông tại Đại học RMIT, chi nhánh TP.HCM nói. "Nên tôi trở lại và sống ở đây được 13 năm rồi".

“Cha mẹ nuôi lúc đầu khá lo lắng. Và tôi đã rất thận trọng những gì mình làm, nhưng giờ đây, tôi đã biết đích xác những gì mình có thể nói và làm ở đây".

Mãi tới năm ngoái, Carnie mới tìm ra được hiện trường vụ tai nạn với sự giúp đỡ của một trẻ mồ côi khác trong chiến dịch Babylift - người có mặt trên một chuyến bay khác. Carnie sau đó đã tới thăm nơi này với đoàn làm phim của tạp chí trực tuyến Asia Life.

Dù xảy ra thảm kịch, nhưng chiến dịch Babylift vẫn tiếp tục và vận chuyển hơn 3.000 trẻ sơ sinh, trẻ em trước khi chế độ cũ sụp đổ. Khoảng 2.000 người trong số đó đến Mỹ, còn lại tới Australia, Canada và châu Âu.

Dịp kỷ niệm 40 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam đã khuấy động cảm xúc của rất nhiều trẻ mồ côi trong chiến dịch năm ấy, một số người quyết tâm theo đuổi hành trình dài, thậm chí vô vọng, để tìm ra cha mẹ đẻ ở Việt Nam.

Thái An (theo SCMP)

Kỳ sau: Đứa trẻ không nguồn cội và viên phi công 'người hùng'