- Bị cát từ những núi bãi thải do bóc đất tầng phủ (Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh) vùi lấp hết mộ ông bà tổ tiên, nhiều người dân đã hoảng hốt chạy đi bốc để di chuyển mộ. Xót xa thay, đào tìm mãi chẳng thấy. Người dân chỉ còn cách dùng sọ dừa, cành dâu nặn thành hình nhân thay thế, làm lễ rồi mang đi chôn. Những tiếng khóc nghẹn ngào vang động cả miền quê nghèo.

Bài 1: “Có nơi nào khổ như chúng tôi không?”
“Chúng ta phải nhìn vào sự thật là đã rất có lỗi với dân, không thể bắt họ kéo dài đau khổ này mãi. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, cùng với các thành viên Cty TIC trả lời dứt khoát"..


Dai dẳng nỗi đau

Đối với vùng đất như Thạch Hải, người dân ở đây bao đời nay vẫn quan niệm “sống trong cát chết vùi trong cát”. Họ sinh sống, làm ăn trên những bãi cát rộng lớn và khi chết đi, thân thể của họ được chôn ngay trên những cồn cát đầy nắng gió.

Thế nhưng, từ sau khi dự án mỏ sắt triển khai, Công ty CP sắt Thạch Khê tiến hành bóc đất tầng phủ, những núi bãi thải dần dần mọc lên sừng sững. Mùa hè thì bão cát bay khắp nơi, lẫn vào cả bát cơm ăn của người dân.

Mùa mưa thì những cơn mưa rào đã làm cho những khối cát biến thành lũ bùn trôi xuống, chôn vùi ruộng vườn, nhà dân và cả những ngôi mộ cũng bị vùi chôn sâu dưới cát.

Bà Nguyễn Thị Trúc bên ngôi mộ nay đã trở thành hố nước sâu của người bà. Tất tả vượt hàng trăm cây số trở về, cái bà nhận được chỉ là nỗi đau xót vô bờ khi ngôi mộ người thân không thể tìm thấy. Ảnh: Duy Tuấn

 

Ngày chúng tôi đang có mặt tại căn phòng Chủ tịch xã Thạch Hải, đang trò chuyện thì có một người dân đến mếu máo trình bày: Mộ bà nội bị cát vùi lấp, bà đã đào tìm mấy ngày qua nhưng vẫn không thấy. Nhờ chính quyền giúp đỡ.

Bà là Nguyễn Thị Trúc (56 tuổi). Bà Trúc vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê cát trắng này. Nhiều năm qua bà cùng với gia đình vào miền Nam làm ăn sinh sống. Khi nghe người thân thông báo mộ ông bà bị cát lấp, bà vội vàng bắt xe đò trở về để bốc chuyển, không thì không thể yên tâm mà làm ăn được.

Những bãi thải khổng lồ do Cty Sắt Thạch Khê đắp lên đã vùi lấp ruộng vườn, nhà cửa, mồ mả của người dân. Có ý kiến cho rằng, việc chưa GPMB, tái định cư cho dân mà đã đi vào khai thác đã dẫn tới nhiều hệ quả không đáng có. Ảnh: Duy Tuấn

Thế nhưng, ngày trở về quê hương, một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt bà. Toàn bộ cồn cát, nơi người dân chôn cất người thân nay biến dạng, cát đã vùi lấp những ngôi mộ sâu nhiều mét. Việc xác định được vị trí chính xác cũng đã là khó.

“Đào từng nào chỉ thấy nước ọc lên từng đó. Giờ ngôi mộ đã trở thành một hố nước lớn, chẳng thể biết được quan tài của bà tôi ở đâu nữa”, nói rồi bà Trúc lại khóc.

Ngôi mộ mà bà đang cố công tìm kiếm nằm trên cồn cát tại xóm Thượng Hải. Vị trí này sát ngay cạnh bãi thải bóc đất tầng phủ của Cty CP sắt Thạch Khê đắp lên. Nay nó đã hình thành những ngọn núi cát cao sừng sững.

Ông Nguyễn Tuấn Vịnh, Phó chủ tịch HĐND xã Thạch Hải, một trong hai cán bộ tiên phong trong việc tự dời mồ mả nhưng sự việc đã vượt xa mức tưởng tượng. Chẳng tìm được hài cốt, họ đành phải dùng hình nhân thay thế. Ảnh: Duy Tuấn

 

Theo chân bà Trúc ra thắp hương lên "ngôi mộ" - nơi được coi là chỗ chôn cất bà nội của bà ở cồn cát xóm Thượng Hải, nhìn dáng đi xiêu xiêu theo triền cát, tôi không khỏi chạnh lòng.

Dáng đi ấy, nét mặt đầy tâm tưởng ấy đã cho thấy hết nỗi đau của 1 kiếp người khi phần “hồn” đã "không định', nói gì đến phần xác.

Vô vọng, gia đình bà phải dùng cấy dứa dại (loài cấy mọc rất nhiều ở miền biển đầy nắng gió - và có lẽ là loài cấy duy nhất mọc được ở vùng đất "khổ ải" này - PV) che chắn, "đánh giấu" khu vực có mộ.

Sọ dừa, cành dâu thay thế hài cốt

Người dân vùng quê nghèo này sẽ mãi chẳng quên được câu chuyện đau lòng chưa từng có diễn ra vào tháng 12/2010.

Cả xóm làng nghẹn ngào trước cảnh hai hộ gia đình của ông Nguyễn Tuấn Vịnh và Trưởng thôn Nam Hải Nguyễn Hữu Thọ phải dùng hình nhân thay thế hài cốt người thân khi mồ mả đã bị vùi lấp.

Đến bây giờ, vị Phó Chủ tịch HĐND xã Thạch Hải Nguyễn Tuấn Vịnh vẫn còn nhớ như in câu chuyện diễn ra vào cuối năm ngoài đối với gia đình ông.

Đó là một câu chuyện thấm đẫm nước mắt, nhưng ông chẳng dám khóc khi mang trên mình chức trách tại chính quyền nơi đây.

Mặc dù mỏ sắt đã ngừng khai thác từ tháng 7/2011 để tái cơ cấu cổ đông, nhưng những đoàn xe tải vẫn hoạt động rầm rộ khiến những con đường vốn đã xuống cấp càng thê thảm hơn

“Thời gian đó, Cty CP sắt Thạch Khê đang thực hiện việc bóc đất tầng phủ, những núi cát khổng lồ từ khu vực bãi thải đã hình thành. Ruộng vườn bị vùi lấp thì không nói làm gì, đến ngay cả những khu nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ cũng bị chôn vùi nhiều mét”. 

Là đảng viên, cán bộ lãnh đạo, ông Vịnh và ông Thọ được cử làm "quân tiên phong" -  nhằm động viên người dân tiến hành bốc mộ người thân tại khu vực bị cát vùi do bãi tập kết đất tầng phủ. Ông Vịnh có hai ngôi mộ của người em trai và ông chú họ nằm trong khu vực phải di dời.

"Bao nhiêu con người liên tục đào xới trong nhiều ngày tại vị trí hai ngôi mộ, nhưng chẳng thể tìm được gì. Đào từng nào thì nước ọc lên từng đó, chẳng thể nhìn thấy gì. Rồi khi ngôi mộ đã thành ao nước nhỏ, chúng tôi đã báo cáo lên Cty Sắt để nhờ họ mang máy xúc đến hỗ trợ” - ông Vịnh kể.

Những ánh mắt đỏ hoe của gia quyến dõi theo từng vết ngoặm của chiếc máy xúc lần lượt cắm xuống. Nhưng rồi cũng chẳng giúp thêm được gì vì chỉ thấy nước trào lên.

Trẻ con ở Thạch Hải cũng đang phải gánh chịu đau khổ cùng với cha mẹ chúng khi toàn xã chẳng triển khai được gì, nhiều hộ dân có nguy cơ đói và đang vô vọng chờ một ngày được tái định cư. Ảnh: Duy Tuấn

Kiếm tìm trong vô vọng chẳng thấy, cuối cùng họ đành phải dùng cách thức cuối cùng, là dùng hình nhân thay thế rồi mời thầy cúng làm lễ “chiêu hồn trở táng” để đem đi chôn, coi như là hài cốt.

Ông Vịnh kể tiếp: Chúng tôi phải dùng những quả dừa tươi được đẽo sạch vỏ để làm cái đầu. Lấy hai hạt nhãn làm mắt giả gắn vào, hai quả trám làm xương gối. Rồi huy động nhiều người đi xin cành cây dâu về để làm thân hình.

Tất cả được đặt lên một miếng vải sạch. Sau khi dùng đất nặn thành hình người, một buổi lễ “chiêu hồn trở táng”, gọi hồn người thân nhập vào hình nhân giả rồi mang đi chôn. Những “đám tang tâm lý” nhanh chóng được hoàn tất. Họ xem như người thân mình đã được an nghỉ ở chỗ mới.

“Cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm thế. Giải pháp tình thế này chủ yếu để động viên người sống, chứ xót xa lắm chú ơi”, ông Vịnh buồn rầu nói.

Phía bên gia đình trưởng thôn Nguyễn Hữu Thọ cũng vậy. Hai ngôi mộ người thân của gia đình ông cũng chẳng thể tìm thấy. Những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt người thân, những gào thét xé lòng đã làm rúng động cả một vùng quê.

Hoàn cảnh đau thương như của ông Vịnh, ông Thọ, bà trúc còn nhiều lắm ở vùng đất Thạch Hải. Và không chỉ là nghịch cảnh với người đã chết, mà "hoạt cảnh người sống" cũng có nhiều chuyện "cười chảy nước mắt".

Duy Tuấn – Thăng Long

(còn nữa)