- Ngoài lao động phổ thông bị mất việc làm khi doanh nghiệp thu hẹp sản xuất thì ngay cả các lao động trình độ cao, thậm chí có cả “đại gia” hưởng mức lương 40-50 triệu đồng/tháng cũng không có việc làm, trong đó có nhiều người làm quản lý, làm sếp ở các doanh nghiệp!

Giám đốc ngồi xem tivi!

Tiến sỹ Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết đối tượng làm quản lý, lao động chất lượng cao hiện giờ đang thiếu nhưng họ rất kén việc làm.

Khi không tìm được việc làm hoặc dự án mang lại thu nhập lớn tương xứng với trình độ, họ sẵn sàng chấp nhận thất nghiệp một thời gian để chờ cơ hội mới.

Nhiều người là lãnh đạo các doanh nghiệp, trưởng điều hành dự án hưởng lương khủng cũng đang rơi vào cảnh thất nghiệp vì không có việc làm (Ảnh minh họa: N.A)


“Ngoài ra, trong quý 1/2012 đã có khoảng 12.000 doanh nghiệp (chủ yếu trong các khu công nghiệp, khu chế xuất) phải ngưng sản xuất hoặc giải thể. Như vậy, một điều chắc chắn xảy ra là sẽ có một số lượng lớn giám đốc điều hành (CEO) của 12.000 doanh nghiệp này cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, hệt như lao động phổ thông. Họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Điều nhấn mạnh.

Trên thực tế, trong số những người mất việc làm đến đăng ký BHTN tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội trong tháng 4 vừa qua có không ít người trước đó là sếp, sở hữu những vị trí “nóng” trong các công ty nhưng cuối cùng cũng đã phải nghỉ việc vì doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, áp lực chèo lái quá lớn khiến họ đầu hàng.

Có thể kể đến trường hợp giám đốc nhãn hàng của một công ty mỹ phẩm lớn, có mức lương 30 triệu đồng/tháng (chưa kể các phụ cấp, hoa hồng tính theo doanh thu) hoặc giám đốc điều hành một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng có mức lương 40-50 triệu.

Tuy nhiên, khi cắt giảm nhân sự do thu hẹp thị trường, cả hai vị giám đốc này đều nghỉ việc ở công ty cũ.

“Có nhiều cơ hội để tìm việc làm mới nhưng vì muốn nghỉ ngơi sau một thời gian dài chịu nhiều áp lực nên người này đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp để được ở nhà một thời gian trước khi bắt tay vào công việc mới. Trong số những người lao động có trình độ cao thì không phải ai cũng thuộc diện bị sa thải. Có thể họ chủ động nghỉ do công ty đãi ngộ không tốt trong lúc kinh tế khó khăn”, bà Nguyễn Thị Kim Loan - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN – Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội) - cho hay.

Một trong những người lao động đến đăng ký BHTN tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cuối tháng 4 vừa qua là một thanh niên 28 tuổi, làm việc trong lĩnh vực xây dựng với vị trí giám đốc tài chính.

Do lãi suất cao, các dự án của công ty anh bị “chết lâm sàng”, mọi hoạt động của công ty đều đình trệ. Từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, toàn bộ 40% nhân sự của công ty bị sa thải. Anh tuy không bị sa thải nhưng vì muốn chuyển hướng công việc nên đã nghỉ việc tạm thời, chờ cơ hội mới.

Kể từ khi “thất nghiệp”, công việc chính của anh là ngồi nhà xem tivi, lướt web và chơi thể thao!

Lương khủng nhận trợ cấp thất nghiệp khủng!

Bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: Tính từ đầu năm 2012 đến hết tháng 4/2012 đã có 7.324 người lao động đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp và 6.894 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2011 (cả năm 2011 có trên 16.000 người).

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cơ hội bị thu hẹp thì người lao động (kể cả có trình độ) cũng rất khát việc làm (Ảnh minh họa: N.A)

Điều đáng chú ý là ngoài 63% số người mất việc làm là lao động phổ thông thì có tới 35% số người mất việc làm còn lại có trình độ ĐH, CĐ và lao động chất lượng cao.

Trong số 35% số lao động mất việc có trình độ ĐH, CĐ và lao động chất lượng cao (làm việc trong các lĩnh vực giàu chất xám) thì có không ít người (chiếm khoảng 10%) đang là chuyên gia hoặc là quản lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có cả “sếp” của doanh nghiệp tương đối lớn.

Điển hình nhất có thể kể đến trường hợp mất việc làm là trưởng một dự án về môi trường (do nước ngoài đầu tư). Khi điều hành dự án, mức lương của người này ở mức 42 triệu đồng/tháng (2.000USD/tháng). Song khi dự án kết thúc thì anh không tìm được dự án khác thay thế do điều kiện kinh tế khó khăn khiến các dự án bị thu hẹp hoặc được chọn lọc rất khắt khe.

Trong thời gian chờ dự án mới, anh đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với mức lương 42 triệu đồng/tháng, vị trưởng dự án này nhận mức BHTN trong thời gian chờ việc làm mới là 9,96 triệu đồng/tháng.

Bà Loan cho biết theo quy định, mức đóng BHTN được khống chế ở mức 20 tháng lương tối thiểu, do đó mốc đóng BHTN tối đa dừng ở con số 16,6 triệu đồng (khi áp lương tối thiểu 830 ngàn đồng/tháng). “Người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60%, do đó anh này được hưởng mức trợ cấp cao nhất là 9,96 triệu đông/tháng”, bà Loan giải thích.

Hiện nay, khi mức lương cơ bản đã tăng lên 1.050.000 đồng/tháng thì mức trợ cấp thất nghiệp cao nhất một người được hưởng lên tới 12.600.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp thất nghiệp này có lẽ là con số “trong mơ” của nhiều người đang có việc làm. Nhưng theo bà Loan, đối với người lao động có trình độ cao thì chuyện nhận trợ cấp “khủng” như trên không phải là hiếm.

Thống kê của phòng BHTN – Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho thấy trong tháng 4, có khoảng 2% số người lao động mất việc làm được hưởng trợ cấp ở mức trên 9 triệu đồng/tháng. Nếu tính mức trợ cấp từ 5 triệu đến 9 triệu đồng/tháng thì có tới 6% người lao động mất việc đang được hưởng mức trợ cấp này!

“Điều này cũng là dễ hiểu bởi khi còn đang đi làm, vị trí công việc của họ tương đối quan trọng, mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt”, bà Loan cho biết.

Những lưu ý về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng (nếu đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng), được hưởng 6 tháng (nếu có đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng) và 12 tháng trong trường hợp đóng bảo hiểm từ 144 tháng trở lên. Kể cả thu nhập cao tới đâu, bảo hiểm thất nghiệp chỉ trả cao nhất là 9,96 triệu đồng/tháng/người (với điều kiện lương cơ bản là 830.000 đồng/tháng).

Ngọc Anh