- Tuổi đời của hung thủ ngày càng trẻ hóa. Nguyễn Hải Dương, Lê Văn Luyện, Vi Văn Hai, Đặng Văn Hùng… gây án khi tuổi đời còn quá trẻ nhưng đã quá già về “tuổi ác”. Đáng lo ngại hơn giết người không phải do bộc phát mà đã được lên kế hoạch, cái ác đã được lập trình không khác mấy so với những game bạo lực.

Dư luận dường như đã đạt đến đỉnh của sự rúng động khi Lê Văn Luyện giết cả 3 người trong một gia đình để cướp của. Ít ai ngờ, ẩn đằng sau gương mặt ấy là phần “con” quá dã man, tàn bạo. Nhưng khi Nguyễn Hải Dương và đồng bọn thẳng tay thảm sát một lúc 6 người chỉ vì mẫu thuẫn tình cảm, người ta lại bàng hoàng nhận ra cái ác vẫn chưa đạt đến giới hạn của nó.

Vì sao những vụ án mạng kinh hoàng liên tiếp xảy ra? Vì sao con người ngày càng tàn ác? Phải làm gì để ngăn chặn cái ác? Đâu là giới hạn của lương tâm? Đó là những câu hỏi nhức nhối không dễ tìm ra câu trả lời.

{keywords}
Hung thủ các vụ thảm án gần đây Nguyễn Hải Dương, Vi Văn Hai và Đặng Văn Hùng đều còn rất trẻ.

Ở đây, vấn đề không những là số lượng người chết mà còn là phương thức gây án quá tàn bạo, hầu như chưa hề có tiền lệ trong suốt lịch sử các vụ trọng án ở nước ta. Phải chăng chính vì sự bất an trong xã hội nên ngành công an mới huy động tới cả cấp cao nhất và cả lực lượng tinh nhuệ nhất để truy bắt các hung thủ?

Áp lực từ cuộc sống và cạnh tranh sinh tồn, thất nghiệp, khó khăn kinh tế, phân tầng xã hội diễn ra gay gắt, những đòi hỏi ngày càng lớn của mỗi cá nhân trong một xã hội đang đẩy nhanh tốc độ chạy đua vật chất khiến giới trẻ mất phương hướng, khủng hoảng đời sống tinh thần dẫn đến tiêu cực trong suy nghĩ và hành động.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam không phải lỏng lẻo nhưng đã phổ biến sâu rộng vào đời sống hàng ngày hay chưa mới là vấn đề. Hàng năm chúng ta phải tốn rất nhiều tiền bạc và công sức để sửa đổi, bổ sung luật nhưng tại sao lớp trẻ vẫn “mù” luật? Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để xảy ra những thảm án đau lòng.

Quả thật đáng báo động bởi tuổi đời của hung thủ ngày càng trẻ hóa, Nguyễn Hải Dương, Lê Văn Luyện, Vi Văn Hai, Đặng Văn Hùng… gây án khi tuổi đời còn quá trẻ nhưng đã quá già về “tuổi ác”! Đáng lo ngại hơn giết người không phải do bộc phát mà đã được lên kế hoạch, cái ác đã được lập trình không khác mấy so với những game bạo lực.

Hung thủ đã đền tội, công lý đã được đòi lại một cách công bằng nhất nhưng nỗi đau của những người con mất cha, người vợ mất chồng và nặng nề hơn là những dư chấn tâm lý cho toàn xã hội thì không gì có thể lấp đầy được.

Chúng ta có 19 triệu gia đình văn hóa, con số thật đẹp nhưng nhìn đâu trong xã hội cũng thấy bất an, nguy hiểm nhan nhản trên khắp đất nước này. Người ta sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ, thậm chí đoạt mạng nhau vì một vài mâu thuẫn vụn vặt!

Khủng hoảng văn hóa và nhân đạo sẽ thành hiện thực nếu con người ngày càng “chai sạn” và vô cảm với những vụ án giết người, bởi cấp độ dã man và số lượng nạn nhân ngày càng tăng sẽ làm chai lì xúc cảm phản kháng và lên án của xã hội.

Ở đâu đó người ta vẫn bi quan rằng “không có người tốt, chỉ có người chưa có cơ hội để xấu”. Quả đúng chăng khi nhìn vào thực trạng xã hội hiện nay, cái mà cách đây mấy thập kỷ nhà văn Thạch Lam đã mô tả trong truyện ngắn Sợi tóc là “cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người… khi chuẩn bị làm điều ác”. Rõ ràng lằn ranh giữa cái ác, cái thiện chỉ bằng đúng… một sợi tóc!

Trong mỗi con người đều trường tồn một phần nào đó của góc tối, của cái ác từ nhỏ li ti đến chiếm lĩnh tâm hồn. Những “hạt giống” của cái thiện cũng như cái ác có thể gieo ở khắp nơi, và chỉ cần gặp được “mảnh đất” và những điều kiện thích hợp là nó có thể nảy mầm và phát triển. Nó có thể nằm ở đâu đó trong vô thức con người, đến khi có điều kiện, như các nhà tội phạm học đã phân tích, thì nó sẽ được chuyển từ ý thức sang hành động.

Phải chăng cần đặt một dấu hỏi lớn cho ngành giáo dục, bởi "hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần lớn do giáo dục mà nên". Nếu giáo dục không khơi gợi được những hạt “giống thiện”, kìm hãm và loại bỏ mầm mống của cái ác, thì không ai có thể chắc chắn rằng rồi đây sẽ không còn những thảm án kinh hoàng hơn những gì chúng ta đã chứng kiến.

Đằng sau những thảm án nỗi đau không chỉ gói gọn trong gia đình nạn nhân, trách nhiệm không chỉ ở người thân của hung thủ mà đó là nỗi đau và trách nhiệm của toàn xã hội.

Hung thủ phải đền tội, công lý được bảo vệ nhưng chắc chắn không ai trong chúng ta cảm thấy vui và thỏa mãn vì công lý này được đối trọng bởi những mạng người.

Trương Khắc Trà