- Gợi ý của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về nghi ngại chạy chức của dư luận, theo Trưởng Ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa, là đáng suy nghĩ, từ đó tính toán, cân nhắc và giải quyết.

>> Tổng bí thư: Nghe chuyện chạy chức xót cả ruột
>> Lầm lẫn tai hại về chạy chức

Phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc công tác tổ chức xây dựng Đảng hôm nay (29/1), ông Tô Huy Rứa nhận định: “Việc này dư luận đang quan tâm lắm, nói rất nhiều. Điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo TƯ mới đây chỉ ra nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội là điều bức xúc thứ hai của người dân, chỉ sau tham nhũng”.

'Tôi cũng trăn trở'

Vấn đề này, Trưởng Ban Tổ chức TƯ khẳng định không phải “không nghĩ gì, không làm gì”. “Từ ngày về làm công việc này, tôi cũng trăn trở suy nghĩ lắm, xem điều người ta vẫn hay nói về cái ‘chạy’ này, thì những người liên quan trực tiếp là những người làm công tác tổ chức như thế nào. Cố gắng nghĩ cách để vừa nâng cao chất lượng công việc, đồng thời hạn chế những thiếu sót này”.

Ông Tô Huy Rứa khẳng định: Việc luân chuyển theo yêu cầu của hội nghị TƯ 4 đã được làm bài bản, không phải theo cách cũ làm ào ạt khiến người ta nghĩ là chạy được.

{keywords}
 Trưởng Ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa. Ảnh: TTXVN

"Trước hết là xin chủ trương có nên tiếp tục luân chuyển không vì qua tổng kết thấy việc này có nhiều ưu điểm mà cũng có nhiều nhược điểm cần nghiên cứu. Ban Bí thư thảo luận và thấy phải giữ việc luân chuyển vì gắn với quy hoạch, cái gì không đúng, không tốt phải sửa", ông Tô Huy Rứa nói.

"Tiếp theo là xây dựng tiêu chí: người trẻ, từ vụ trưởng trở lên, có trong quy hoạch của ban ngành TƯ lên chức vụ cao hơn, chứ không phải bất cứ ai. Luân chuyển về địa phương nào cũng có tiêu chí: trung tâm kinh tế văn hóa lớn, những nơi khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, những nơi cần tăng cường đội ngũ, để cán bộ về học hỏi, rèn luyện, rèn giũa.

Trong 63 tỉnh, thành phải xét địa phương nào đủ điều kiện mới luân chuyển về, kể cả cán bộ của TƯ cũng để địa phương cân đối, sắp xếp. Khi thông qua mới thông báo cho các ban ngành TƯ giới thiệu cán bộ, mỗi đơn vị chỉ 2-3 người. Ban Tổ chức TƯ xét từng tiêu chí, chỉ là vụ phó, hay tuổi cao, hay không có quy hoạch lên cao hơn… đều không đưa vào danh sách. Sau đó lại thảo luận với địa phương để thống nhất".

Bộ lọc dày thì khó chạy lắm

6 nơi đồng ý thì mới trình Ban Bí thư và Ban chấp hành TƯ, Trưởng Ban Tổ chức TƯ tin rằng “quy trình chặt chẽ như thế thì khó chạy lắm”.

“Làm sao chạy được cả 6 nơi? Việc lất phất gặp ông này, ông khác có thể có, nhưng những người được nhất định không phải những người này. Bộ lọc đó là tương đối dày, nhiều cơ quan ban ngành đánh giá, đâu phải Ban Tổ chức TƯ muốn đưa ai đi là đi”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nhận định.

Nhưng "nghe vậy người ta vẫn chưa tin" nên Ban Tổ chức TƯ đề xuất một quy chế: Quy định kỹ hơn đối với những người làm hoặc liên quan đến công việc này.

“Chúng tôi dự kiến, trong thời kỳ đang làm quy trình xét đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển…, tức là từ khi Ban Tổ chức TƯ bắt đầu nhận hồ sơ cho đến khi kết thúc, tất cả cán bộ Ban Tổ chức TƯ không được tiếp xúc với đối tượng có tên trong danh sách xem xét, dưới bất kỳ hình thức nào dù ở nhà, cơ quan hay quán xá, để cán bộ được thanh thản, công tâm, khách quan", ông Tô Huy Rứa nói. "Khi nêu ra, các đồng chí liên quan thấy thoải mái lắm, sẵn sàng làm ngay”.

Đồng thời, Trưởng Ban Tổ chức TƯ chính thức qua lãnh đạo Ban Tổ chức các tỉnh, thành đang dự hội nghị, thông tin đến các cơ quan, ban ngành rằng: Những người liên quan đến đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển… không được đến Ban Tổ chức TƯ, không được gặp các cán bộ của Ban Tổ chức TƯ từ trưởng ban trở xuống, liên quan đến công việc này.

"Cán bộ Ban Tổ chức TƯ vi phạm sẽ bị xử lý, còn người thuộc diện xem xét, nói không nghe mà cứ lên gặp, nếu bị phát hiện sẽ hậu chỉnh. Yêu cầu đúng đắn thế mà không thực hiện thì không đủ điều kiện đề bạt”, ông Tô Huy Rứa nói.

“Rất mong các đồng chí cùng chúng tôi thấu hiểu ý kiến của người đứng đầu Đảng”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ hy vọng tinh thần này sẽ góp phần khắc phục việc mà Tổng bí thư đã có ý kiến.

Chung Hoàng