Thảo luận tại tổ dự luật Phòng, tránh thiên tai chiều 8/11, các ĐB không đồng tình với nguyên tắc “cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, nhà nước hỗ trợ” mà cho rằng nhà nước phải là nhạc trưởng trong công tác này.


ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chỉ ra vai trò của nhà nước trong phòng, tránh thiên tai bao quát hầu hết các giai đoạn như quyết định đầu tư xây dựng các dự án phòng, chống thiên tai, đưa ra dự báo, cảnh báo, huy động các lực lượng đối phó với thiên tai…

Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) khẳng định nhà nước phải là nhạc trưởng trong phòng, tránh thiên tai từ đầu đến cuối. Vì theo bà Hải, dù đã có phương châm "4 tại chỗ" nhưng các địa phương hay xảy ra thiên tai phần nhiều ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hoặc giáp biển, có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, ngân sách cũng như các nguồn lực đều hạn hẹp.

Chia sẻ cảm nhận "đọc luật chưa thấy được sự khẩn trương, quyết liệt, mà cứ thấy hiền lành, chung chung", các ĐB đều muốn dự thảo có thêm những chế tài mạnh mẽ đối với những biểu hiện vi phạm các nguyên tắc trong đối phó với thiên tai.

Ảnh: L.A.Dũng 

ĐB Nguyễn Đức Hải (Quảng Nam) chỉ ra có không ít người dân không chấp hành lệnh di dời, thường vì chủ quan hoặc tiếc của không dám rời nơi ở, hay nhiều tàu cá không vào theo lệnh để tránh bão mà ham đuổi theo những luồng cá ngoài khơi... Với chủ trương "tính mạng con người phải đặt trên hết", ông Hải đề nghị có chế tài xử lý đối với những đối tượng không chấp hành, gây ảnh hưởng đến số đông.

Đánh giá công tác dự báo thời gian qua có nhiều sai lệch dẫn đến những hậu quả đáng tiếc trong thiên tai mà chưa thấy rõ trách nhiệm, các ĐB đề nghị quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan liên quan.

ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) thì muốn làm rõ việc xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo và chính quyền địa phương nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng vì thiên tai do những nguyên nhân chủ quan như bất cẩn, chỉ đạo không hiệu quả...

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) lấy ngay ví dụ về thủy điện Sông Tranh 2: "Đúng là hiện nay chưa thấy có tác hại gì, nhưng không thể nói trước thiệt hại sẽ ra sao nếu thiên tai xảy ra, chưa kể ngay bây giờ đã tổn hại đến tâm lý, đời sống và sản xuất của người dân".

Các ĐB cũng đồng tình luật phải thể hiện được quan điểm phòng hơn chống. "Đó là công tác dự báo, việc chuẩn bị các phương án, cung cấp thông tin để ứng phó, chuẩn bị trang thiết bị, vật chất…", ĐB Trần Đình Sơn (Đắk Lắk) chỉ ra.

Không những thế, còn phải là một chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân, đặc biệt là trẻ em, là việc quy hoạch các cơ sở kinh tế, khu dân cư tại những khu vực có nguy cơ thiên tai cao...

KHCN: Không thể loay hoay mấy đồng ngân sách

Cũng trong phiên thảo luận tổ hôm nay, các ĐB cho ý kiến về dự thảo luật Khoa học - Công nghệ sửa đổi. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thấy dự luật còn "nặng tư duy bao cấp về KHCN".

"Toàn bộ tài trợ của nhà nước cho KHCN dành cho các viện nghiên cứu do nhà nước lập. Bộ ngành, địa phương nào cũng có viện nghiên cứu, nhưng không có sản phẩm. Tài trợ qua các đề tài chẳng qua là để xóa đói giảm nghèo cho nhà khoa học mà thôi", ông Lịch nói.

Chính vì vậy, các ĐB muốn luật sửa đổi thể hiện rõ hơn quan điểm xã hội hóa như khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu để cải tiến công nghệ sản xuất, các dự án đầu từ mạo hiểm cho các nhà khoa học trẻ có ý tưởng sáng tạo, thậm chí những người nông dân chủ động tìm cách cơ giới hóa, tăng năng suất nông nghiệp...

"Như vậy mới huy động được các nguồn lực đầu tư vào nghiên cứu KHCN, còn như thế này vẫn chỉ loay hoay chia mấy đồng ngân sách nhà nước", ĐB Trần Du Lịch nói.

Lo ngại cho thực trạng nền KHCN nước nhà, ĐB Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) nói, thành quả nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã ít, đưa vào áp dụng lại rất chậm, hầu hết để trong tủ. Đồng ý nguyên nhân phần nhiều là do chất lượng của bản thân các đề tài nghiên cứu và điều kiện kinh tế, tài chính, ông Tăng cho rằng còn nguyên nhân ở cách sử dụng nhân tài.

ĐB Tăng thấy thời gian qua, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhà khoa học trẻ, nhưng theo ông, "họ mới chỉ chú trọng giải quyết đời sống mà chưa quan tâm đúng mức đến môi trường để làm việc và cống hiến cho các nhân tài".

C.Hoàng - T.Thủy