Hôm nay, nguồn tin cho biết, cơ quan ANĐT (Bộ Công an) đã có thông báo về việc bắt giam ông Tô Công Lý (35 tuổi) - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (công ty Công Lý) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự.

{keywords}
Ông Tô Công Lý. Ảnh: Zing.vn

Thông báo do Thượng tá Hoàng Văn Hà, Phó Thủ trưởng cơ quan ANĐT (Bộ Công an) ký gửi đến UBND phường 8, TP Cà Mau và người thân ông Lý. Theo thông báo này,  ông Lý đang bị tạm giam tại trại tạm giam B34 Bộ Công an.

Ông Tô Công Lý là con trai của ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty Công Lý. Ông Lý được nhiều người biết đến là một thiếu gia có tiếng ở miền Tây. Công ty Công Lý là chủ đầu tư của Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.

Nhiều lần đề nghị nâng tiền xử lý rác

Hôm 11/7, tại kỳ họp lần thứ 9 HĐND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã có thông tin với các cử tri liên quan đến nhà máy xử lý rác thải.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, nhà máy rác này là một điểm “nhạy cảm”, “điểm nóng”. Theo ông Hải, cả tỉnh Cà Mau chỉ có duy nhất một nhà máy xử lý rác thải.

“Nhà máy này được đưa vào hoạt động từ năm 2012, theo chính sách Nhà nước vào thời điểm đó là ưu đãi đầu tư. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư (40% vốn từ ngân sách T.Ư, 10% vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh), 50% còn lại là vốn của nhà đầu tư. Trong số 50% đó, chúng tôi được biết vốn đi vay ngân hàng rất lớn”, ông Hải nói.

{keywords}
Cơ quan công an khám xét nhà và nơi làm việc của ông Tô Công Lý

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, công suất nhà máy xử rác thải này là 200 tấn/ngày, lượng rác của cả tỉnh khoảng 100 tấn rác/ngày, đêm. Do vậy lượng rác đưa về xử lý chưa hết công suất, trong khi các huyện không có nhà máy xử lý rác.

"UBND tỉnh thời điểm đó cho chủ trương gom rác ở các nơi (trừ huyện Ngọc Hiển) để xử lý rác tại TP Cà Mau. Công nghệ xử lý là phân loại rác. Rác hữu cơ được đưa vào sản xuất thành phân compost; nhựa, bọc được sử dụng tái chế thành hạt nhựa và đốt lấy dầu; dùng dầu này tạo ra nhiệt để sấy phân. Tỷ lệ rác chôn lấp dưới 10%", ông Hải nói tại kỳ họp HĐND hôm 11/7. 

{keywords}
Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau của Công ty Công Lý 

Vẫn theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhà máy hoạt động được thời gian ngắn thì xuống cấp, hư hỏng rất nhanh.

"Nhà đầu tư đã đề nghị cho dừng hoạt động để duy tu, nâng cấp lần thứ nhất. Lúc đó, theo đề nghị của nhà đầu tư, UBND tỉnh cho ứng từ nguồn tiền hỗ trợ xử lý rác là 20 tỷ đồng. Nhà máy tiếp tục hoạt động đến cuối năm 2017 sang năm 2018, nhà đầu tư nâng cấp, sửa chữa lần thứ 2. Nhà đầu tư tiếp tục xin tỉnh cho ứng 25 tỷ (tỉnh đã thu hồi xong) từ nguồn tiền hỗ trợ xử lý rác.

Nhà đầu tư cho nhà máy ngưng hoạt động 3 tháng nhưng thực tế tới 6 tháng. Sau đó, nhà máy rác tiếp tục hoạt động trở lại. Hiện nay, nhà máy rác đã có báo cáo và nhiều lần đề nghị nâng tiền hỗ trợ xử lý rác lên; đồng thời đề nghị nhà nước cho thuê thêm đất để đầu tư hệ thống xử lý nước thải”, ông Hải nói và cho biết, các đề nghị của nhà máy xử lý rác đều được UBND tỉnh xét thấy cần phải xem xét một cách thận trọng.

“Ngay cả, việc hỗ trợ tiền xử lý rác mức nào cho đúng theo quy định phải có kiểm tra, tính toán rất kỹ. Bởi vì, chúng tôi biết hiện nay phân compost của nhà máy bán không được, đây là nguồn thu để bù chi phí. Thứ hai, làm ra hạt nhựa bán ra bù chi phí thì hầu như không làm được bao nhiêu...”, ông Hải nói.

Theo người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau, về tiền hỗ trợ xử lý rác, đầu tư, công nghệ xử lý rác có đảm bảo môi trường hay không, có theo đúng dự án ban đầu... phải có đánh giá toàn diện, chính vì vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành chức năng vào cuộc kiểm tra.

“UBND tỉnh thấy cần làm chặt chẽ cho nên chính tôi đã ký quyết định thành lập kiểm tra toàn diện vấn đề này”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định.

{keywords}
Điện thoại Vertu và Bentley của Tô Công Lý. Ảnh: Zing.vn

Theo ông Hải, việc kiểm tra toàn diện này để đi đến kết luận: việc đầu tư đúng hay sai; hồ sơ sổ sách thế nào; công nghệ ra làm sao, có đảm bảo môi trường theo dự án được lập ban đầu hay không; tỷ lệ rác chôn lấp có phải 10% hay không, lò đốt có đảm bảo hay không, khí thải phát ra từ lò đốt có đảm bảo môi trường không, vấn đề đất đai sử dụng thế nào, chi phí cho xử lý 1 tấn rác là bao nhiêu…

300 thai nhi trong nhà máy rác là chưa có cơ sở

Cách đây không lâu, công ty Công Lý có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau xin hỗ trợ xử lý tình trạng thai nhi tại nhà máy xử lý rác.

Theo đó, công ty gặp tình trạng nhức nhối là thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hàng ngày tập kết về nhà máy. Tính từ khi đi vào hoạt động đến nay đã phát hiện hơn 300 thai nhi. Nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên. Tuy nhiên, đến nay quỹ đất này không còn chỗ chôn cất, mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.

Công ty trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác vào nhà máy...

Tuy nhiên, báo cáo của Công an tỉnh Cà Mau khẳng định, việc công ty Công Lý khai báo phát hiện hơn 300 xác thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong lượng rác đưa về nhà máy xử lý và đã chôn cất các thai nhi trong khuôn viên nhà máy là chưa có cơ sở.

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu công ty Công Lý phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc cung cấp thông tin không chính xác về số lượng 300 thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong rác khi đưa về nhà máy; không để xảy ra trường hợp cung cấp thông tin không chính xác trong thời gian tới.

Thua kiện nữ công nhân

Ngoài ra, ông Tô Công Lý cũng từng ký quyết định buộc thôi việc một nữ công nhân phân loại rác, sau khi chị này nhặt được vàng trong quá trình làm việc.

Theo đó, tháng 8/2014, trong lúc làm việc, chị Phạm Tuyết Mai, công nhân phân loại rác của Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau nhặt một bóp da bên trong có chứa nhiều kim loại vàng.

Sau đó, lãnh đạo nhà máy yêu cầu chị Mai giao nộp toàn bộ số vàng trên nhưng chị không đồng ý. 

Ngày 5/9/2014, ông Tô Công Lý ký quyết định về việc chấm dứt hợp đồng đối với chị Mai.

Nội dung quyết định chỉ ghi: “Chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Mai theo đề nghị của giám đốc điều hành nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau”, nhưng không nêu rõ cụ thể nữ công nhân vi phạm lỗi gì?.

Cho rằng mình bị chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, chị Mai khởi kiện đến TAND TP Cà Mau. 

Sau nhiều lần hòa giải bất thành, TAND TP Cà Mau tuyên nữ công nhân thắng kiện; buộc công ty của ông Lý phải nhận chị Mai vào làm việc trở lại...

Công ty của ông Tô Công Lý vừa bị bắt từng tặng Cà Mau 2 xe Lexus

Công ty của ông Tô Công Lý vừa bị bắt từng tặng Cà Mau 2 xe Lexus

Ông Tô Công Lý vừa bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là con trai của ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty Công Lý.

Thiện Chí