Khi kết quả ban đầu được công bố, nhiều người dân không đồng tình cho rằng, cá chết là do ô nhiễm nguồn nước.

Các cơ quan chức năng tại tỉnh Đồng Nai vừa công bố kết quả xác định nguyên nhân ban đầu khiến cá bè thuộc khu vực P.Tân Mai và xã Bửu Hòa, TP.Biên Hòa chết hàng loạt.

{keywords}
Cá chết trắng trên bè nuôi của một người dân

Theo đó, Chi cục Thủy sản Đồng Nai xác định nguyên nhân cá chết là do hàm lượng oxy hòa tan trong nước quá thấp.

Trước đó, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT Đồng Nai) đã công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước tại khu vực cá chết hàng loạt tại làng bè Hiệp Hòa trên sông Cái.

Tại thời điểm đến hiện trường, cơ quan chức năng có ghi nhận sự thay đổi đột ngột về chế độ thủy triều đã làm hạn chế sự khuyếch tán oxy trong nước, dẫn đến hiện tượng suy giảm hàm lượng DO. 

Kết quả, phân tích cho thấy hàm lượng (DO) oxy hòa tan trong nước vào đầu tháng 1 vừa qua dao động từ khoảng 1,51mg/l-1,92 mg/l (quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt phù hợp với mục tiêu bảo tồn động vật thủy sinh là 4 mg/l) nên hàm lượng DO không đạt chất lượng. Vào thời điểm cuối năm 2015, hàm lượng DO ở đây suy giảm xuống mức khoảng 2 mg/l (tháng 12/2014 trung bình là 2,6mg/l; tháng 12.2015 trung bình là 2,3mg/l).

Còn theo quan điểm của Sở TN-MT Đồng Nai, cá bè được người dân nuôi với mật độ quá dày, khoảng cách giữa các bè quá chật nên ảnh hưởng đến không gian sống của cá. Đồng thời chế độ ăn uống, kỹ thuật nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm tự nhiên chứ không theo một chế độ nhất định.

Tuy nhiên, sau khi có kết quả quan trắc, nhiều người dân tỏ thái độ không đồng tình với kết quả này, bởi theo người dân, nguyên nhân chính dẫn đến việc cá chết hàng loạt phải là do ô nhiễm nguồn nước. Song, trong kết quả thì không đề cập đến vấn đề nguồn nước. Theo người dân, hiện trên nhánh sông Cái có hàng chục cống xả từ các công ty đổ xuống sông.

Trong giải pháp khắc phục hiện tượng cá chết hàng loạt tại các bè nuôi, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT tăng cường quan trắc để có biện pháp quản lý chất lượng nguồn nước tại khu vực nhạy cảm của vùng nuôi cá bè.

Sở cũng đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời kiểm tra, giám sát, khuyến cáo nông dân thực hiện đúng kỹ thuật nuôi để hạn chế xảy ra các hiện tượng tương tự.

Như tin đã đưa, trước đó, vào các ngày 3,4,5/1 cá bè của các hộ dân bất ngờ chết đột ngột; chỉ sau vài ngày lượng cá chết đã lên đến hàng trăm tấn. Điều này khiến nhiều người dân mất trắng vốn liếng, lâm vào cảnh phá sản, nợ nần...

Thiệt hại 243 tấn cá

Theo thống kê đến ngày 4/1 của UBND xã Hiệp Hòa, có 83 hộ với 177 bè và 696 vèo (xổng) có cá bị chết với tổng số thiệt hại là 243 tấn cá. Đến thời điểm hiện tại (8/1), cá đã không còn chết.

Theo nhận định của Sở NN&PTNT, về mặt kỹ thuật, các hộ dân nuôi cá tại đây đã nuôi cá với mật độ khá dày, vượt mức so với quy hoạch.

Có 215 hộ với tổng số bè là 272 trên 226 cái được quy hoạch. Đi kèm theo đó là 696 vèo. Khoảng cách neo đậu giữa các bè chưa đúng quy định và khuyết cáo. Các bè, vèo bố trí sát nhau từ đó hạn chế dòng chảy qua các bè làm giảm sự trao đổi nước.

Bên cạnh đó, các hộ dân còn sử dụng thức ăn tự chế từ cá tạp, ốc, hến, phụ phẩm gia súc... Lượng thức ăn không hết hoặc rơi vãi bị phân hủy dễ khiến nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ.

Ngoài ra, mật độ thả giai đoạn nuôi thịt của các hộ dân khá cao (từ 120-130 con/m3) khiến khi nguồn nước không đủ dưỡng khí sẽ dễ khiến cá chết.

Hùng Anh - Lê Văn