- Nợ công đã gần tới 100% GDP. Nguy cơ nợ công của Việt Nam không nằm chủ yếu ở con số, mà ở ảo tưởng về mức độ an toàn, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế phân tích.


Nợ công gần 100% GDP

Những thông tin mới về nợ công được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân đang diễn ra tại TP Hạ Long khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại.

{keywords}
TS Trần Đình Thiên: Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn cả GDP

TS Trần Đình Thiên cho biết, nếu theo quy định, tỷ lệ nợ công của ta là an toàn, với 55,7%, nhưng lại chứa đựng đầy rủi ro. Nếu như tính cả nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh nợ và nợ đọng xây dựng cơ bản thì nợ công của Việt Nam đã lên tới gần, hoặc hơn 100% GDP.

Nguy cơ nợ công của Việt Nam còn nằm ở tốc độ tăng nợ hiện nay, tăng nhanh hơn cả GDP. Chúng ta vay để trả nợ chứ không phải để sản xuất có nguồn mà trả nợ. Trong cơ cấu nợ, tỷ lệ nợ ngắn hạn lại quá lớn. Về năng lực trả nợ, khi nền kinh tế suy yếu thì Chính phủ không có tiền, DN suy yếu thì khó trả nợ. Nghĩa vụ trả nợ đang ở mức báo động.

Cụ thể, trong tổng số phát hành trái phiếu, 90% là trái phiếu Chính phủ, 80% trong đó được các ngân hàng thương mại mua. Khối lượng phát hành ngày càng lớn, nhưng thời gian đáo hạn lại quá ngắn, tổng số kỳ hạn có 3,2 năm.

Con số này cho thấy, hệ thống ngân hàng đang phục vụ khu vực DN ít hơn phục vụ Chính phủ. Tài khóa đang gặp nguy cơ lớn vì tốc độ tăng nhanh của nợ công và thời gian đáo hạn tập trung vào giữa năm 2014-2015, chưa kể, phải trả các khoản nợ xây dựng cơ bản.

Theo ông Thiên, nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, sẽ vượt qua vạch đỏ 25% thu ngân sách nhà nước trong năm nay, tức có thể là tỷ lệ 26,7%. Năm tiếp theo, nghĩa vụ trả nợ này sẽ đạt và vượt mức 30% thu ngân sách.

TS Thiên than thở, nợ công là một trong 2 điểm nút quan trọng nhất gắn với lưu thống vốn trong nền kinh tế. Trong khi đó, số liệu về nợ đang rất khác nhau, chuẩn mực đo không thống nhất, sai số quá lớn, quy mô nợ cũng rất lớn.

“Trên thực tế, dường như chúng ta có xu hướng đánh giá thấp nguy cơ của nợ so với thực tế. Lúc nền kinh tế yếu, nguy cơ của nợ sẽ tăng lên. Đây là điểm cần có đánh giá thẳng thắn và tích cực hơn”, ông nhấn mạnh.

Tổng sửa đổi về đầu tư công

GS Nguyễn Quang Thái cũng đồng cảm với tâm tư của TS Thiên khi nói: “Phải đánh giá toàn diện, có tầm nhìn dài hơn chứ không quá tả hay quá hữu. Nợ trong 5 năm tăng gấp đôi, sau 5 năm nữa liệu có tăng gấp đôi nữa hay không trong khi nợ chưa theo chuẩn”.

Nợ công tăng nhanh còn có nguyên nhân lớn từ việc đầu tư công lãng phí. Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã chỉ ra rất nhiều sự vô lý trong đời sống kinh tế hiện nay.

Ông than phiền: Công trình đua nhau khởi công, khánh thành, đua nhau chưa làm đã hỏng, hoàn thành rồi đắp chiếu để đó, hỏng hóc. Đường ống dẫn nước sạch sông Đà có gì phức tạp đâu mà trong 2 năm bị vỡ tới 6 lần. Làm cho dân cái cầu chỉ có 2,5 tỷ đồng, nếu tiết kiệm được một phần lãng phí thì không biết xây dựng được bao nhiêu cây cầu”,

“Đầu tư công vẫn rất lãng phí, thất thoát còn lớn”, ông Kiên nhấn mạnh.

Tóm lược về những điểm nghẽn hiện nay, TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TƯ nói, sản xuất kinh doanh yếu thì không thể có tiền đề phát triển cao được, nhưng chúng ta vẫn muốn tăng trưởng nên phải mở cửa đầu tư công, tăng chi tiêu công, thu hẹp đầu tư của khu vực tư nhân.

‘Tiền tệ đang có xu hướng nới lỏng là tốt nếu như thắt chặt tài khoá. Nhưng khi tài khoá đang cưỡi trên lưng hổ thì không thể thắt chặt được. Nền kinh tế đang có bất cập là vốn chảy vào khu vực có hiệu quả thấp, lao động chảy vào khu vực phi chính thức. Nếu tiếp tục chính sách như hiện nay thì dù trước mắt có một vài le lói thì trong trung hạn nền kinh tế rơi vào bất ổn như đã từng xảy ra”, TS Cung nhấn mạnh.

Theo ông, giải pháp tháo gỡ hiện nay là Nhà nước phải giảm chi, giảm mua trái phiếu chính phủ để tăng phần vốn còn lại cho khu vực kinh tế tư nhân. Quốc hội phải kiên quyết yêu cầu giảm bội chi bằng cách áp đặt thì may ra mới có dư địa khơi thông dòng chảy của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu chi tiêu của Nhà nước vẫn thấy cần tăng thì phải cơ cấu lại tài sản chứ không nên cạnh tranh với dân trong huy động vốn cũng như lĩnh vực đầu tư.

Để giải tỏa nguy cơ nợ công nói chung, TS Thiên cũng cho rằng, cần phải xử lý hệ thống luật liên quan đến đầu tư công và DNNN theo cách đồng thời sửa 6 luật hiện nay, là luật Ngân sách, Doanh nghiệp, Đầu tư công, Xây dựng… trong một thời gian ngắn, theo quy trình đặc biệt. Ông nhấn mạnh, phải làm sao đặt việc sửa 6 luật này thật nhanh, khẩn cấp, để Quốc hội thông qua trong vòng 6 tháng.

Riêng luật Ngân sách, phải chú trọng áp dụng triệt để nguyên tắc ràng buộc ngân sách cứng, phân cấp ngân sách theo hướng tăng tính độc lập cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương

Phạm Huyền