- 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, Đại tá Hoàng Đạo - nguyên Trưởng Ban điệp báo chiến dịch, Cục 2 Quân báo của Bộ Tham mưu miền, ngồi nhớ lại hồi ức của một thời. Mạng lưới điệp báo do ông tổ chức được Bộ Quốc phòng đánh giá là một trong những mạng lưới hiệu quả nhất thời bấy giờ.

Nguyên mẫu ông chủ hào hoa trong "Biệt động Sài Gòn'

Là nguyên mẫu chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”, ông Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai) đã hoạt động bí mật, góp phần không nhỏ trong trận đánh chấn động Mậu Thân 1968.

Một mình vào miền Nam làm tình báo

Đã bước sang tuổi 90, Đại tá Hoàng Đạo, tên thật là Võ Văn Bĩnh, quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, vẫn còn minh mẫn. Ông nhớ “Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi tham gia cướp chính quyền ở quê nhà. Chỉ một năm sau, tôi bước vào hàng ngũ của Đảng”.

{keywords}

Đại tá Hoàng Đạo, tức Võ Văn Bĩnh

Những cựu binh một thời chiến đấu cùng Đại tá Hoàng Đạo, hiện còn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng đều xác nhận “ông Đạo sinh ra để chỉ huy những lực lượng thiện chiến”.

Từ tháng 10/1953, ông Đạo được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao trọng trách làm Trưởng ban Quân báo mặt trận Trung - Hạ Lào phối hợp cùng mặt trận Điện Biên Phủ.

Sau hiệp định Geveva, ông được rút về Cục 2 (sau này là Tổng cục 2) Bộ Quốc phòng rồi được lệnh “đơn thân độc mã” vào Nam hoạt động tình báo và thiết lập mạng lưới. "Thời đó đi lại khó khăn lắm vì chia cắt hai miền. Với tờ căn cước giả mang tên Nguyễn Xa, xốc nách một chiếc vô tuyến điện, tôi lặn lội nhiều chặng, bơi sông, băng rừng cuối cùng cũng vào Nam được", ông Đạo nhớ lại.

Vào đến Đà Lạt, chỉ một thời gian ngắn, ông Đạo đã tìm, móc nối với cơ sở. Từ đây ông tiếp cận với các nhà tư sản, tạo bình phong hoạt động là trang trại trồng rau để xuất khẩu đi Singapore rồi cùng tham gia lập ấp Đa Quý, quy tụ toàn người giàu để tận dụng mối quan hệ của những người này. Khi đó ông vẫn đều đặn về Sài Gòn, đóng vai là doanh nhân thành đạt, để xây dựng cơ sở.

Năm 1958, ông thành lập trạm radio tivi Hòa Tuyến ở đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám) do bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Đề đứng tên. Bà Đề là tấm bình phong khá hoàn hảo cho ông, khi bà có ba người cháu ruột là tướng của chính quyền Sài Gòn, nổi tiếng nhất là thiếu tướng Tôn Thất Đính và có một người cháu khác là kẻ chiêu hồi, làm giám đốc một sở công an ở cao nguyên.

Cũng trong năm này, thông qua một cơ sở là thợ dệt ở Sài Gòn, ông Đạo tiếp cận, tặng cho trưởng ty công an quận 7 một ký thuốc phiện để người này giúp ông làm một căn cước thật, tạo thế hợp pháp hoạt động lâu dài.

Mạng tình báo chuyển nhiều tài liệu vô giá về miền

Chính nhờ mối quan hệ với nhiều cán bộ cao cấp của chính quyền Sài Gòn, có mạng lưới điệp báo lên đến vài trăm con người ở khắp các cơ quan, đơn vị quan trọng nên mạng lưới của ông đã chuyển về căn cứ hàng loạt các tài liệu quý giá.

{keywords}

Bản đồ đô thành Sài Gòn.

Nhiều tư liệu mà ông Hoàng Đạo còn nhớ như: những bản đồ tổng thể đô thành Sài Gòn, hệ thống ngầm của nội đô Sài Gòn; các kế hoạch hành quân; chi tiết chiến dịch Staley - Taylor; mật mã bắn pháo của pháo binh, của không quân...

Quan trọng trong đó là bản đồ hệ thống ngầm Sài Gòn, được sử dụng lâu dài cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh, được lực lượng Biệt động thành sử dụng trong các trận đánh chấn động; trong cuộc chuyển quân, rút quân bí mật của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Thậm chí có giai đoạn, mạng điệp báo của ông Đạo đã thiết lập đến 10 cụm, liên lạc với nhau cả bằng vô tuyến điện.

“Cái đầu tôi như lập trình, nhớ tất cả những tài liệu được tiếp cận. Chỉ khi nào tôi đánh giá tài liệu có độ chính xác tuyệt đối thì tôi mới chuyển ra căn cứ”, Đại tá Hoàng Đạo khẳng định. Trừ một số ít chuyển qua người liên lạc, đa phần được ông chuyển ra căn cứ bằng máy vô tuyến điện được bố trí tại ngôi nhà số 28 đường Cống Quỳnh.

Lần đầu sa lưới bọn mật vụ, ông Hoàng Đạo nhớ như in. Đó là khi một cán bộ cách mạng bị bắt giữ và khai đã thấy ông trong căn cứ đeo quân hàm trung tá. Lúc này Quân ủy miền xác định là ông bị lộ nên có quyết định rút ra căn cứ. Tuy nhiên khi ông vừa ra bến xe đã bị mật vụ đeo bám, tóm gọn. Ba năm trời chúng chuyển ông qua 7 nhà tù ở Sài Gòn và các tỉnh phụ cận nhưng ông kiên trung, không khai báo. Lúc bấy giờ Quân ủy móc nối với cơ sở, chạy chọt, cuối cùng ông được phóng thích. Tuy nhiên sau đó ông vẫn bám trụ lại Sài Gòn, tiếp tục tổ chức điệp báo hoạt động.

Dịp tấn công Tết Mậu Thân, Đại tá Hoàng Đạo với tư cách chỉ huy, dẫn tiểu đoàn 2 Quyết Thắng đánh vào Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn. Sau giai đoạn đó, chính quyền Sài Gòn đăng báo tầm nã ông. Năm 1971, ông chính thức rút ra căn cứ.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tá Hoàng Đạo đã chỉ huy một cánh quân góp phần giải phóng Buôn Mê Thuột, một số tỉnh miền Trung và tiến về Sài Gòn. Sau giải phóng, ông còn sang giúp nước bạn Campuchia tổ chức lực lượng đặc công và tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam.

Đến năm 1983, Đại tá Hoàng Đạo chính thức nghỉ hưu. 90 tuổi đời với 70 năm tuổi Đảng, ông dành trọn cuộc đời cho cách mạng. Mỗi độ tháng tư về, lòng ông bồi hồi khó tả….

Đàm Đệ

'Bàn tay phù thủy' dựng nên những Anh hùng biệt động

Ít ai biết, trong một giai đoạn máu lửa, với đôi tay 'phù thủy' của mình, ông Dũng có một công tác đặc biệt…