Sau một sự kiện năm 1988, Mỹ áp dụng trừng phạt kinh tế với Myanmar.  Trung Quốc không công nhận việc này, và bắt đầu nắm giữ mọi lĩnh vực sinh lời của nền kinh tế dựa vào tài nguyên tự nhiên ở quốc gia Đông Nam Á như ngọc, vàng, khai mỏ, khí tự nhiên, thủy điện và gỗ.


{keywords}

Người dân Myanmar phản đối xây đập Myitsone. Ảnh: Mizzima

Trung Quốc cũng xây dựng mối quan hệ gần gũi với chế độ quân sự cầm quyền Myanmar. Tháng 1/2007, tại Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc phủ quyết nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với quốc gia Đông Nam Á.

Tướng lĩnh Myanmar xem Trung Quốc là một "hàng xóm tuyệt vời", nước không tiếc đầu tư để giúp chế độ họ tồn tại. Nhưng với người dân Myanmar thì lại khác.

Được sự hậu thuẫn của chính quyền quân sự trước, tập đoàn kinh tế Myanmar Economic Holdings Limited (UMEH) đã hợp tác với một công ty khai khoáng Trung Quốc khai thác số lượng đồng lớn bán giá rẻ cho Trung Quốc. Đầu tháng 3, Bộ trưởng Cải cách Aung Min đã tới thăm khu mở và trao đổi thẳng thắng với người dân địa phương.

Trong chuyến thăm, ông nói: "Chúng tôi biết ơn Trung Quốc vì những giúp đỡ không ngừng nghỉ của họ trong khi chúng ta bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế". Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương vẫn tiếp tục phản đối dự án.

Trung Quốc cũng đứng sau việc xây dựng đập thủy điện Myitsone ở khu vực Kachin. Do sự bất mãn của người dân lên cao, dự án đã bị hoãn lại vào năm 2011. Khi quyết định công bố, ông Thein Sein được báo chí địa phương Myanmar ca ngợi là "Tổng thống vĩ đại". Báo chí Myanmar hiếm khi ca ngợi Trung Quốc vì các khoản đầu tư lớn hay những cơ hội việc làm mà quan chức Bắc Kinh tuyên bố thông qua các thỏa thuận kinh tế.

Người dân Myanmar tin rằng, một ngày nào đó, các nước phương Tây sẽ là đối tác tốt và mang lại sự phát triển bền vững cho họ. Dù có cấm vận kinh tế, nhưng phương Tây vẫn trợ giúp người dân quốc gia Đông Nam Á thông qua nhiều tổ chức phi chính phủ và LHQ. Trong khi đó, hỗ trợ của Trung Quốc phần lớn lại thông qua chế độ quân sự. Cho dù Trung Quốc nhất trí cho chính phủ Myanmar khoản vay không lãi suất trị giá 30 tỉ nhân dân tệ (4,2 tỉ USD) tháng 9/2010, nhưng vẫn rất khó tìm thấy một tổ chức phi chính phủ nào mà Trung Quốc tài trợ làm việc tại Myanmar. 

Nên cũng không có gì phải bất ngờ khi người dân Myanmar rất hào hứng chào đón Tổng thống Mỹ Obama lúc ông tới thăm tháng 11 trước. Không một lãnh đạo Trung Quốc nào nhận được sự hoan nghênh tương tự từ người dân cho dù Trung Quốc có mạnh tay đổ tiền vào nước này.

Sau vòng đàm phán hòa bình thứ hai giữa tổ chức Quân đội độc lập Kachin với phái đoàn của Tổng thống Thein Sein đầu tháng 3 năm nay, Khun Okkar - Thư ký Hội đồng Liên bang các dân tộc thống nhất (UNFC) nói: "Có một số điểm quan trọng thiếu vắng trong tuyên bố chung nhưng mỗi bên đều hiểu rằng, bản thân chúng tôi sẽ phải làm việc về những điểm thiếu ấy để đạt được thỏa thuận hòa bình". Tuy thư ký UNFC không nói rõ chi tiết nhưng nhiều người cho rằng, Trung Quốc đã cố gắng gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán trong khi tuyên bố theo chính sách "không can thiệp vào chuyện nội bộ". 

Vòng đàm phán tiếp theo được chuyển tới Myikyina, thủ phủ bang Kachin nằm sâu trong lãnh thổ Myanmar. Động thái này một phần là nhằm hạn chế dự dính líu quá mức của Trung Quốc. Nhiều người dân mong muốn hạn chế việc Trung Quốc liên quan tới cả tiến trình hòa bình cũng như các công việc chính trị nội bộ.

Cần chú ý rằng, tất cả cộng đồng các dân tộc và phe phái chính trị của họ, kể cả sinh sống sát gần biên giới với Trung Quốc đều ủng hộ việc đình hoãn dự án đập Myistome. Trong chiến dịch chống xây dựng đập thủy điện ở Yangon, nhiều người còn cảm nhận rằng "Trung Quốc khiến họ đoàn kết lại".

Những diễn biến trên cho thấy, không nhất thiết Trung Quốc phải rút đầu tư khỏi Myanmar, nhưng cũng cần hiểu sự ủng hộ của người dân quốc gia Đông Nam Á với người láng giềng khổng lồ đang sụt giảm, và cần xem xét một cách nghiêm túc khi phân tích mối quan hệ giữa hai nước.

Có lẽ, bài học lớn nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar có thể học hỏi được là từ chính trải nghiệm đầu tư của Trung Quốc. Nó cũng là bài học quan trọng với chính quyền của Tổng thống Thein Sein. Rằng ngày nay, tiếng nói của người dân khó có thể bỏ qua; báo chí đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc yêu cầu người dân phải có vai trò với quá trình ra quyết định.

Trung Quốc không thể duy trì ảnh hưởng tại Myanmar trừ phi họ thuyết phục được người dân nước này rằng, họ là người bạn có giá trị.

Thái An (theo Worldpolicy)