Đêm thức cắt vải, ngày đạp máy may

Chúng tôi đến thăm nhà Mẹ VNAH Ngô Thị Quýt (97 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) khi vừa quá trưa. Người nhà của Mẹ cho biết, Mẹ vừa chợp mắt.

Thế nhưng, nghe tiếng khách lạ, Mẹ đã thức giấc ra hiên nhà đón chúng tôi. Mẹ nói: “Già rồi, Mẹ khó ngủ lắm. Mẹ nằm vậy chứ có ngủ được đâu. Mẹ đang may dở cái mền…”.

{keywords}
Ở tuổi 97, Mẹ Quýt vẫn đêm cắt vải, ngày ngồi máy may quần áo, chăn mền làm từ thiện. (Ảnh: Hà Nguyễn) 

Phía góc nhà, kim của chiếc máy may cổ điển vẫn đang găm chỉ. Tấm mềm đang may dở dang nằm gọn gàng một góc bàn. Mẹ Quýt chia sẻ, chiếc máy may này là bạn, niềm vui của Mẹ suốt 30 năm qua.

30 năm trước, khi chứng kiến cảnh khó khăn, cơ cực của người nghèo, Mẹ Quýt xót xa, muốn giúp đỡ nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Tình cờ, Mẹ thấy nhiều tiệm may bỏ đi rất nhiều vải vụn. Thấy quá hoang phí, Mẹ nghĩ đến việc tận dụng số vải này để may quần áo.

Mẹ Quýt kể: “Lúc đi bộ đội, Mẹ được học may. Khi thấy vải vụn bị bỏ phí, sẵn có nghề may, Mẹ nghĩ đến việc tận dụng vải này để may quần áo cho người nghèo. Vì dùng toàn vải vụn nên khi may quần áo Mẹ phải chắp nối từng mảnh khiến bộ đồ không đẹp”.

“Thế là Mẹ chuyển sang may chăn mền. May xong, mẹ đem tặng cho người nghèo ở xung quanh nhà. Họ thích lắm, thích hơn được cho quần áo. Mền may từ vải vụn nhưng khi trời lạnh đắp thì ấm, trời nóng đắp lại mát và không nặng nề, dày như mền ngày xưa”, Mẹ Quýt kể thêm.

Thấy việc làm của mình được bà con đón nhận, hằng ngày, Mẹ tự bắt xe ôm đi xin vải vụn về may chăn mền. Đêm đến, mẹ ngồi cắt, chọn lọc lại những mảnh vải vụn còn sử dụng được.

Sáng sớm, khi bình minh ló dạng cũng là lúc Mẹ ngồi vào máy may ghép từng mảnh vải nhỏ thành những tấm mền dài 2m, rộng 1,6m. Mẹ miệt mài bên bàn máy may với sự đam mê, vui thích đặc biệt.

{keywords}
Sau khi may mền xong, Mẹ cẩn thận gấp lại gọn gàng chờ ngày đem tặng cho người nghèo. (Ảnh: Nguyễn Sơn) 

Mẹ nói, khi được ngồi vào máy may, Mẹ quên đi mọi mệt nhọc, buồn vui sự đời. Có lẽ vì thế, ở tuổi thượng thọ, Mẹ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh hơn rất nhiều cụ bà cùng, ít tuổi hơn mình.

“Thấy Mẹ ham may quá, con cháu trong nhà cũng khuyên can, lo mẹ đau bệnh. Thế mà không làm, mẹ không chịu được. Người buồn bực và mệt mỏi lắm. 30 năm may vá, Mẹ quen rồi. Một ngày mà không được ngồi vào máy may, mẹ buồn, ăn uống không thấy ngon”, Mẹ Quýt chia sẻ thêm.

Chung tay đẩy lùi đại dịch

Vừa dứt lời, Mẹ lại tìm đến bàn máy may để hoàn tất cái mền đang may dở. Vừa đạp máy may, Mẹ vừa kể, trước đây, khi sức khỏe còn tốt, Mẹ tự mình đem chăn mền may được đến tặng người nghèo.

Hiện sức Mẹ đã yếu, con mắt còn lại cũng mờ dần. Mẹ không còn đi xin, gom vải vụn và trực tiếp đi tặng mền nữa. Mẹ gửi chăn mền cho Hội Người cao tuổi địa phương thay mình trao tặng. Mẹ nói, trước đây, nếu vải tốt, không quá vụn, mỗi ngày, Mẹ có thể may được 2 cái mền.

{keywords}
Dù tuổi già, chỉ còn một mắt, mắt còn lại đã mờ, Mẹ Quýt vẫn may vá thoăn thoắt. (Ảnh: Nguyễn Sơn) 

Bây giờ, mắt yếu nhiều, mỗi ngày Mẹ chỉ may được hơn 1 cái. Tuy vậy, tốc độ may của mẹ vẫn khiến các nhà may chuyên nghiệp nể phục. Đặc biệt, khi Mẹ chỉ còn một con mắt. Mẹ Quýt kể, trong thời gian tham gia kháng chiến, Mẹ bị địch bắt.

Chúng tra tấn mẹ dã man. Chúng dùng báng súng đánh vào vùng mắt, tai phải của Mẹ. Hậu quả, tai phải của mẹ bị điếc, mắt phải bị mù. “Một mắt mẹ bị đui, con còn lại cũng mờ dần nhưng mẹ có kinh nghiệm, dùng tay rờ vẫn may được chăn, mền cho mọi người. Được may, Mẹ vui lắm”, Mẹ Quýt hồ hởi chia sẻ.

Người dân xung quanh cho biết, ngoài may chăn mền, Mẹ Quýt còn nhận quần áo cũ đem về giặt giũ, sửa sang rồi đem tặng người nghèo. Đặc biệt, thời điểm đỉnh dịch Covid-19, Mẹ Quýt tình nguyện may khẩu trang đóng góp cho cộng đồng. Việc làm của Mẹ khiến nhiều người xúc động...

Thời điểm đó, hình ảnh cụ già trong dáng hình còm cõi ngồi cắt vải, may khẩu trang tặng cộng đồng chống đại dịch được người dân lan truyền rộng rãi. Nhiều người cho biết, họ rất cảm động, biết ơn Mẹ khi dường như cả cuộc đời, Mẹ cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc.

{keywords}
Nụ cười nhân hậu của Mẹ Việt Nam Anh Hùng Ngô Thị Quýt. (Ảnh: Nguyễn Sơn)

Khi nhắc đến hành trình thiện nguyện suốt 30 năm qua, Mẹ Quýt chỉ nở nụ cười hiền hậu. Mẹ nói, việc Mẹ làm nhỏ nhoi lắm, “kể làm chi”. Những ngày này, thông tin dịch bệnh lại xuất hiện tại TP.HCM khiến Mẹ lo lắng.

Tuy nhiên, Mẹ nói, Mẹ không may khẩu trang nữa. Bởi, hiện nay, khẩu trang đã nhiều, chất lượng rất tốt, ai cũng dễ dàng mua được. Hơn thế, Mẹ tin, đất nước sẽ khống chế được đại dịch.

"Công việc hàng ngày của Mẹ là cắt vải vụn may chăn mền cho người nghèo" - Mẹ chỉ tay về phía những tấm mền thành phẩm được gấp vuông vức phía góc nhà nói với chúng tôi trước khi chia tay.

“Đang còn vải, Mẹ cố may thêm ít cái nữa là sẽ giao cho Hội đem đi tặng cho người nghèo. Già rồi, ngồi không buồn lắm. Bây giờ, còn sức giúp gì được cho đất nước thì Mẹ vẫn cố. Mẹ sẽ may như thế đến khi không may được nữa thì thôi”, Mẹ Quýt chia sẻ rồi nhấc chân, nhấn mạnh xuống bàn đạp máy may. 


Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tháng 1/2015, Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.

Bản thân Mẹ Ngô Thị Quýt cũng đã tham gia cách mạng tại Đại đội 85 - Tiểu đoàn 330 thuộc Tỉnh đội Thừa Thiên. Sau đó, Mẹ vào đơn vị biệt động Thành Huế và bị giặc bắt, đày ra Côn Đảo.

Nguyễn Sơn

‘Gia tài’ ngập huy chương của cậu học trò tiểu học ở Tây Ninh

‘Gia tài’ ngập huy chương của cậu học trò tiểu học ở Tây Ninh

Dù mới học lớp 5, cậu học trò ở Tây Ninh đã có nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc tế, mang về hàng trăm huy chương, là gương mặt trẻ nhất tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.