- “Nếu tăng ngay một lúc lên 5 tuổi sẽ gây áp lực rất lớn cho việc làm, do vậy chỉ nên nâng lên 2 tuổi đối với cả nam và nữ rồi 15-20 năm sau mới tính tiếp đến việc điều chỉnh tăng thêm”.

Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách kinh tế và xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động VN), việc tăng tuổi hưu chắc chắn sẽ tạo sức ép không nhỏ đến vấn đề việc làm do nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng. 

Thế nhưng, xét một cách tổng thể, việc tăng tuổi hưu trong điều kiện nền kinh tế - xã hội phát triển, tuổi đời, tuổi thọ tăng lên là cần thiết.

{keywords}
Phương án tăng tuổi hưu lên 2 tuổi đối với cả nam và nữ đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Ông Điều cho rằng, việc tăng tuổi hưu trước mắt chỉ nên áp dụng với một số đối tượng như: lao động làm việc trong các trường đại học, làm nghiên cứu khoa học, hay khu vực hành chính sự nghiệp.

...

Không lo người trẻ thiếu việc làm

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, VN đang trong quá trình phát triển, do vậy, nếu tổng khối lượng việc làm không thay đổi, số người ở lại sẽ ảnh hưởng đến số người vào. Tuy nhiên, khi thị trường lao động sôi động hơn, thì ảnh hưởng cũng không lớn.

Hơn nữa, không phải chúng ta tăng tuổi lao động ngay và đồng loạt ở tất cả ngành nghề.  Quan trọng là đào tạo có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không.

Tuy nhiên, tuổi hưu chỉ nên tăng lên 2 tuổi đối với cả nam và nữ, vì nếu không sẽ gây sức ép lớn lên vấn đề việc làm.

Ông Điều cũng cho rằng, việc tăng tuổi hưu sẽ tận dụng được nguồn chất xám của lao động trình độ cao. Đây là lực lượng quan trọng và nhiều tiềm năng, nếu sử dụng tốt nguồn nhân lực này sẽ có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Nhiều người về hưu, sức khỏe tốt đã làm chuyên gia hoặc cố vấn đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng có không ít người sức khỏe và chuyên môn tốt nhưng khi về hưu lại ít cơ hội việc làm do ở nước ta chưa có chính sách sử dụng lực lượng lao động này”, ông Điều đề cập thực tế.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội QH cho rằng, đến lúc này dứt khoát chúng ta phải tính đến tuổi nghỉ hưu như thế nào cho hợp lý để đảm bảo nguồn lao động đáp ứng cho nền kinh tế đang phát triển. 

Bởi, sẽ đến lúc thị trường lao động rất khó khăn khi cung lao động thấp hơn cầu sử dụng, giống như các nước già hóa dân số.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, ngoài việc tăng tuổi hưu lên 2 năm thì trong chính sách BHXH cũng sẽ hướng tới mở rộng đối tượng tham gia.

Theo tính toán, hiện nay cả nước có khoảng 23% số người tham gia BHXH, do vậy nếu mở rộng đối tượng với các hình thức tham gia đóng BHXH tự nguyện và bắt buộc có thể sẽ thu hút được 45-50% số người tham gia. Việc này cũng góp phần quan trọng cân đối quỹ BHXH.

Ngoài ra, trong chính sách đóng BHXH với trường hợp doanh nghiệp sử dụng lao động từ 1 tháng trở lên, ông Huân cho rằng tới đây cũng cần bắt buộc phải tham gia đóng BHXH.

{keywords}
Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, việc nâng tuổi hưu là cần thiết nhưng phải tính toán thật cụ thể

Ông Trần Đình Liệu, Phó TGĐ Bảo hiểm xã hội VN cho biết, theo tính toán của BHXH Việt Nam với cách đóng BHXH và hưởng lượng hưu như hiện nay đến năm 2034 sẽ cân bằng thu chi. Do vậy, nếu không điều chỉnh tuổi hưu thì số người đóng và người hưởng sẽ đi xuống.

Trong trường hợp tuổi hưu được điều chỉnh tăng lên 2 tuổi thì sẽ kéo thời gian cân đối quỹ BHXH được đến năm 2045.

Cùng với việc đề xuất tăng tuổi hưu, mở rộng đối tượng tham gia thì việc quản lý sử dụng quỹ BHXH phải được đầu tư hiệu quả hơn.

Ông Liệu cho hay, hiện nay quy định BHXH quản lý cho ngân sách vay, cho trái phiếu Chính phủ và cho ngân hàng tổ chức tín dụng vay ngắn hạn. Những hình thức này  không đem lại hiệu quả cao.

“Tới đây, khi sửa đổi luật BHXH sẽ phải tính toán có mô hình quản lý sử dụng quỹ tốt hơn để làm sao đầu tư hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho quỹ”, ông Liệu nói.


Tăng tuổi hưu cho nữ có trình độ cao

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nghị định 53 của Chính phủ quy định, nữ lãnh đạo từ phó chủ tịch và thường vụ trưởng ban của Hà Nội và TP.HCM nghỉ hưu ở tuổi 60 vẫn giữ chức vụ lãnh đạo. Trong lĩnh vực viện kiểm sát và tòa án cũng được nâng lên đối với nam không quá 65 và nữ không quá 60 tuổi.

Do vậy, chúng ta muốn nâng tuổi hưu với một số lĩnh vực tương đồng với các nhà khoa học với nữ lãnh đạo của 2 TP lớn thì phải tính đến nhóm này để không mất công bằng.

“Tại sao phó chủ tịch thường vụ, trưởng ban của 2 thành phố lớn, thẩm phán là nữ giới được làm đến 60 tuổi. Vậy các nhà khoa học thì như thế nào?

Vấn đề là Chính phủ phải thuyết phục QH điểm này để làm sao không bỏ phí lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao", ông Lợi nói. Ông cũng cho rằng bác sỹ giỏi, giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học dù có về hưu thì họ vẫn tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Điển hình như bác sĩ Ngọc Phượng ở TP.HCM dù đã 75 tuổi nhưng vẫn làm việc và thu nhập vẫn cao do xã hội vẫn cần.

Vũ Điệp