Xem clip trả lời về việc mở cửa hàng quán:

 

Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời tối 29/10 có chủ đề "Kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗ - những điều cần biết". Khách mời là Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan và Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng. 

{keywords}
Hai khách mời bà Phạm Khánh Phong Lan và ông Nguyễn Hữu Hưng

Tới quán nào thấy quá đông thì không nên vào

Thông tin về việc qua hai ngày TP cho phép quận 7 và Thủ Đức thí điểm mở bán ăn uống tại chỗ có sử dụng rượu bia, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, có tình trạng người dân các địa phương khác đổ dồn về nhậu rất đông.

“Tại các quán nhậu có tình trạng không tuân thủ 5k, không giữ đúng khoảng cách, có sự giao lưu và ăn uống một cách vô tư. Việc này dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan nếu không may có F0 tại quán nhậu. Khi đó, khả năng số ca mắc tăng vọt thì việc mở bán ăn uống tại chỗ sẽ đóng lại”, bà Lan cảnh báo.

Bà Lan cũng cho rằng, nếu cứ đóng cửa mãi thì không chịu nỗi, nhưng mở ra lại tự do, chủ quan như thế thì có thể “đốt” hết những gì mà TP nỗ lực đạt được thời gian qua.

“Thực ra luật không cấm người ở các quận, huyện khác tới nhậu ở quận 7 và Thủ Đức, nhưng có đáng hay không khi phải đi xa như vậy để nhậu; mà có khi mang về nhà con Covid-19. F0 luôn "thập diện mai phục" xung quanh, do đó ý thức của người dân là điều tiên quyết cho an toàn của chính bản thân và cộng đồng”, bà Lan lo lắng.

Bà Lan cũng khuyên người dân, nếu tới quán nào thấy quá đông khách, chưa đáp ứng các tiêu chí quy định thì không nên vào và có thể báo với cơ quan chức năng xử lý.

Trưởng ban ATTP cũng thông tin, để việc mở bán an toàn, có kiểm soát thì TP có hai đoàn kiểm tra việc thực hiện ăn uống tại chỗ.

Thứ nhất, đoàn kiểm tra việc thực hiện Bộ tiêu chí khi mở bán ăn uống tại chỗ do địa phương thực hiện. Thứ hai, là kiểm tra về ATTP, do Ban Quản lý ATTP phối hợp với địa phương thực hiện kiểm tra.

Tuy nhiên, để tránh việc các chủ kinh doanh phải tiếp nhiều lần, hai đoàn có thể hợp lại cùng kiểm tra.

Nhưng trên hết, theo bà Lan, trách nhiệm trực tiếp hiện nay là ở địa phương, và quan trọng nhất là ý thức chấp hành của các cơ sở kinh doanh và người dân.

Trẻ thiếu một ngày tuổi sẽ không được tiêm vắc xin

XEM CLIP:

 

Tại buổi livestream, nhiều phụ huynh quan tâm đến việc tiêm vắc xin cho trẻ và đặt nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này, có người hỏi khi dắt trẻ tới nhưng không được tiêm là vì sao?

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hưng thông tin, việc tiêm vắc xin không hoàn toàn bảo vệ 100% mà vẫn còn có thể bị lây nhiễm, nhưng mức độ sẽ rất nhẹ.

{keywords}
Phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vắc xin 

Cũng theo ông Hưng, chiều nay Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới, trong đó nói rõ trẻ 12 tuổi nhưng phải đủ ngày tuổi (tức đã sinh nhật lần thứ 12), thiếu một ngày cũng sẽ không được tiêm. Lý do ông Hưng đưa ra là theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin và cũng để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Ông Hưng cũng cho biết, kế hoạch của TP, đợt đầu tiêm trong 5 ngày cho trẻ ở độ tuổi 16-17 là học sinh ở các trường và trẻ ngoài cộng đồng; sau đó tiếp tục tiêm cho lứa tuổi từ 12 trở lên.

Đối với trẻ đang đi học, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế lập danh sách và tổ chức các điểm tiêm tại trường học.

Các địa phương chịu trách nhiệm lập danh sách trẻ ở cộng đồng để tổ chức tiêm.

Việc tiêm theo nguyên tắc, trẻ đủ điều kiện thì tiêm tại các điểm ngoài bệnh viện, riêng trẻ có bệnh nền và các trường hợp khác sẽ tiêm ở bệnh viện.

Theo ông Hưng, trong năm nay TP chỉ tiêm cho trẻ lứa tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, những độ tuổi khác tiêm trong năm sau (năm 2022). Hiện TP.HCM đang tiêm cho trẻ loại vắc xin Pfizer và khoảng cách hai mũi tiêm là 3-4 tuần.

Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Hưng cũng khuyến cáo, phụ huynh cần theo dõi trẻ sau khi tiêm trong 28 ngày, trong đó quan trọng nhất 3 ngày đầu phải theo dõi 24/24 các triệu chứng của trẻ. Phụ huynh cũng tránh để trẻ vận động mạnh sau khi tiêm.

Người lao động quay lại TP tiêm vắc xin như thế nào?

Tại buổi livestream, nhiều nhà hàng, DN kinh doanh ăn uống lo ngại khi nhân viên của họ từ các tỉnh trở lại làm việc thì cần điều kiện gì?

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, khi TP nới lỏng giãn cách, nhiều người dân đã về quê. Nay họ trở lại làm việc thì nhiều người chưa được tiêm vắc xin, nên sẽ không được làm việc ngay tại các quán ăn uống hoặc DN sản xuất.

Để trấn an người dân và các chủ DN, nhà hàng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TP rất quan tâm đến việc tiêm vắc xin cho bà con khi quay trở lại TP làm việc. Ông cho biết, TP có đủ vắc xin để tiêm cho người dân.

Ông thông tin thêm, có hai cách để được tiêm vắc xin. Thứ nhất, tiêm tại nơi đăng ký cư trú. Thứ hai, nếu làm ở DN thì chủ DN tập hợp danh sách phối hợp với chính quyền địa phương để tiêm, nếu đông người thì tiêm tại nơi làm việc,

Tuy nhiên, cả 2 vị khách mời cũng thừa nhận, DN và chủ nhà hàng gặp khó khăn trong việc này, vì khi nhân viên được tiêm thì sau 14 ngày mới được làm việc, dẫn tới thiếu về lao động. Đây cũng đang là một rào cản cho DN và các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống trong việc thiếu nguồn lao động.

Hồ Văn

>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng tại TP.HCM

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng tại TP.HCM

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM nói như vậy tại buổi họp báo cung cấp  thông tin về tình hình dịch bệnh chiều 28/10.