- “Bố ơi, con thích đi siêu thị, đi bằng taxi 7 chỗ ngồi thôi, không đi taxi 4 chỗ đâu, không đi xe ôm đâu bố ạ…”, gã đàn ông òa khóc khi nhắc lại những câu nói hồn nhiên của con trẻ. Chỉ vì sự ích kỷ, vô trách nhiệm của người lớn, con trẻ phải chết oan còn người cha đối diện với những tháng ngày tù tội và bản án lương tâm.

Cái chết con thơ

Gần 9h sáng ngày 29/9, bị cáo Nguyễn Ái Khanh (SN 1959, TP.HCM) được dẫn giải ra trước vành móng ngựa để xét xử về tội Giết người. Mặt bị cáo buồn rười rượi, đôi chân run lên bần bật khi vị chủ tọa gọi đứng lên thẩm tra lý lịch.

Bị cáo Khanh khai có hai đời vợ, người vợ đầu đã ly hôn năm 2005, hiện đang sống ở nước ngoài cùng hai con. Người vợ thứ 2 là chị T.T.T.X. (SN 1982) nhưng không đăng ký kết hôn, có hai con chung là cháu T.N.K.(SN 2005, khai sinh lấy họ mẹ) và cháu Nguyễn Hữu Phong (SN 2009, nạn nhân trong vụ án).

Theo nội dung vụ án, cuối năm 1988, Nguyễn Ái Khanh vượt biên sang Hồng Kông sau đó sang Anh sinh sống, lập gia đình nhưng không nhập quốc tịch. Năm 2004, Khanh về nước rồi chung sống như vợ chồng với chị T.T.T.X. Đầu năm 2011, giữa Khanh và chị X. sống ly thân do mâu thuẫn, chị X. nuôi hai con nhỏ.

Tối 4/1, Khanh đến nhà xin chị X. đưa cháu Phong đi chơi. Đến 21h45p cùng ngày, Khanh đưa con về khách sạn tại số 212 đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình để ngủ qua đêm. Đến 5h sáng hôm sau, nhìn con ngủ say, Khanh nghĩ đến mâu thuẫn giữa mình với vợ, chuyện vợ gây khó dễ lúc đến thăm con nên nảy sinh ý định giết con rồi tự sát để chị X. phải ân hận. Ngay sau đó, Khanh lấy chiếc gối ở khách sạn đè lên mặt con khiến cháu bé lịm dần.

{keywords}
Bị cáo đứng nghe tòa tuyên án.

Thấy con đã chết, Khanh gọi điện báo tin cho người thân, viết một lá thư tuyệt mệnh để lại cho anh em bên gia đình chị X. thỉnh cầu họ hỏa táng, thiêu xác hai cha con để nếu các con của người vợ cả ở nước ngoài về nước sẽ thắp một nén hương tưởng nhớ trước nắm tro tàn.

Viết thư xong, Khanh lấy dao tự đâm mình 5 nhát đến khi ngất xỉu. Hơn hai tiếng sau, nhân viên khách sạn và người thân phát hiện sự việc đưa Khanh đi cấp cứu nên bị cáo thoát chết còn cháu Phong đã tử vong vì ngạt thở.

Cháu Phong mất khi mới được 4 tuổi 3 tháng. Với hành vi trên, Khanh bị truy tố về tội Giết người với hai tình tiết tăng nặng là giết trẻ em và có động cơ đê hèn (để trả thù vợ - PV).

Nước mắt

Vị công tố vừa chấm dứt phần công bố nội dung cáo trạng, nghe chủ tọa hỏi nội dung bản cáo trạng truy tố bị cáo có oan không? Khanh bật khóc: “Dạ không oan”.

Khanh kể lại hôm ấy bị cáo đi làm về thấy nhớ con quá nên về xin chị X. cho đưa con đi chơi. Sau đó, do muốn được ngủ với con một đêm cho đỡ nhớ nên khi chị X. gọi điện yêu cầu đưa con về bị cáo không nghe máy. Sau khi đi siêu thị ăn uống, mua quần áo cho con bị cáo bắt taxi đưa con về khách sạn rồi vụ án xảy ra.

Bằng ánh mắt nghiêm nghị, tòa hỏi: “Bị cáo có thương con không?” - “Dạ có”. “Bị cáo và con có mâu thuẫn gì không?” – “Dạ không. Từ trước đến giờ con bị cáo ngoan lắm. Mỗi lần gặp bị cáo con đều bảo “bố ơi, con thích đi siêu thị, đi bằng taxi 7 chỗ ngồi thôi, không đi taxi 4 chỗ đâu, không đi xe ôm đâu bố ạ”, gã đàn ông òa khóc khi nhắc lại những câu nói hồn nhiên của con trẻ.

Bị cáo cho biết từ khi con chết, không ngày nào bị cáo không nhớ đến con, hình ảnh con chập chờn trong từng giấc ngủ. Bị cáo rất ân hận nhưng quá muộn…

“Bị cáo thương con vậy tại sao lại giết con?” – “Vì bị cáo thấy mình đã lớn tuổi, mình già rồi, vợ bị cáo còn trẻ, làm chủ một thẩm mỹ viện. Tết năm 2011, vợ bảo không phải về thăm gia đình vợ nữa, ở lại trông nhà để ba mẹ con về nên bị cáo rất tủi thân.

Bị cáo lớn tuổi nên vợ nói sao bị cáo nghe vậy nhưng rất tủi thân. Sau đó, bị cáo bỏ ra ngoài ở xin đi làm bảo vệ. Đêm đó nhìn con, bị cáo chỉ quay cuồng một suy nghĩ là hai cha con bị cáo chết đi để vợ bị cáo có cuộc sống mới…” - gã đàn ông thốt ra trong nước mắt.

Khi tòa hỏi về những ngày tháng trong trại giam, Khanh cho biết bị cáo rất cô đơn. Từ ngày xảy ra vụ án, các bị can khác có người thân đến thăm còn bị cáo không có một ai. Dù vậy, bị cáo không còn ý định muốn chết, bị cáo muốn được sống. Bị cáo xin tòa cho bị cáo một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Vị chủ tọa phân tích, bị cáo là người cha, bị cáo có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc con. Vợ chồng xảy ra mâu thuẫn thì bị cáo phải tìm cách để giải quyết, đằng này bị cáo lại tỏ ra nhu nhược, ích kỷ. Cháu Phong là một đứa trẻ, cháu đâu làm gì có lỗi, sao bị cáo có thể nhẫn tâm giết con vì cho rằng muốn đưa con đi theo, muốn vợ phải ân hận. Giờ bị cáo sống còn con bị cáo một đứa trẻ mới 4 tuổi phải chết oan, dù bất luận vì lý do gì đó cũng là tội ác. Nghe vậy, Khanh càng khóc nhiều hơn, đôi vai run lên bần bật.

Sau khi nghị án, tòa nhận định hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong đời sống vợ chồng, tước đoạt mạng sống của chính con mình. Do vậy, có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội giết người với hai tình tiết định khung tăng nặng là giết trẻ em, giết người với động cơ đê hèn, hành vi phạm tội của bị cáo lẽ ra phải áp dụng mức hình phạt cao nhất là cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội như lời đề nghị của vị luật sư bảo vệ cho phía bị hại.

Tuy nhiên, sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ như nguyên nhân xảy ra vụ án xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng, bị cáo đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Khanh mức án tù chung thân. 

Vị chủ tọa dứt lời tuyên án, Khanh tra tay vào còng lầm lũi lên xe về trại. Dù thoát án tử nhưng có lẽ bản án lương tâm sẽ ám ảnh người đàn ông ấy suốt cả phần đời còn lại.

Mai Phượng