- Từ 70 năm dạn dĩ hội nhập, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, đã đến lúc ngoại giao VN cần “dấn thân” hơn nữa, học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”.

LTS: Trong bài viết nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhắc lại những nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” đến sách lược ngoại giao tâm công và phương châm “thêm bạn, bớt thù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị:

Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước trong phe XHCN, đến nay VN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185/193 quốc gia thành viên LHQ, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ quan quan trọng của LHQ.

Từ chỗ chỉ có 20 cán bộ trong những ngày đầu thành lập, ngày nay Bộ Ngoại giao đã trở thành lực lượng đối ngoại chủ lực của đất nước với 2.400 cán bộ nhân viên được đào tạo bài bản chuyên sâu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phục vụ đắc lực cho công tác hoạch định và triển khai đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. 

Từ chỗ chỉ có 3 cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài những năm đầu độc lập, đến nay 98 cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đã trở thành những “cánh tay nối dài” của đất nước ở khắp các châu lục trên thế giới.

VN đã đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu thực chất, cơ bản hoàn tất việc thể chế hóa khuôn khổ quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại 70 năm qua, VN đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả cả nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ.

Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, VN liên tục xuất siêu từ năm 2012 đến năm 2014, tiếp tục là điểm sáng ở Đông Nam Á trong việc thu hút đầu tư nước ngoài với sự có mặt của trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trên thế giới, trong đó nhiều tập đoàn đã và sẽ đặt “đại bản doanh” tại VN.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Chung Hoàng

Những bước tiến mạnh mẽ đó là việc lần đầu tiên, VN tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, tiến hành đàm phán đồng thời nhiều Hiệp định thương mại tự do lớn như TPP và RCEP, được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Nhân quyền, UB Di sản thế giới của UNESCO, đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013-2015...

Ngoại giao đa phương cũng được nâng tầm, chuyển từ phương châm “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng luật chơi chung” với việc đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất hợp tác được các nước bạn bè, đối tác ủng hộ, đánh giá cao tại các diễn đàn từ ASEAN đến ASEM, APEC và LHQ.

Ngoại giao cũng đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh trong việc bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

VN đã hoàn thành phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ với Trung Quốc và Lào, đang triển khai phân định biên giới với Campuchia, giành được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa và các lợi ích chính đáng trong vấn đề Biển Đông.

Nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức

Ngày nay, cục diện thế giới và khu vực đang không ngừng biến động. Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhất và có triển vọng trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới trong thế kỷ 21, song cũng đã trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. 

Hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng các nhân tố bất ổn, thậm chí nguy cơ xung đột cục bộ ngày càng nhiều.

Đặc biệt, tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp, các nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước nổi lên ngày càng gay gắt. Thách thức và cơ hội luôn đan xen, và có tính chuyển hóa lẫn nhau. 

Làm sao “biến nguy thành an”, định vị đất nước như thế nào sao cho có lợi nhất trong bàn cờ chiến lược ở khu vực và trên thế giới là trăn trở đêm ngày của những người làm công tác đối ngoại.

Trước đây, Bác Hồ đã từng nói: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”. Nhiệm vụ của ngoại giao ngày nay là phải lấy tư duy “trong nguy có cơ” để tìm ra thời cơ, vận hội của đất nước.

Trong thế giới ngày nay, một quốc gia dẫu kinh tế không mạnh, dân không đông, song nếu có chính sách đối ngoại đúng đắn vẫn có thể bảo vệ các lợi ích chính đáng, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. 

Là một quốc gia có vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, VN đang đứng trước nhiều cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, tranh thủ các điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước vượt qua nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”. Để làm được điều đó, đã đến lúc ngoại giao VN cần “dấn thân” hơn nữa.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định ba nhiệm vụ đối ngoại quan trọng nhất trong thời gian tới là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ chế độ XHCN. 

Ba nhiệm vụ này mang tính biện chứng, tác động qua lại, và liên quan mật thiết đến nhau. Trong thời bình, ngoại giao là lực lượng “đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước” .

Để thực hiện trọng trách lớn lao đó, toàn ngành ngoại giao đang nỗ lực đổi mới tư duy, tìm tòi sáng tạo hơn nữa từ lối tư duy đến cách làm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đối ngoại. 

Bám sát cái “bất biến” là lợi ích quốc gia, dân tộc để ứng xử “vạn biến” linh hoạt, thích ứng với một thế giới đang không ngừng thay đổi là yêu cầu bắt buộc đối với ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Như một chiếc “ăng-ten” của đất nước, ngoại giao nhất thiết phải làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược để phát hiện ra các xu thế mới, đặt Việt Nam vào đúng dòng chảy của thời đại, đồng thời không để đất nước bị bất ngờ trước bất kỳ tình huống nào.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh