- Sắp Tết Nguyên đán, việc giám sát ATVSTP (an toàn về sinh thực phẩm) trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Còn rất nhiều bất cập, sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, quản lý lĩnh vực này.

Xử lý nhiều cơ sở vi phạm

Sáng 20/11, trong buổi họp giám sát của Ban văn hóa – xã hội – HĐND TP.HCM về ATVSTP, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP cho biết, trong 9 tháng đầu năm, địa bàn TP. xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm (số bị ngộ độc là 412 người, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2013).

Nguyên nhân ngộ độ xác định do vi sinh gây bệnh.

{keywords}
Kinh doanh hóa chất công nghiêp và thực phẩm lẫn lộn, nguy hiểm khôn lường. (Ảnh minh họa).

Trong 9 tháng, 2.003/2.775 cơ sở bếp ăn tập thể cung cấp suất ăn sẵn đã được kiểm tra. Chi cục phát hiện 134 cơ sở vi phạm, xử lý 26 cơ sở, số tiền phạt là 234 triệu đồng, tiêu hủy 1.200 trứng gà, 47,4 kg gồm gia vị, gia cầm, giò chả không rõ nguồn gốc. Hiện vẫn còn 7 cơ sở vi phạm đang tiếp tục được xử lý.

Sở Y tế TP.HCM đã chủ trì thành lập 4 đoàn liên ngành thanh tra 80 cơ sở, phát hiện 48 cơ sở vi phạm, xử lý 41 cơ sở với số tiền phạt hơn 600 triệu đồng, đình chỉ 4 cơ sở, tiêu hủy trứng gia cầm, gia vị, phụ gia không rõ nguồn gốc/kiểm dịch của 15 cơ sở.

Bên cạnh đó, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã tiến hành xử phạt hành chính lũy tiến 255 trường hợp với số tiền gần 700 triệu đồng, tang vật tiêu hủy trên 11.000 kg.

Về phía ngành Y tế TP đã lấy 72 mẫu bún tươi, nước mía, cà phê, đậu hũ trắng, nho, muối ớt, giò chả tại các địa điểm thức ăn đường phố, tỷ lệ đạt 75%.

Ngành công thương cho biết đã lập 4 đoàn lấy mẫu các mặt hàng nguy cơ cao như thạch, trân châu, nước giải khát, các sản phẩm từ sữa, bánh mứt, bún, phở, hủ tiếu. Qua đó, đoàn kiểm tra phát hiện 17 mẫu nhiễm vi sinh, sử dụng phụ gia ngoài danh mục và vượt ngưỡng.

Theo Chi cục bảo vệ thực vật TP., trong thời gian trên, đơn vị đã phân tích nhanh gần 500 mẫu rau đang thu hoạch. Định lượng 18 mẫu rau các loại, kết quả phân tích không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tại 3 chợ đầu mối, đoàn kiểm tra phân tích nhanh gần 5000 mẫu và không phát hiện rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép....

Báo cáo với HĐND, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú Y TP. HCM công bố, lấy 1.349 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ và kinh doanh, chế biến gia súc/gia cầm. Kết quả phân tích cho thấy gần 700 mẫu chưa đạt tiêu chí về vi sinh.

Giám sát thức ăn đường phố, làm được không ? 

{keywords}
5000 mẫu kiểm nghiệm rau củ đủ khẳng định sự an toàn? (Ảnh minh họa).

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP đề cập tới những nút thắt, khó khăn trong việc quản lý, giám sát với loại hình thức ăn đường phố.

“Thức ăn đường phố là loại hình nguy hiểm, do kém vệ sinh nên không được cấp phép. Chúng tôi cũng đã thí điểm những khu kinh doanh thức ăn đường phố tập trung để tiện quản lý (bên hông chợ Bến Thành) nhưng kế hoạch này bị phá sản.”, ông Hòa trình bày.

Theo ông Hòa, kế hoạch kinh doanh thức ăn đường phố tập trung không khả thi do thói quen của người dân. Thứ 2, đối tượng khách hàng của thức ăn đường phố là người thu nhập thấp. Một khi đưa các gánh hàng rong vào nề nếp sẽ phải tốn tiền đầu tư cơ sở vật chất, làm giá thành đội lên.

Tuy nhiên, Chi cục ATVSTP vẫn đang thí điểm mô hình tập trung thức ăn đường phố tại 4 phường ở Q.4, Q.3, Tân Phú và Bình Tân. Song song với hỗ trợ cho các gánh hàng rong ở 4 phường này, UBND TP. cũng đã chỉ đạo các quận/huyện xây dựng 1 – 2 tuyến đường không có thức ăn đường phố.

Mục đích của việc làm trên vừa từng bước quản lý thức ăn đường phố, một mặt hạn chế sự phát triển của loại hình ăn uống này.

Trước những báo cáo của đại diện các cơ quan quản lý liên quan tới lĩnh vực thực phẩm, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, thành viên đoàn giám sát HĐND, PGĐ Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đặt ra nghi vấn về kết quả kiểm nghiệm rau củ quả.

Bà Tuyết nói: “Chi cục Bảo vệ Thực vật nói các mẫu đạt nhưng vẫn có thông tin trên báo chí nói về rau củ có chất độc hại. Người dân cũng rất lo ngại vấn đề an toàn của loại thực phẩm này. Mỗi ngày, lượng rau củ quả đưa về tiêu thụ tại TP. rất lớn, 5000 mẫu kiểm tra kia là quá ít, có đủ để đại diện cho tất cả không? Và độ chính xác của các mẫu kiểm tra nhanh thế nào ?”

Ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng Ban văn hóa – xã hội, HĐND nhận định vẫn còn rất nhiều chồng chéo về phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý ATVSTP.

Chẳng hạn tại khu vực Chợ Kim Biên, có cơ sở thì do Chi cục ATVSTP cấp phép, nơi thì Cục ATVSTP cấp phép, rồi chỗ thì Sở Công thương cấp phép. Hóa chất dùng trong thực phẩm và hóa chất dùng trong công nghiệp nhất định phải tách ra, không thể chứa hóa chất công nghiệp trong khu dân cư như thế được, rất nguy hiểm...

Thanh Huyền