- Cũng có một số người thân tìm về những ngôi mộ của các thái giám, họ “lén lút” thắp vội nén hương trên phần mộ của người nằm dưới rồi nhanh chóng “mất hút” vào đồi thông như sợ bị ai phát giác…

Hy sinh “sinh thực khí” để được vào cung

Cách TP Huế khoảng 6 km về hướng Tây, trên ngọn núi Dương Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế) có một ngôi chùa mang tên Từ Hiếu.

Với người dân địa phương và du khách gần xa, nét đặc trưng của ngôi chùa này không phải là sự linh thiêng, những kiến trúc độc đáo mà bởi ở nơi đó, có quần thể các ngôi mộ của những thân phận “đặc biệt” một thời dưới triều Nguyễn – khu nghĩa trang của các thái giám.

{keywords}

Trước khi vào khu nghĩa trang thái giám, du khách phải qua cổng tam quan của chùa Từ Hiếu

Cũng như các triều đại phong kiến trước, dưới thời Nguyễn, các vua chúa tiếp tục việc tuyển chọn thái giám vào cung để hầu hạ các bậc đế vương, hoàng hậu, cung tần, công chúa…

Điều đáng nói, để tránh những điều “đáng tiếc” xảy ra, đặc biệt là việc các thái giám có thể “tòm tem” những “ái nữ” của đế vương, tất cả những người này trước khi vào cung để làm thái giám đều bị “hoạn”, loại bỏ phần sinh thực khí và xem như “không đàn ông cũng chẳng đàn bà”.

Sau khi bị loại bỏ phần sinh thực khí, các “bảo vật” của thái giám được bảo quản, cất giữ cẩn thận để đưa ra trình cho những quan lại có địa vị khi mỗi lần họ được thăng quan, tiến chức, nếu để mất “bảo vật” sẽ bị chém đầu.

Chính vì lẽ đó, sử sách ghi lại cho biết, trong hàng ngàn thái giám qua các triều đại phong kiến Việt Nam, có nhiều người phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lại sinh thực khí của người khác vì không giữ được bảo vật của mình.

Tuy nhiên, nếu việc làm gian dối này bị phát hiện, các hoạn quan có thể bị chém đầu, tru di cả họ.

Dưới triều Nguyễn, ngoài việc tuyển chọn thái giám từ những người bình thường rồi loại bỏ sinh thực khí khi vào cung, các quan sơ tuyển cũng “mỏi mắt” tìm kiếm những “giám sinh tự nhiên” (những người sinh ra ái nam, ái nữ).

{keywords}

Một góc nghĩa trang – nơi an táng các “hoạn quan” dưới triều Nguyễn

Làng nào có “giám sinh” được đưa vào đội thái giám trong cung sẽ được miễn thuế 3 năm. Bởi vậy, những “giám sinh” thời đó không những không bị coi thường như bây giờ mà còn được người làng cung kính gọi là “ông Bộ”.

Vì thế, một số vùng quê của Huế vẫn thường có câu cửa miệng “ăn mà đẻ “ông Bộ” cho làng nhờ”.

Từ Cung giám viện đến khu nghĩa trang hoang lạnh!

Sau thời gian dài phục vụ trong cung cấm với sự cô đơn, tủi nhục, những năm cuối đời, các thái giám buộc phải ra khỏi Đại Nội, sống tẻ nhạt, hiu quạnh tại một tòa nhà phía Bắc hoàng thành Huế - gọi là Cung giám viện.

Chùa Từ Hiếu trước đây vốn là một am tự được hòa thượng Thích Nhất Định lập ra để thờ phụng mẹ.

{keywords}

 Nét hoang tàn, rêu phong, lạnh lẽo của một số ngôi mộ

Đến năm 1848, lường trước được những bi đát cuối đời của thân phận thái giám, hoạn quan Châu Phước Năng cùng nhiều thái giám khác dồn hết tài sản, tiền bạc tích góp được trùng tu, mở rộng khu am tự này thành một nghĩa trang với mong muốn “khi chết có chỗ yên nằm”.

Cái tên Từ Hiếu được vua Tự Đức ban tặng có nghĩa là “hiếu thuận”, do có sự giúp đỡ và đóng góp của các thái giám nên ngôi chùa này còn có tên gọi khác là “chùa thái giám”.

Mặc dù đóng góp phần lớn của cải và công sức để xây dựng chùa nhưng sau khi chết các thái giám lại được chôn trên một ngọn đồi nhỏ nằm bên phải của chùa tách khỏi hẳn khuôn viên của chùa Từ Hiếu.

Tại khu vực này, trên diện tích rộng khoảng 1000m2 ghi nhận hàng chục mộ phần của các thái giám. Khu lăng mộ này được chia làm thành 3 bậc tương ứng với vai trò và sự đóng góp khác nhau của các quan thái giám.

Bậc trên cùng là của thái giám Châu Phước Năng, người đóng góp nhiều nhất cho chùa vì vậy ngôi mộ này cũng to hơn những ngôi mộ nằm cạnh bên.

Phía dưới là những ngôi mộ lâu năm hoang phế, vỡ nát, các bờ tường hoang đổ…

Cũng tại nơi đây, một phần cuộc đời của những thái giám cũng được thể hiện rõ nét khi tâm sự của họ được khắc lên trên tấm bia đá gần cổng nghĩa trang.

“Khi còn sống chúng tôi nương nhờ cửa Phật, mà khi chết thì biết nương nhờ vào đâu? Nhân thấy rằng phía tây thành có một miếng đất nên lấy gạch xây thành để có nơi thờ cúng về sau, gần với Phật mới là nơi thờ tự lâu dài, bằng hữu ốm đau có nơi chữa bệnh, ai nằm xuống có nơi để mà tống tán” – những lời tự bạch ai nghe qua cũng thấy ngậm ngùi.

Thế nhưng, trên thực tế, những gì còn sót lại của một thời vàng son, một thời tận tâm phục vụ của các thái giám giờ đây chỉ còn là những nấm mộ hoang tàn, lạnh lẽo, rêu mốc bao trùm trên ngọn đồi hiu quạnh.

Cũng có một số người thân tìm về những ngôi mộ của các thái giám, họ “lén lút” thắp vội nén hương trên phần mộ của người nằm dưới rồi nhanh chóng “mất hút” vào đồi thông như sợ bị ai phát giác…

Quang Thành