"Ngập lụt ở TPHCM còn có thể nặng hơn nếu không thay đổi cách tiếp cận và giải quyết "TS. Trương Đình Hiển, chuyên gia hải dương học đã khẳng định như vậy trong cuộc tiếp xúc với Vietnamnet chiều ngày 27/9/2016

Thưa ông, trận mưa lớn lịch sử chiều ngày 26/9/2016 ở TP.HCM gây ngập lụt khủng khiếp, gọi là “trận mưa lũ lịch sử”, gây tác hại lớn nhiều mặt chưa thể thống kê hết. Theo ông là nhà khoa học, chuyên gia về hải dương học, nguyên nhân do đâu?

TS. Trương Đình Hiển: Ở miền Nam đang vào mùa mưa, nên mưa là bình thường. Nhưng vấn đề là tại sao ngập nặng như vậy. Bởi cơn mưa lớn hôm qua nằm gối lên thủy triều lớn. Nói cách khác thủy triều lớn là nền tảng kết hợp với mưa lớn gậy ra trận ngập lụt lớn chiều ngày 26/9. Mưa lớn đứng trên lưng thủy triều lớn gây ra ngập lớn. Ở đây, thủy triều lớn chính là thủ phạm gây ra

{keywords}
Tiến sỹ hải dương học Trương Điình Hiển 

TP áp dụng nhiều biện pháp, có nạo vét kênh rách cho thông nước nhưng hiệu quả chưa thấy? Theo ông, phải bắt đầu từ đâu và những giải pháp phù hợp khác đi theo.

TS. Trương Đình Hiển: Đúng rồi, cách làm theo lối “gọt chân cho vừa giày” thôi! Cái chân đã lớn thì phải đóng đôi giày mới lớn hơn mới vừa chứ. Có nghĩa là, mưa và thời tiết thay đổi, khí hậu thay đổi thì mình phải có con đường, phương pháp khác. Đó là 3 việc chính: Một là thủy triều; hai là mưa, ba là nước thải.

Nếu chúng ta triệt tiêu thủy triều rồi, tức thủy triều không còn tràn vào kênh rạch trong TP nữa mà vẫn ngập thì mình nhận diện ra nguyên nhân ngập là do cống nghẹt hoặc sức chứa không đủ. Lúc đó chúng ta mình vét các con kênh rạch sâu xuống để tăng sức chứa và tải nước mưa tình hình sẽ khác. Nếu vẫn còn ngập thì chúng ta xác định được do cống bị bí tắc, tìm sửa thông cống.

Vào mùa khô thủy triều không có mà có chỗ vẫn ngập thì đích xác chỗ đó là do nước thải chứ cũng phải do mưa, chúng ta xử lý chỗ đó ngay . Xử lý xong mà vẫn ngập thì do bí cống không có chỗ chứa nước mưa, tìm sửa cống.

Cách giải quyết như vậy tức là ta loại từng đối thủ, giải quyết từng khâu một cách căn cơ từ gốc để chúng không cấu kết với nhau. Đánh lùi từng bước từng bộ phận Nếu cứ gộp chung lại thì không có cách nào loại được và không giải quyết được

Lâu nay chúng ta làm theo kiểu “đau đâu xoa đó” cho nên không có hiệu quả. Tôi nói thật, ngập lụt còn có thể hơn nữa nếu không thay đổi cách tiếp cận, cách giải quyết.

Như ông nói ban đầu là phải tách thủy triều ra, triệt tiêu để không tràn vào TP. Vậy tách như thế nào? TP cách biển 80 km, nếu phải chặn ngay biển thì phải phối hợp với các tỉnh khác?

TS. Trương Đình Hiển: Không phải như vậy, chúng ta chỉ cần xây các đập ngăn triều trên các kênh rạch không cho nước dâng tràn vô nội ô TP. Chỗ nào đất thấp thủy triều tràn vào thì làm đê ngăn lại.

Ví dụ thủy triều vào kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè , vào kênh Lò Gốm thì chúng ta chận ở các cửa kênh này thôi . Sau khi chận các cửa kênh cón nơi nào đất thấp thì thủy triều tràn bờ, ta làm đê chặn nước.

Mới đây TP cũng đã xây một số cống ngăn triều trên các cửa kênh ở Q.8 mới đưa vào vận hành. Đây có phải là giải pháp ngăn triều như ông nói?

TS. Trương Đình Hiển: Làm phải có hệ thống chứ làm một hai cái thì cũng chẳng có tác dụng đâu.

Hệ thống này phải đồng bộ và phải được xử lý một cách khoa học, phối hợp chặt chẽ với nhau. Chứ làm một hai cái cống theo kiểu thủy lợi thì chẳng ăn thua

Một mình các biện pháp thủy lợi cũng không giải quyết được nạn ngập lụt của TP?

TS. Trương Đình Hiển: Thủy lợi làm sao giải quyết được? Đây là một đề tài tổng hợp gồm có thủy triều, mưa, nước thải. Như vậy có các ngành đô thị, khí tượng thủy văn, hải dương học. 3 “ông” này phải ngồi lại với nhau dưới sự chỉ đạo của TP, đưa ra giải pháp và TP thực hiện.

Ông đánh giá như thế nào về cách làm hiện nay?

TS. Trương Đình Hiển: Manh mún và vụn vặt, không có hệ thống. Cho nên làm chỗ này thì nó xì ra chỗ kia, nó cứ chạy lòng vòng ngày càng nặng hơn. Giống như buôn bán vỉa hè hiện nay. Dẹp hoài không được là bởi không mở con đường nghề nào cho người ta làm ăn mà chỉ biết cấm.

Người ta buôn bán vỉa hè là bởi người ta đói phải ra đó đứng ngồi bán chứ thực ra chẳng ai muốn ngồi ở vỉa hè đâu. Nếu mình mở con đường, mở nhà xưởng , cơ sở kinh tế thu hút người ta làm người ta có ăn thì chẳng ai ra vỉa hè ngồi buôn bán làm chi. Nếu chúng ta mở ra được như thế thì cho tiền người ta cũng chẳng ra vỉa hè ngồi làm chi.

Vấn đề là chúng ta không xử lý, không diệt ngập lụt từ gốc . Gốc đây là thủy triều. Diệt được thủy triều vào TP thì mưa không thể gây ngập lớn như vậy. Dẹp xong thủy triều ta quay qua xử lý mưa, nước thải. Con đường đi là như vậy. Phái tách ra để trị từng yếu tố.

Cách làm hiện nay đào cống chỗ này, đào cống chỗ kia, xây đường thoát lũ chỗ nọ. Thậm chí cống đang thông cũng đào. Cách làm này giống như không dò được vị trí bệnh ung thư nên cứ xạ trị, hóa trị , cứ bơm thuốc độc vào cơ thể. Hậu quả là tất cả cơ thể đều bị tấn công, tế bào lành cũng bị đánh.

Xin cảm ơn ông

Duy Chiến thực hiện