- Sau khi một số địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, sở, viện, không ít vấn đề khó khăn nảy sinh được phản ánh tại hội nghị của Chính phủ về cải cách hành chính sáng nay (26/7).

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương nổi bật gần đây về thi tuyển lãnh đạo cho biết, sau khi thành công với Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Thông tin truyền thông và Ban quản lý vịnh Hạ Long, tỉnh sẽ thi tuyển thêm 6 phó giám đốc các Sở Nội vụ, Tài nguyên Môi trường, Tư pháp, Ngoại vụ, Nông nghiệp và Giao thông Vận tải.

Bà Thủy cho rằng cách làm này có thể "khắc phục tình trạng nguồn quy hoạch cán bộ bó hẹp, khép kín, mở rộng cơ hội phát hiện nhân tố mới nằm ngoài quy hoạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch".

{keywords}

Thi tuyển công chức trên máy tính tại Bộ Nội vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tỉnh Quảng Nam cũng cho biết sẽ thi tuyển để bổ sung 25 vị trí lãnh đạo sở, ngành sẽ khuyết do nghỉ hưu từ nay đến năm 2015. Đà Nẵng, từ khi đi đầu cả nước thi tuyển lãnh đạo công khai, đến nay cũng đã làm được với 114 chức danh.

Theo GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ, một số bài học kinh nghiệm được rút ra sau quá trình thi tuyển lãnh đạo.

"Nên thi cấp trưởng, vì sẽ thuận lợi ở chỗ họ có thể tổ chức thực hiện chính những đề án mà họ bảo vệ trước hội đồng. Thi tuyển cấp phó cho thấy có nhiều ý định tốt nhưng khi thực hiện còn nhiều yếu tố vướng mắc", ông Ngữ nói.

Bên cạnh đó phải có cơ chế đồng bộ, đủ mạnh và thuyết phục ở toàn quốc và địa phương, thực hiện từ trên xuống dưới, ông Ngữ kiến nghị.

GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng phản ảnh người dự thi còn e ngại: Sử dụng hai hệ thống vừa cũ vừa mới là bổ nhiệm theo quy hoạch và qua thi tuyển như thế nào để tránh đan chéo; phân vân về vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ; thi tuyển thế nào để vừa phát hiện năng lực, vừa đảm bảo phẩm chất; tổ chức hội đồng thi ra sao để khách quan, vô tư, công tâm...

Bộ Nội vụ cho biết đang tiếp tục hoàn thiện đề án về thi tuyển lãnh đạo các cấp.

Thi công chức như thi đại học

Sau khi Bộ Nội vụ tiên phong thi tuyển công chức trên máy tính, Hải Phòng là địa phương đầu tiên triển khai cách làm này.

Ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu nhưng "chất lượng tốt hơn".

"Thí sinh đều cảm thấy công khai, minh bạch, công bằng, không nghi ngờ việc chấm thi, trông thi", ông Hiệp nói.

Kiến nghị áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác, Phó Chủ tịch Hải Phòng cho rằng nên thêm vấn đáp, phỏng vấn bên cạnh thi trắc nghiệm để "hiểu rõ hơn người được tuyển để sử dụng tốt hơn".

"Ở nhiều cơ quan, người đang làm đi thi không đỗ ai, trong khi nhiều người bên ngoài thi đạt kết quả cao, do đó qua phỏng vấn, vấn đáp để xem xét sử dụng đúng vị trí phù hợp", ông Hiệp nói.

Ông Đan Đức Hiệp cũng kiến nghị thi tuyển công chức tập trung "như thi ĐH", thí sinh thi một lần có thể gửi kết quả đến nhiều cơ quan khác nhau, tiết kiệm chi phí.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì băn khoăn phương án giải quyết những công chức dự bị, đã khá quen việc, nhưng thi tuyển không đạt.

"Trong khi người mới trúng tuyển chưa có kinh nghiệm, thường sau một năm tập sự đạt thì mới vào làm chính thức", ông Quang nói.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các công chức dự bị nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ có thể được tuyển chính thức không qua thi vì họ đã được thử thách.

Chung Hoàng