- Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhận định dự thảo vẫn mang nặng tư tưởng quản lý nhà nước, các thủ tục thành lập hội còn khó khăn, kéo dài.

>> Hội nên tự chi tiêu
>> Hội chỉ gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký
>> 'Ra luật để hạn chế còn đâu tự do lập hội'

Thảo luận về dự thảo luật về Hội chiều nay, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá dự thảo đã “đột phá” khi hạn chế quyền lập hội và tham gia hội đối với cán bộ, công chức (CBCC) khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền quản lý CBCC đó.

{keywords}

ĐB Nguyễn Sỹ Cương

Nhưng ĐB Ninh Thuận cũng đặt ngược vấn đề: CBCC hoàn toàn có thể lập cũng như tham gia hội, thậm chí nhiều hội, chỉ với điều kiện được cơ quan quản lý mình cho phép.

"Người có thẩm quyền quản lý sẽ đồng ý cho CBCC của mình lập hay tham gia hội trên cơ sở nào, theo quy định nào? Hay thích thì cho, không thích thì không cho? Rồi khi anh đã đồng ý cho họ lập hay tham gia hội thì cũng đồng nghĩa với việc anh phải tạo điều kiện về mọi mặt, nhất là về thời gian để họ làm cho hội", ông Sỹ Cương đặt các câu hỏi.

Do đó, ĐB cho rằng cần hết sức cân nhắc khi quy định trên để tránh sự mâu thuẫn.

"Thời gian làm việc của anh nhà nước trả lương nhưng quá nhiều các loại hội họp, nào là công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…, lại thêm hội này, hội nọ, thì còn lại bao nhiêu thời gian để thực hiện nhiệm vụ được giao?", ĐB Sỹ Cương nói và cho rằng, hạn chế tối đa việc CBCC tham gia hội là phù hợp.

Ông cũng lưu ý, việc CBCC tham gia các hội liên quan đến lĩnh vực có thẩm quyền quản lý nhà nước có thể dễ dàng dẫn đến tham nhũng.

ĐB cho hay, một số nước quy định rất chặt chẽ để tránh trường hợp khi đương chức 'tạo điều kiện' cho các tổ chức, rồi nghỉ hưu sang đó làm luôn để hưởng lợi.

Ngược lại, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng hạn chế CBCC tham gia hội là ảnh hưởng quyền công dân, chỉ cần không cho CBCC lập và tham gia ban lãnh đạo hội.

Không nên can thiệp

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhận định dự thảo vẫn mang nặng tư tưởng quản lý nhà nước, các thủ tục thành lập hội còn khó khăn, kéo dài.

{keywords}

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh

"Đề nghị đơn giản hóa quy trình thành lập hội, giảm bớt thủ tục hành chính, thay vào đó thúc đẩy cơ chế tự chịu trách nhiệm và tự giám sát nội bộ một cách minh bạch. Nhà nước quản lý sẽ rất tốn kém và quá tải", ông Vinh nói.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cũng nhấn mạnh những vấn đề như cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chi tiêu tài chính, hội viên... phải được quy định trong điều lệ hội chứ không phải trong luật, không nên can thiệp sâu vào công việc của hội.

"Nên bổ sung nguyên tắc 'tự đảm bảo kinh phí hoạt động' của hội để đảm bảo sự tự chủ, chấm dứt việc nhà nước bao cấp", ông Niễn nói. "Và nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này bao trùm cả quyền hội họp nói chung của công dân".

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Phúc lưu ý phải chú ý đến vai trò xã hội của các hội, vì ở một chừng mực nào đó, các hội chính là quần chúng nhân dân, cùng nhà nước giải quyết những vấn đề mà xã hội đang đặt ra.

Chung Hoàng - Ảnh: Hoàng Long