- Năm 2014 là một năm đen tối của ngành hàng không thế giới. Ngành hàng không Việt Nam 'đã trải qua như thế nào, đúc rút được gì' là tiêu điểm nổi bật của buổi tọa đàm về Văn hóa an toàn hàng không do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì tại TP.HCM chiều 21/1.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2014, cả thế giới xảy ra 8 vụ tai nạn máy bay thương mại, làm thiệt mạng 878 người. 

Còn tại Việt Nam, ông Nguyễn Phước Thắng, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, suốt 17 năm qua, chúng ta chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng về người.

Dù thế, khi nhìn lại lịch sử nước nhà, ông Thắng vẫn lưu ý ngành hàng không phải nâng cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan.

Đại diện Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam nhận định, vẫn ghi nhận những vi phạm đe dọa an toàn bay từ phía hành khách và người dân sống gần khu vực sân bay.

Cụ thể, năm 2014, thống kê từ Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho thấy 28 hành khách hút thuốc lá trên máy bay, 5 hành khách lấy áo phao máy bay, đặc biệt có tới 8 trường hợp tung tin có bom và 2 hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm, 47 hành khách sử dụng giấy tờ giả.

Dù quy định cấm nhưng tại sân bay phát hiện tới 131 hành khách mang vũ khí, vật phẩm nguy hiểm.

Số lượng hành vi gây mất an toàn bay của năm 2014 gia tăng so với năm 2013. Năm 2013 chỉ có 1 trường hợp tung tin có bom, 1 hành khách mở cửa thoát hiểm, 94 hành khách mang vũ khí, vật phẩm nguy hiểm.

{keywords}
Ông Khuất Việt Hùng - PCT Ủy ban ATGT Quốc gia tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Huyền.

Nguy hiểm hơn nữa là các hành vi đe dọa an toàn bay từ sự thiếu ý thức, hiểu biết của người dân như: trồng cây trái phép quanh khu vực bay gây ảnh hưởng tĩnh không, tầm nhìn, nuôi chim, vật nuôi xung quanh cảng hàng không, thậm chí là lấy trộm, phá hoại trang thiết bị cảng hàng không.

Còn nhiều hành vi khác mà người dân vô tình gây mất an toàn bay, chẳng hạn: thả diều quanh sân bay, đốt rơm rạ, đốt rác.

Bản thân ông Nguyễn Phước Thắng, đại diện Cục Hàng không Việt Nam từng chứng kiến nhiều hành vi đe dọa an toàn bay. Các hành vi này có thể do nguyên nhân khách quan và chủ quan.

“Tôi còn nhớ một nhóm thanh niên trèo vào khu vực cảng hàng không đá bóng và bị nhân viên an ninh đuổi ra. Mấy thanh niên này đã ấm ức, trả thù bằng cách đập mảnh chai, đem rải lên đường băng. Rất may hành vi trên đã được phát hiện kịp thời”, ông Thắng kể.

Hay hành vi đe dọa an toàn bay đến từ chính nhân viên trong sân bay. Các hành vi tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng nếu bị bỏ qua có thể gây hậu quả vô cùng lớn: thỉnh thoảng kiểm tra vẫn phát hiện đầu lọc thuốc lá trong khu vực sân bay.

Gần nhất là sự cố trưa 20/11/2014, nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất đều không hạ cánh được vì hệ thống radar mất tín hiệu.

Sự cố mất tín hiệu radar xảy ra từ khoảng 11h đến 12h25 tại khu vực kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất do lỗi của con người.

Từ đó, ông Thắng khẳng định, đối với hàng không, không có khái niệm giảm thiểu tai nạn, bởi một vụ tai nạn đã là quá nhiều!

Theo các đại biểu tại buổi tọa đàm, hơn bao giờ hết ngành hàng không Việt Nam phải nhanh chóng hoàn thiện quy chế, chính sách về an toàn hàng không, cũng như các chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Thanh Huyền