- Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định cần thiết phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 29/4, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, dù có nhiều ý kiến bình luận trên truyền thông về việc không nên đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhưng để cân nhắc, lựa chọn thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục như tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương thì đó là việc cần thiết.

{keywords}

"Có nhiều ý kiến nói là chúng ta chưa có triết lý đổi mới giáo dục, nhưng tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của đổi mới giáo dục thể hiện trong Nghị quyết 29, thể hiện truyền thống, tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông trong phát triển, làm giáo dục và cập nhật thời đại theo quan điểm của chúng ta" - ông Luận nói.

Trả lời câu hỏi "có cần thiết phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa không", Bộ trưởng Luận khẳng định: "Đây là việc cần thiết".

Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay, Nghị quyết 29 xác định chuyển nền giáo dục hiện nay đang chú trọng từ truyền thụ kiến thức một chiều sang một nền giáo dục chú trọng hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Theo Bộ trưởng Luận, để đạt mục tiêu chuyển đổi đó thì phải thay đổi. Từ thầy, trò, cán bộ quản lý, chương trình, sách giáo khoa, cách học, cách dạy, cách thi cử đều phải thay đổi.

"Chúng ta sẽ thay việc thiết kế các môn học theo vòng tròn đường tâm nhau giờ toán lý hóa văn sử địa, các lĩnh vực khoa học, ngoài cuộc sống có thế nào thì các kiến thức trong nhà trường cũng làm như vậy.

Kiến thức nhân loại bùng nổ tăng, làm chương trình quá tải, phải thay đổi cách đó bằng cách khác, thiết kế khối lượng kiến thức nhằm vào việc hình thành các chức năng, phẩm chất của học sinh, theo hướng các môn học chương trình học ở cấp dưới sẽ tích hợp cao. Phân hóa và tự chọn mạnh và sâu ở bậc học lớp học trên. Muốn làm được chả có cách nào khác phải thay đổi chương trình và sách giáo khoa" - ông Luận nói.

Bộ trưởng Luận cũng cho hay, việc hoãn trình dự thảo Nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa xuất phát từ yêu cầu của UB TVQH muốn đề án được hoàn thiện chi tiết, cụ thể, trong đó có cả kinh phí thực hiện, tiến độ thời gian.

Ông cũng tái khẳng định con số kinh phí ước tính thực hiện hơn 34 nghìn tỉ đồng không phải là con số tính toán chính thức của Bộ, chỉ là con số tham khảo của các chuyên gia nghiên cứu khi đề xuất nghiên cứu nội dung khác nhau của vấn đề đổi mới giáo dục.

Ông Luận cũng khẳng định việc "khái toán" kinh phí thực hiện sẽ được cân đối.

"Nếu đưa ra giải pháp hay đòi hỏi nhiều kinh phí nhưng không có tiền thì không làm được, không thực tiễn. Đến thời điểm này chưa có con số nào cả. Chúng tôi đang làm..." - Bộ trưởng Luận nói.

Linh Thư