- ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, chỉ có Bộ Chính trị mới giải đáp và đưa ra các quyết sách để tấn công loại “tội phạm” chạy chức, chạy quyền.

Phát biểu tại phiên họp QH sáng nay xung quanh báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng, Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu 2 trăn trở lớn là tinh giản biên chế và nạn chạy chức chạy quyền.

Tinh giản biên chế

“Vì sao bộ máy nhà nước, biên chế kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước chẳng giảm mà lại phình ra”, ĐB Đương đặt câu hỏi.

Theo ông, hiện mỗi năm ngân sách chi lương thường xuyên hết gần 400.000 tỷ, nếu chi đủ thì hết 1 triệu tỷ, bằng ngân sách thu cả năm của đất nước.

“Ăn hết thì lấy đâu ra đầu tư phát triển”, ông lo lắng.

XEM CLIP ĐẠI BIỂU ĐỖ VĂN ĐƯƠNG PHÁT BIỂU:

Lý giải nguyên nhân, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng một phần do sinh ra quá nhiều bộ máy, chỉ tính riêng luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tăng thêm 22.000 biên chế, phần khác do trong tổ chức thực hiện chưa có giám sát chặt chẽ.

ĐB dẫn báo cáo hàng năm của các cơ quan ban ngành địa phương chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, thế thì giảm làm sao, trong khi đó dư luận cứ râm ran 1/3 cán bộ không làm được việc, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.

Ông đề nghị để tinh giản biên chế phải tập trung vào 3 mũi nhọn chính: Bắt buộc phải cắt giảm tổ chức, nhất thể hoá một số chức danh giữa Đảng với chính quyền để nói đi đôi với làm.

"Đừng sợ quyền lực tập trung vào 1 người mà chỉ sợ nói không đi đôi với làm", ông bình luận thêm và nhấn mạnh mũi nhọn khác là giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là các đoàn thể hoạt động từ ngân sách nhà nước bằng cách hợp nhất hoá những phạm vi hoạt động tương tự nhau.

Chạy chức, chạy quyền - bất công lớn

Trăn trở về nạn chạy chức, chạy quyền, ĐB Đương nói điều này đang tạo ra bất công rất lớn trong xã hội.

“Vì sao người ta thích chạy, vì sao người ta chạy được? Đây là câu hỏi rất lớn trong nhiều nhiệm kỳ qua nhưng cử tri cả nước đến nay vẫn chưa có câu trả lời... Cuộc đời này còn nhiều cô Tấm lắm, trong sáng lắm, nhưng mà diễn viên Công Lý từng nói người trong sạch thì giống như nước trong không có cá, người trong sạch không ai chơi, bị coi quan hệ kém”, ĐB Đương ví von.

Ông đề nghị phải nhìn nhận, đánh giá lại có hay không việc chạy chức chạy quyền, có chuyện mua bán xong rồi đi vơ vét để bù chi phí.

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương: Phải có quyết sách tấn công tội phạm chạy chức chạy quyền. Ảnh: Hoàng Long

“Cứ nói là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhưng cũng phải làm vì nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ. Một cơ thể nhiều virus như thế, xâm hại chính thể như thế mà lại không có thuốc chữa. Nếu có thuốc phải bắt uống chứ họ không tự uống đâu”, ĐB nhấn mạnh.

ĐB cho rằng, chỉ có Bộ Chính trị mới giải đáp được câu hỏi này và chính Bộ Chính trị sẽ đưa ra các quyết sách để tấn công loại “tội phạm” này, tránh để cử tri nói rằng: “Các ông nói nhiều quá mà chẳng xoay chuyển tình hình”.

Ông bày tỏ tiếc nuối khi bộ luật Hình sự không đưa tội mua bán chức quyền điều chỉnh và đề xuất, phải có đánh giá đạo đức cán bộ vì đây là yếu tố hàng đầu.

"Đối với công chức, phải có sản phẩm, phải có cống hiến, đừng cao bằng. Đánh giá xong rồi đừng để những người công vụ tốt bị bỏ rơi giống như bắn hết chim rồi thì vứt cung tên đi", ông nói.

Thúy Hạnh - Duy Tiến - nguồn clip: VTV