Thiếu úy Đào Văn Long, sinh ngày 27/12/1998, là phi công Phi đội 1, Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân. Anh là 1 trong 2 phi công đã hy sinh trong vụ máy bay rơi tại chân đập Suối Dầu (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Anh mất trên đường đi cấp cứu.

2 ngày nay tại quê nhà thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội), họ hàng, bạn bè và hàng xóm tập trung rất đông tại nhà Thiếu úy Long.

{keywords}
Thiếu úy Đào Văn Long (bên trái) trong một lần nhảy dù

Học giỏi từ bé 

Sự ra đi bất ngờ của Thiếu úy Đào Văn Long khiến người thân trong gia đình đau xót. Họ luôn hy vọng đây chỉ là sự hiểu nhầm đáng tiếc, rồi ngày mai, chàng phi công lại trở về trong vòng tay gia đình, thực hiện những ước mơ dang dở.

Thiếu úy Long là con cả trong gia đình có 2 anh em. Chàng trai 21 tuổi được nhận xét là người hiền lành, sống tình cảm. Từ nhỏ, anh có tiếng học giỏi. Hàng xóm cho biết, bố mẹ Long đều làm nông, gia đình không khá giả gì nhưng vẫn nuôi 2 cậu con trai ăn học đến nơi đến chốn.

Bà Hoàng Thị Bảy (46 tuổi, mẹ Long) khóc đã cạn nước mắt, giọng bà lạc đi đến mức phải ngồi thật gần mới nghe rõ bà đang nói gì. Mỗi lần nhắc về con trai bà đều tự hào, gia đình bên ngoại có các bác làm phi công đã nghỉ hưu, trong nhà treo rất nhiều ảnh. Long từ khi còn bé đã hay sang chơi, nhìn thấy máy bay, các bác ngồi lái và bắt đầu đam mê, yêu thích từ đó.

{keywords}
Bà Hoàng Thị Bảy, mẹ của Thiếu úy Long

"Cháu về nói với tôi là con sẽ đi lính phòng không, thời đó, thấy cháu rất đam mê nên chúng tôi để cho cháu tự lựa chọn", bà Bảy tâm sự. Đến năm 2016, Long đăng ký thi và được 23,5 điểm, đỗ Trường Sĩ quan Không quân.

Những ngày đầu con trai ở xa, bà Bảy rất lo lắng, 6 tháng huấn luyện bay khó khăn vất vả, ngày nào Long cũng gọi điện về tâm sự với mẹ. Có những lần học hành căng thẳng, Long sút mất vài ký khiến bà lo con không trụ được, nhưng Long hứa quyết tâm bà lại yên lòng.

Chỉ sau 2 năm, Long được nhà trường kết nạp Đảng với thành tích học tập và rèn luyện tốt, rồi giấy khen nhà trường tặng cũng được Long mang về làm quà cho gia đình.

{keywords}
Thiếu úy Đào Văn Long (thứ 4 từ trái sang) cùng đồng đội trong ngày kết nạp Đảng

Bà Bảy kể, tính đến hôm hy sinh thì Long đã có 6 tuần bay, ngày con được bay lần đầu tiên bà không sao quên được. "Hôm nay con báo cho mẹ một tin mừng. Cuối cùng ước mơ của con đã thành sự thật. Con được thầy cho bay chuyến đầu tiên. Nghe con nói mà tôi vui khóc luôn". 

Trong gia đình, mẹ chính là người mà phi công Đào Văn Long hay tâm sự nhất. Từ khi đi học xa nhà, ngày 2 lần, trưa nhắn tin, tối gọi điện, ngày nào cũng như thế, hôm nay được ăn gì, anh em bạn bè trong trường tập luyện, vui chơi thế nào Long đều kể cho mẹ nghe. Ngay cả chuyện tập luyện vất vả, sợ bạn gái than phiền cậu cũng tâm sự nhờ mẹ tư vấn.

Lần cuối cùng bà Bảy được nói chuyện với con là trưa hôm thứ 5, với nội dung: "Mẹ ơi, hôm nay con bay với Chính ủy, con làm hơi sai 1 tí, thầy bảo con sửa và con đã sửa được mẹ ạ". Những lúc như thế bà Bảy cũng chỉ biết động viên con cố gắng vượt qua.

{keywords}
Đào Văn Long ra đi khi tuổi còn quá trẻ

Tích cóp tiền phụ cấp mua quà tặng mẹ

Bà Bảy kể, ngày 8/3 vừa rồi, Long gọi điện về thủ thỉ: "Con có ít tiền phụ cấp tích cóp được 2 triệu, con gửi vào tài khoản chị họ nhờ mua một dây chuyền nho nhỏ tặng mẹ. Chiếc dây chuyền đó 5,5 triệu, con chỉ có một ít góp vào tặng mẹ. Đây là quà của con trai mẹ", bà Bảy bùi ngùi kể lại.

Món quà của con đối với bà đã là quá lớn, đến nỗi bà không dám đeo mà cất kỹ càng.

Ngày Long hy sinh, cả gia đình bà Bảy đều có nhà, mới ăn cơm xong chuẩn bị đi nghỉ trưa thì bà nhận được cuộc gọi lạ.

{keywords}
 

"Đầu dây bên kia hỏi có phải số điện thoại của gia đình cháu Long không, tôi thưa, dạ đúng rồi, ai đấy. Lúc này thầy mới nói là trong trường ở Nha Trang gọi ra báo tin, gia đình hết sức bình tĩnh''.

Nghe thầy nói đến "bình tĩnh", chân tay bà bủn rủn, đứng không vững. Bà cố gượng: "Thầy cứ nói đi", thì thầy thông báo cháu Long mới hy sinh.

Bà ngã quỵ xuống, khóc như mưa rồi nói cho chồng. "Chồng tôi không nói năng gì, chạy một mạch sang nhà bà nội ở bên cạnh gào khóc mẹ ơi, thằng Long nó chết rồi, cả nhà chúng tôi òa khóc".

Ông Đào Văn Nam (bố của phi công Long) cùng 5 người họ hàng đã bay vào Nha Trang để tổ chức tang lễ cho con. Em Đào Văn Tuyền (17 tuổi, em trai Long) mấy ngày nay tất bật lo hậu sự cho anh trai.

Tuyền là người ít nói, dù không nói ra, nhưng em rất thương anh, Tuyền chia sẻ: "Em sẽ trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, em sẽ thay anh chăm sóc tốt cho bố mẹ''. Học theo anh, Tuyền có ước mơ muốn trở thành một chiến sĩ lục quân, muốn ở gần bố mẹ để có thể chăm sóc thay anh. 

{keywords}
Người thân của phi công đau buồn trước sự ra đi của anh
{keywords}
 
{keywords}
Em Đào Văn Tuyền thắp hương cho anh trai
{keywords}
Người thân, họ hàng đến chia buồn cùng gia đình
{keywords}
Thiếu tá Lê Xuân Trường (trái) và Thiếu úy Đào Văn Long

 

Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Trường Sĩ quan Không quân và gia đình cho biết lễ viếng 2 phi công hy sinh trong vụ máy bay rơi sẽ được tổ chức từ 9-11h hôm nay tại nhà tang lễ bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa (số 19, đường Yersin, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang).

Lễ truy điệu và đưa tang hồi 11h20 cùng ngày; hỏa táng tại nhà hỏa táng phía Bắc (xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang); an táng tại nghĩa trang quê nhà, hồi 15h30 ngày mai.

Phi công hy sinh tại Khánh Hòa mạnh mẽ như hổ, thích cảm giác mạnh

Phi công hy sinh tại Khánh Hòa mạnh mẽ như hổ, thích cảm giác mạnh

Trong mắt người thân, Lê Xuân Trường - Đại úy phi công hy sinh trong vụ rơi máy bay hôm qua ở Khánh Hòa mãi là người mạnh mẽ và tình cảm.

Mộc Miên - Ảnh: Gia đinh cung cấp