Phó giám đốc sản xuất công ty Gốm sứ Thanh Hà (ở Phú Thọ) Trần Trung Thành xác nhận, dầu thải đã được đưa ra khỏi nhà máy nhưng không biết Lý Đình Vũ - người mới đầu thú trong vụ việc - là ai.

"Chúng tôi không hề biết việc Vũ lấy dầu thải cũng như không hề có giao kết hợp đồng với Vũ. Chúng tôi chỉ có giao kết hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực để xử lý dầu thải.

Không có ai ký lệnh xuất dầu thải ra bên ngoài cho Vũ và đồng phạm. Việc xuất dầu thải này là hoàn toàn trái quy định của công ty" - ông Thành khẳng định. 

{keywords}
Công ty gốm sứ Thanh Hà thừa nhận dầu thải mang ra từ nhà máy 

Theo ông, sáng 7/10, có 2 đối tượng thuê xe tới nhà máy bơm dầu thải từ nhà máy về để xử lý. Tổng trữ lượng khoảng 900 lít.

"Từ khi xảy ra sự việc, Vũ chưa hề xuất hiện tại nhà máy" - ông Thành nói.

Sáng 14/10, khi báo chí đưa tin sự việc nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, có mùi dầu, công ty sứ Thanh Hà vẫn chưa nghĩ sự việc liên quan đến họ.

Về việc tồn đọng trong bể chứa dầu thải khối lượng lên tới gần 900 lít, ông Thành giải thích, từ tháng 7 đến nay, công ty vận hành dây chuyền sản xuất mới, máy móc chạy thử rốt-đa nên lượng dầu thải tích trữ nhiều hơn so với thời điểm trước.

Trước đó, trung bình mỗi tháng, đơn vị này tích trữ 20 - 40 lít dầu thải. 

{keywords}
Dầu thải do nhóm đối tượng Lý Đình Vũ đổ trộm gây ô nhiễm nước đầu nguồn

“Do tình hình tiêu thụ khó khăn nên chúng tôi sử dụng dầu chiết suất từ cao su để vận hành máy.

Dầu cao su có mùi khét nhưng chi phí thấp. Chúng tôi có sai sót là phòng vật tư đã không kiểm soát đầu ra của dầu thải mang ra khỏi nhà máy.

Ngoài ra, sứ Thanh Hà không biết việc Vũ cùng 2 đối tượng khác đưa xe dầu lòng vòng về mãi Hưng Yên, sau đó mang lên Kỳ Sơn để đổ trộm dẫn tới sự việc ngày hôm nay” - ông Thành thông tin.

"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

“Chúng tôi đã cử người của công ty xuống điểm đổ thải của nhóm Vũ dưới Kỳ Sơn, phối hợp với cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm khi tự ý xuất dầu thải không được sự cho phép của công ty", Phó giám đốc công ty CP Gốm sứ Thanh Hà thông tin.

Cũng theo ông Trần Trung Thành, sáng 21/10, công ty đã phát thông cáo báo chí về sự việc liên quan. Đơn vị này khẳng định "không liên quan tới hành vi xả thải dầu xuống đầu nguồn nhà máy nước sông Đà" của nhóm Lý ĐìnhVũ; "hoàn toàn không biết và không tham dự vào việc Vũ và đồng phạm mang dầu thải đi đâu và xử lý thế nào".

“Trước mắt, gốm sứ Thanh Hà tự nguyện đóng góp số tiền 500 triệu đồng để cùng với các cơ quan chức năng xử lý hậu quả của sự cố đổ trộm dầu thải ra môi trường của nhóm 3 đối liên quan” - Phó giám đốc công ty nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT công ty này là Nguyễn Đức Truyền lại khẳng định mình là người duy nhất phát ngôn và chỉ làm việc trực tiếp, "không có bất cứ thông cáo hay số tiền ủng hộ nào như thông tin đã đưa".

Cũng trong ngày hôm qua, trả lời VietNamNet, 2 vị này có những phát ngôn trái ngược.

Theo ông Truyền, có việc mua bán dầu thải giữa các đối tượng. Trong đó, người bán dầu thải cho Lý Đình Vũ là nhân viên thủ kho của công ty tên là Trần Thành Trung.

Trong khi đó, Phó giám đốc Thành lại cho rằng có đối tượng mang xe tải vào nhà máy hút dầu đi đổ trộm. 

Ông Thành khẳng định công ty CP Gốm sứ Thanh Hà không có ai tên Trang là trợ lý Tổng giám đốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Truyền lại cung cấp cho VietnNamNet biên bản kiểm tra của đoàn công tác Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an ghi chép bà Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1988, là trợ lý Giám đốc) nhận được cuộc gọi của Lý, đề xuất tiếp nhận, xử lý, tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được bà Trang đồng ý.

Vụ ô nhiễm nước sạch sông Đà, con gái Chủ tịch công ty gốm sứ gặp công an

Vụ ô nhiễm nước sạch sông Đà, con gái Chủ tịch công ty gốm sứ gặp công an

Con gái Chủ tịch HĐQT công ty CP Gốm sứ Thanh Hà là Nguyễn Thị Huyền Trang đang làm việc với công an Hòa Bình liên quan vụ đổ dầu thải.

Thái Bình