Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng bố trí tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 52/QĐ ngày 14/1/2015.

Địa điểm này thuộc ranh giới phía Tây của thành phố Vinh (nằm ngoài tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc quy hoạch).

UBND tỉnh Nghệ An có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 3672/QĐ-UBND, ngày 17/8/2017 cho phép Công ty TNHH Phúc Lạc Viên – Đài hóa thân hoàn vũ Nghệ An làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư là 465,314 tỷ đồng, chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được các cấp phê duyệt.

Đây là dự án được đánh giá là rất quan trọng, phục vụ nhu cầu dân sinh.

{keywords}
Bản vẽ quy hoạch chi tiết Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng nằm trên dãy núi Đại Huệ

Tổng diện tích khu đất quy hoạch xây dựng 78,47 ha, với 47.900 mộ phần. Hình thức an táng 1 lần (từ 5-10%); hung táng (từ 10-15%); khu di chuyển và quy tập (10-15%); Cát táng (từ 60-75%) và hỏa táng (từ 3-5%). Khu tâm linh được bố trí tại 4 vị trí, tổng diện tích 1,04 ha.

Thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, dự án được quy hoạch lắp đặt 6 lò hỏa táng công nghệ Châu Âu, sản phẩm của Công ty TABO. Trước mắt, 2 lò hỏa táng sẽ được xây dựng, lắp đặt.

Chưa đảm bảo khoảng cách nhà dân?

Anh Nguyễn Thái Tâm (SN 1974), xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây cho biết, theo Bộ Xây dựng, cự ly xây dựng nghĩa trang đang quy hoạch chưa đảm bảo khoảng cách an toàn.

“Có 3 đơn vị về làm rồi lại bỏ đi. Vùng đất này làm nghĩa trang thì rất đẹp nhưng chưa đủ điều kiện khoảng cách đảm bảo môi trường. Khu vực nghĩa trang nằm ở trên nguồn gió và đầu nguồn nước của dãy núi Đại Huệ” - anh Tâm nói.

Còn ông Phan Văn Khương, người dân ở xóm Phúc Điền (xã Hưng Tây) cho biết, theo tiêu chuẩn quốc gia 7956:2008/Bộ Xây dựng, khoảng cách nhỏ nhất phải đạt từ bờ rào nghĩa trang đến nhà dân là 1.500m.

Tuy nhiên, thực tế đo đạc của người dân có sự chứng kiến của Sở Xây dựng thống nhất từ hộ nhà ông Lịch, ông Toàn, ông Tiến, ông Hùng… chỉ đạt từ 378m đến 779m/1.500m quy định.

{keywords}
Anh Nguyễn Thái Tâm (áo đỏ phải), ông Phan Văn Khương (thứ 2 ảnh phải) và những người dân ở xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên trao đổi với PV VietNamNet. Ảnh: Quốc Huy

Cách đập nước Thạch Kèm 698,1m/2.350m theo quy định. Đập nước này sử dụng để tưới tiêu, bằng phương pháp thủ công nước tự chảy về lọc sử dụng hàng ngày.

Nhiều nhiều người dân ở xóm Phúc Điền cùng chung ý kiến với anh Nguyễn Thái Tâm rằng: “Nguyện vọng của người dân nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn đúng khoảng cách với nghĩa trang. Một là di dời dân đi ở chỗ khác thì làm nghĩa trang. Hai là phải di dời nghĩa trang”.

Riêng gia đình anh Tâm có khoảng 5.000m2 đất ruộng, chưa kể đất vườn.

{keywords}
Người dân lập lán có người trông, chưa cho đơn vị vào thi công dự án. Ảnh: Quốc Huy

“Chúng tôi chưa có ý định bàn đến chuyện đền bù giải phóng mặt bằng. Trường hợp thoả thuận di dời dân đi chỗ khác xong mới tính giá cả giải phóng mặt bằng. Hiện tại chỉ mới đền bù thoả đáng cây cối trên đất của dân” - ông Khương và nhiều hộ dân khẳng định.

Ngoài ra, người dân ở xóm Phúc Điền còn thắc mắc chưa có văn bản tham vấn cộng đồng trước khi tổ chức xây dựng nghĩa trang Vĩnh Hằng.

“Nghĩa trang làm gần nhà dân, ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Dân chưa đồng tình về dự án khi cự ly kích thước không đảm bảo” - Trưởng xóm Phúc Điền (xã Hưng Tây) chia sẻ.

Áp dụng quy chuẩn xây dựng nghĩa trang năm 2021

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Hoàng Văn Long – Chủ tịch UBND xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên) cho biết, sau khi UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đối thoại với người dân bị ảnh hưởng trong dự án xây dựng nghĩa trang Vĩnh Hằng, tỉnh đã chỉ đạo lập 2 đoàn công tác làm rõ các ý kiến của người dân.

"Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đã về địa phương làm việc, đối thoại với bà con và tiếp thu các ý kiến. Đồng thời cử 2 đoàn công tác của Sở Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng rà soát lại các ý kiến của bà con nhân dân phản ánh” - ông Hoàng Văn Long, Chủ tịch UBND xã Hưng Tây thông tin.

Thông tin từ Phòng TN&MT huyện Hưng Nguyên cho biết, khoảng cách an toàn về môi trường của nghĩa trang được áp dụng theo Thông tư số 01 Bộ Xây dựng ra ngày 19/5/2021, cụ thể như sau.

{keywords}
Thông tư số 01 Bộ Xây dựng ra ngày 19/5/2021 hướng dẫn về khoảng cách an toàn về môi trường nghĩa trang. Ảnh: Quốc Huy

Công trình nhà ở tại đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung, được áp dụng khoảng cách với khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng là 1.000m; khu mộ nghĩa trang chôn một lần là 500m; Khu huyệt mộ nghĩa trang cát táng là 100m; Nhà, công trình chứa lò hoả táng và lưu chứa thi hài trước khi hoả táng là 500m…

Như vậy, quy định khoảng cách an toàn về môi trường trong việc xây dựng nghĩa trang Vĩnh Hằng theo tiêu chuẩn trước đó đã không còn được áp dụng. 

Được biết, 2 đoàn công tác liên ngành mà UBND tỉnh Nghệ An thành lập đã xuống xác minh, làm rõ phản ánh của người dân đến cấp xóm, xã, huyện và nhà đầu tư từ năm 2019 cho đến nay.

Ngoài ra, đoàn công tác này còn đánh giá những tác động của các doanh nghiệp đang hoạt động ở khu vực xung quanh nghĩa trang Vĩnh Hằng.

Đây được coi là lần đánh giá kỹ lưỡng, rõ ràng sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân tại xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên) và một phần xã Nam Giang (huyện Nam Đàn).

Thái Nguyên: Chính quyền xin lỗi người dân trước việc nhà thầu phá dỡ mộ liệt sĩ

Thái Nguyên: Chính quyền xin lỗi người dân trước việc nhà thầu phá dỡ mộ liệt sĩ

Chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã xin lỗi thân nhân; chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công công trình cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ xã Úc Kỳ có hành vi san gạt nhiều ngôi mộ liệt sỹ.

Quốc Huy