Theo anh Phạm Văn Hoàng, trú tại xã Sơn Kim 2, vào tiết đầu đông khi nhiệt độ ở vùng núi bắt đầu chuyển từ mát sang lạnh thì đàn ong bắt đầu rời tổ cũ đi tìm nơi ấm hơn để xây tổ mới tránh rét.

{keywords}
Một tổ mồi để dụ ong được thợ săn ong treo nơi cột điện.

Những con ong “sứ” sẽ chọn ngày trời nắng để tách đàn đi tìm nơi xây tổ trú đông cho cả đàn. Lúc này thợ săn ong sẽ mang theo đồ nghề gồm những cái chang (tổ mồi) và một cây vợt được làm bằng vải màn có nối cán dài.

Tổ mồi là một khúc gỗ cong, thường bằng gỗ mít, được khoan đục rỗng ở giữa, hai đầu bịt kín và khoét một cái lỗ nhỏ ở giữa để dụ ong “sứ” vào.

Để biết được “sứ giả” của rừng xanh đang ở khu vực nào, những thợ săn ong không chỉ biết căng mắt để nhìn mà còn phải căng tai để nghe “tiếng nhạc” bay vo vo của ong.

Khi phát hiện ong "sứ", thợ săn ong sẽ đặt những tổ mồi lên các cành cây, tảng đá và cả cột điện để nhử ong vào. Có khi hàng chục tổ mồi được đặt lên, ong “sứ” sẽ tự thăm dò và lựa chọn để xây tổ.

{keywords}
Một người thợ bắt bỏ ong "sứ" vào tổ mồi.

Nếu ong “sứ” không chịu vào người săn ong sẽ nhanh chóng dùng vợt để bắt. Sau đó, khéo léo cho ong "sứ" vào các tổ ong mồi và bịt kín nhốt khoảng 3 phút sau rồi mở cửa.

{keywords}
Tổ mồi có thể được treo bất kì nơi đâu tại khu vực thợ săn nhận định ong sẽ về.

Sau khi “nếm thử” ống mồi, nếu thấy đây là nơi lý tưởng để xây tổ thì ong "sứ" sẽ bay đi gọi đàn đến, còn không thì bay đi tìm nơi khác.

Để tổ hấp dẫn với ong “sứ” thợ săn ong thường dùng mật ong nguyên chất quệt một ít vào phía trên thành tổ để tạo mùi hấp dẫn.

Anh Đoàn Hùng, một thợ săn ong ở xã Sơn Phú cho biết, thích nhất và hồi hộp nhất là lúc thấy ong “sứ” rời tổ mồi rồi quay trở lại, vì trong hàng chục, có khi lên đến hàng trăm ống ong mồi treo cùng lúc, cùng địa điểm nhưng ong "sứ" chỉ chọn 1 ống để gọi đàn về.

Sau khi đàn ong vào hết trong tổ, người săn ong sẽ dùng lá cây hoặc giấy bịt lỗ lại và đưa cả tổ ong mồi cùng đàn ong trong đó về nhà, bắt đầu một quy trình khác, gọi là san ong.

Từ tổ ong mồi nhỏ gọn, đàn ong sẽ được san sang những tổ khác rộng lớn hơn. Tổ này gọi là tổ nuôi. Thông thường cũng được làm bằng gỗ mít rỗng ruột có hình trụ, dài khoảng 50 cm, hai đầu bịt kín bằng hai mảnh gỗ, có trổ hai cửa ra vào.

Từ đây, đàn ong sẽ bắt đầu quá trình sinh trưởng, làm việc để sau 2 - 3 tháng, qua mùa hoa cho những tổ ong mọng mật.

{keywords}
Đàn ong đã bâu kín tổ mồi của thợ săn.

“Người nào có tổ ong về được coi là may mắn, có thể bán lại cho người khác với giá từ 100.000 đ-500.000 đồng tùy theo đàn ong về trong tổ.

Ông Nguyễn Văn Việt, một người săn ong ở xã Sơn Tây cho biết: “Săn ong mật là một nghề độc đáo, thường diễn ra từ tháng 9 tới tháng 11 hàng năm. Nếu may mắn mỗi ngày săn được vài ba tổ thì cũng đã cho thu nhập cao. Nghề này vui là vì thế, nên khi đã theo là rất khó bỏ”.

Sỹ Thông

Đàn cò vạn con ở Hà Tĩnh, dân canh giữ như báu vật

Đàn cò vạn con ở Hà Tĩnh, dân canh giữ như báu vật

Cả một khu vực đầm Bù rộng hơn 2 héc ta là nơi trú ngụ của hàng vạn con cò suốt hơn 20 năm qua.