Ô nhiễm không khí ở Sài Gòn mức nguy hại?

Hôm nay, lớp mù xuất hiện từ sáng đến trưa đặc kín bao trùm TP.HCM. Các cao ốc tại khu vực trung tâm quận 1, 3, 2, Bình Thạnh… chìm trong lớp mù màu trắng đục.

Ở khoảng cách gần khoảng 1km, tất cả mọi thứ trở nên mù mờ, khó nhìn thấy từ xa; và cảm thấy khó chịu khi thở, cay mắt. Người đi đường bị hạn chế tầm nhìn, nhất là tại khu vực Cát Lái (quận 2).

{keywords}
Bầu trời Sài Gòn khu vực trung tâm mịt mù, các tòa nhà cao tầng bị che khuất bởi lớp màu trắng đục

Cập nhập ứng dụng Air Visual vào lúc 9h, khắp nơi ở TP hiển thị màu đỏ (tức là không khí ô nhiễm có hại cho sức khỏe). Thậm chí, có những khu vực ở Long Phước, quận 9 xuất hiện màu tím (mức rất có hại cho sức khỏe) và khu vực Cát Lái (quận 2) xuất hiện màu nâu với chỉ số ô nhiễm bụi mịn pm2.5 lên tới 322 (mức nguy hại).

Đến trưa cùng ngày, ứng dụng Air Visual vẫn cập nhật chỉ số khắp TP vẫn hiển thị màu đỏ thể hiện không khí ô nhiễm có hại cho sức khỏe. Nhiều nơi trung tâm TP vẫn còn xuất hiện lớp mù kín đặc. 

{keywords}
Ứng dụng AirVisual  thời điểm 9h sáng cập nhật chỉ số ô nhiễm không khí mức báo động nguy hại

 

Lý giải về nguyên nhân lớp mù kín đặc, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, TP.HCM và Nam Bộ bắt đầu vào mùa khô. Những ngày qua tại TP không có mưa nên hiện tượng mù này chính là mù khô.

Mật độ chất ô nhiễm, chất lơ lửng trong không khí quá nhiều kết hợp với hơi nước hỗn hợp đã tạo ra lớp mù khô.

“Để biết chất ô nhiễm này từ đâu ra thì quá dễ dàng bởi TP.HCM là một thành phố lớn. Do đó, các hoạt động giao thông phát sinh khí thải, các công trình xây dựng, hoạt động tại các khu công nghiệp… chính là nguyên nhân”- bà Lan cho hay.

{keywords}
 Tòa nhà Landmark 81 thường xuyên bị mù che khuất

Cũng theo bà, thời gian qua tình trạng mù xảy ra ngày càng thường xuyên, dù lúc nhiều lúc ít. Những nơi có điều kiện thuận lợi như nhiều ao hồ, mặt nước kênh rạch, tình trạng mù nặng hơn do có nhiều độ ẩm. Chẳng hạn như tòa nhà Landmark 81 thường xuyên bị mù che khuất vì gần sông Sài Gòn.

App ngoại ‘bung’ ô nhiễm không đáng tin cậy

Cùng ngày, trả lời VietNamNet, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên  môi trường - Sở TN-MT TP cho biết, không có ý kiến việc các app nước ngoài đăng tải thông tin các chỉ số ô nhiễm không khí trên.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Quan trắc nhận định, căn cứ vào nội dung thông tin app cập nhật các chỉ số lên xuống liên tục như thế thì rõ ràng không có cơ sở căn cứ.

{keywords}
Nhà cao tầng khu vực quận 2 cũng mờ ảo dưới lớp mù trắng đục

"Mấy tiếng mà lên xuống dập dìu như thế thì bản thân mình thấy về mặt kỹ thuật là không hợp lý. Đây là bụi mịn nên đâu phải lúc thì nhào lên, lúc thì nhào xuống như vậy. Hơn nữa, trang nước ngoài, người ta đưa các thiết bị mà nó không có gì gọi là mang hàm lượng kỹ thuật.

Người ta đưa vô thiết bị cầm tay mà đo bụi mịn, bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy được thì liệu rằng việc đó có chính xác hay không?"- ông Sơn hoài nghi tính chính xác.

Theo ông, muốn biết hàm lượng ô nhiễm không khí như thế nào thì phải qua các thiết bị, lấy mẫu, phân tích. Hoặc tự động liên tục 24h thì hiện nay phải áp dụng theo quy chuẩn của Việt Nam, mà thực chất hiện nay các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam đều lấy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, G7…

{keywords}
Lớp mù trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1) giữa trưa, người dân phải đeo khẩu trang khi di chuyển trên đường

“App bung lên ngưỡng tím, ngưỡng đỏ, ngưỡng xanh… rồi chúng ta căn cứ vào đó để nói là ô nhiễm không khí thì không chính xác" - ông Sơn quả quyết.

Ông Sơn cũng cho rằng, những giải pháp của thành phố đưa ra đánh giá, đo đạc, lấy mẫu là hoàn toàn có cơ sở khoa học, có quy định rõ ràng và thực hiện đúng theo các quy định và kết quả đã có thông tin, thông báo trên bảng điện tử.

Mặc dù, việc thông tin này trễ, chậm nhưng kết quả diễn biến suốt các quy chuẩn nằm trong quy chuẩn cho phép của 05 Việt Nam. 

Trước đó, liên tiếp nhiều ngày trong tháng 9, TP HCM cũng xảy ra hiện tượng mù do ô nhiễm không khí. Nguyên nhân đến từ 3 nguồn: hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng.

Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi thành phố đang có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe... nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn.

Hiện, TP.HCM thực hiện các phương pháp quan trắc chất lượng không khí theo phương pháp thủ công gián đoạn. Các phương pháp lấy mẫu, phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm chủ yếu theo quy chuẩn của nước ngoài, độ chính xác cao nhưng không thể có ngay tức thời. Dự kiến năm 2020 thành phố xây dựng 9 trạm quan trắc tự động. Đến năm 2030 sẽ hoàn chỉnh hệ thống quan trắc với 18 trạm quan trắc cố định và 1 di động nhằm dự báo, thông tin kịp thời các chỉ số môi trường đến người dân TP.

 

Sương mù kín đặc 'vây' Sài Gòn, báo động ô nhiễm ở mức nguy hiểm

Sương mù kín đặc 'vây' Sài Gòn, báo động ô nhiễm ở mức nguy hiểm

 Suốt buổi sáng đến trưa nay, khắp nơi ở Sài Gòn mịt mù trong màu trắng đục.

Tuấn Kiệt