Bụi lò thép phát sinh trong quá trình luyện thép được xác định là chất thải nguy hại theo tiêu chuẩn của Bộ TN&MT vì chứa nhiều kim loại nguy hiểm, trong đó có sắt, kẽm, chì...

Theo quy định tại Nghị định số 38/2015 của Chính phủ và thông tư số 36/2015 của Bộ TN&MT, bụi lò phát sinh từ quá trình luyện gang, thép là chất thải nguy hại phải được quản lý đúng quy trình kỹ thuật theo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của VietNamNet, tại bãi tập kết bụi lò của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, hàng nghìn tấn bụi lò vẫn tập kết lộ thiên giữa trung tâm của tỉnh. Thực trạng này diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được chủ nguồn thải xử lý dứt điểm.

{keywords}
Bãi chất thải hàng nghìn tấn bụi lò không được che chắn tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên

Từ trên cao nhìn xuống, bãi thải bụi lò của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên kéo dài hàng chục mét, chất cao khoảng 2m.

Vị trí bãi chất thải nguy hại này nằm gần trục đường Cách Mạng Tháng Tám (trục chính của TP Thái Nguyên) và nằm gần trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 20-07D (phường Cam Giá). Hình ảnh PV ghi lại ngày 22/2 tại Nhà máy luyện thép Lưu Xá (chi nhánh thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) tại đây, hàng nghìn tấn bụi lò sau quá trình luyện thép được tập kết lộ thiên, không hề được che chắn. 

Đáng chú ý, ngay gần núi chất thải bụi lò xuất hiện các vũng nước thải nổi váng có màu xanh, vàng tích tụ trên bề mặt diện tích rộng cả trăm m2. 

Đem thực trạng trên phản ánh với ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Cam Giá, vị này khá bất ngờ và cho biết "phường chỉ quản lý về mặt hành chính, còn các hoạt động bên trong thì PV phải đến hỏi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên".

{keywords}
Vũng nước thải rộng cả trăm m2 nổi váng màu xanh, vàng gần bãi sỉ và bụi lò

"Có phủ bạt nhưng bị mưa gió, phong hóa"

TGĐ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên Nguyễn Minh Hạnh xác nhận với VietNamNet, đơn vị đang triển khai các giải pháp để xử lý dứt điểm số bụi lò sau luyện thép mà phóng viên phản ánh.

Theo ông Hạnh, thông thường, bụi lò sau luyện thép sẽ còn hàm lượng kẽm cao nên nhiều đơn vị mua về để tách lấy kẽm, tuy nhiên bụi lò của công ty thì ngược lại, hàm lượng kẽm không nhiều nên buộc phải thuê đơn vị đủ điều kiện xử lý.

Đại diện Công ty CP Gang thép Thái Nguyên xác định, số bụi lò còn tồn đọng sau nhiều năm là khoảng hơn 10.000 tấn, tập kết trong khuôn viên của công ty. Theo đại diện công ty, số bụi lò này được tích tụ từ “trước năm 2010”. 

{keywords}
Toàn cảnh bãi tập kết bụi lò, sỉ lò sau luyện thép

Trước câu hỏi về việc tại sao bãi chất thải khổng lồ đang tập kết lộ thiên, ông Nguyễn Minh Hạnh nói “công ty có cho che bạt, nhưng do mưa gió, phong hóa, cái đó khó tránh khỏi”. 

Vẫn theo ông Hạnh, mới đây, công ty đã kí hợp đồng với Công ty Kim loại màu Việt Bắc để thuê đơn vị này thu gom, xử lý số bụi lò còn tồn đọng. Giá cả xử lý ước tính khoảng 600.000 đồng/tấn.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, cuối năm 2020, đơn vị này ra quyết định về việc thi công kho bãi chứa bụi lò gồm các hạng mục: bốc xúc lượng bụi lò hiện tại để lấy mặt bằng, xây dựng tường rào, đổ nền bê tông. Thời gian hoàn thành trong quý I năm 2021.

 Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 2/2021, hiện trường bãi bụi lò vẫn ngổn ngang, chưa được thi công bãi chứa theo quyết định nêu trên. Đại diện công ty cho biết, dự kiến kho bãi chứa bụi lò dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý II năm nay.  

Được biết, ông Nguyễn Minh Hạnh, trước khi đảm nhận chức vụ TGĐ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên từng có thời gian dài (2012-2017) đảm nhận chức vụ Gám đốc chi nhánh Nhà máy luyện thép Lưu Xá.

{keywords}
GS.TS. Trịnh Văn Tuyên

Ảnh: Thanh An

GS.TS. Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhấn mạnh, bụi lò sau luyện thép được xác định là chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Ông Tuyên cho rằng, muốn biết trong bụi lò có chứa những thành phần gì thì phải biết nguyên liệu đầu vào.

Cụ thể, để luyện thép bắt buộc phải cho vào lò cao quặng sắt, tiếp đến là vôi, than (than cốc, than thường) và một số chất trợ dung khác. Chính vì vậy, bụi lò và sỉ gang hầu như sẽ chứa những chất mà người ta cho vào lò cao.

Theo ông Tuyên, trong thời điểm chủ nguồn thải chưa xử lí được thì phải bảo quản bụi lò như một loại chất thải nguy hại, do đó, bãi chứa phải đảm bảo quy định về độ thẩm thấu, các lớp lót, bao phủ bao nhiêu để không gây ô nhiễm qua nước mặt, nước ngầm. 

"Việc tập kết bụi lò lộ thiên chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, vì ra môi trường bụi lò sẽ gây ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nước ngầm và ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người", ông Tuyên khẳng định.

Theo ông Tuyên, nếu biết vận dụng, bằng các công thức cụ thể, bụi lò hoàn toàn có thể sử dụng làm các vật liệu xây dựng và từ chất thải nguy hại, nó sẽ trở thành tài nguyên.

"Qua các công đoạn, số bụi lò trên có thể làm vật liệu xây dựng, càng để lâu, thì không những giá trị của bụi lò mất đi mà còn ảnh hưởng đến môi trường", GS.TS. Trịnh Văn Tuyên nêu.

Đoàn Bổng 

Chưa xong giấy phép, mỏ than Phấn Mễ vẫn tiến hành khai thác

Chưa xong giấy phép, mỏ than Phấn Mễ vẫn tiến hành khai thác

Một khối lượng lớn than mỗi ngày vẫn rời khỏi mỏ than Phấn Mễ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) dù đã hết thời hạn khai thác.