XEM VIDEO:

Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam đóng tại xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai nhiều năm liền gây mùi hôi, phát tán ra khu vực dân cư khiến người dân vô cùng khổ sở, nhiều người phải bán nhà chuyển đi nơi khác sống.

Công ty này chuyên sản xuất men vi sinh, nằm sát lòng hồ Trị An, có 2 nhà máy cách nhau khoảng 1km, một nơi dùng để sản xuất, một nơi để xử lý men hóa chất trước khi thải ra lòng hồ.

Theo bà Lê Thị Tình (SN 1958, ngụ ấp 4, xã La Ngà), công ty này bắt đầu hoạt động từ năm 2000, cũng từ đây hàng nghìn người dân ăn không ngon, ngủ không yên. 

{keywords}
Khu vực bể chứa nước thải gây ô nhiễm  

Suốt nhiều năm, từ bên trong công ty phát ra mùi hôi thối rất khó chịu, ban đầu chỉ có mùi thoang thoảng, sau đó bắt đầu đậm đặc hơn, khi hít phải này thì thấy khó thở, đau đầu, choáng váng. 

Ông Bùi Văn Tý, sống cách công ty khoảng 500 mét, kể cứ mỗi lần có cơn gió là mùi hôi xộc thẳng vào nhà, có những thời điểm cả nhà ăn cơm hay đi ngủ cũng phải bịt khẩu trang.

Đến năm 2011, do quá bức xúc trước việc công ty xả mùi hôi nên hàng trăm người dân đã tập trung trước cổng nhà máy để phản đối. Sự việc căng thẳng đến mức chính quyền tỉnh Đồng Nai phải vào cuộc giải quyết, sau đó buộc công ty tạm ngưng sản xuất trong 3 tháng để khắc phục. Đến đầu năm 2012, công ty AB Mauri được phép hoạt động trở lại. 

{keywords}
Dân treo biển bán nhà dọn đi nơi khác sống vì ô nhiễm mùi hôi 

Người dân khu vực này khẳng định, quá trình phát tán mùi hôi kéo dài nhiều năm nay, trong đó nặng mùi nhất là từ giữa năm 2018 tới nay.

Đỉnh điểm của sự việc này diễn ra vào ngày 17/4 khi mùi hôi nồng nặc bốc ra từ trong công ty khiến người dân khó thở, đau đầu, choáng váng.

Sau khi báo VietNamNet phản ánh sự việc, Sở TN&MT Đồng Nai đã yêu cầu công ty tạm ngưng sản xuất để làm rõ nguyên nhân phát tán mùi hôi.

Phía công ty AB Mauri thừa nhận, sự cố xảy ra mùi hôi vào ngày 17/4 là có thật. Nguyên nhân được cho là lỗi vận hành của công nhân không đúng kỹ thuật, không liên quan đến dây chuyền sản xuất cũng như hệ thống xử lý nước thải, công ty này cũng đề xuất khắc phục sự cố trong vòng 7 ngày. 

{keywords}
Công ty Mauri Việt Nam bị tạm ngừng hoạt động sản xuất để khắc phục sự cố 

Sau gần 20 ngày ngưng sản xuất, đến ngày 7/5, công ty này được phép hoạt động trở lại với công suất bằng 1/3 trước đây.

Liên quan đến việc phát sinh mùi hôi, nhiều người dân tại ấp 4, xã La Ngà cho rằng lí do công ty đưa ra không thuyết phục, có dấu hiệu ngụy biện.

Bà Lê Thị Tình cho rằng, mùi hôi phát sinh từ phía công ty nhiều năm liền, diễn ra vào nhiều thời điểm trong ngày, trong khi công ty lại đưa ra lí do sự cố vận hành của công nhân trong ngày 17/4 là không thuyết phục.

Tham quan dây chuyền thành... họp tham vấn cộng đồng? 

Sau khi hoạt động trở lại, công ty AB Mauri lại bị người dân tố vì có dấu hiệu gian dối, lừa dân ký xác nhận tham dự buổi họp tham vấn cộng đồng dân cư, trong khi họ không được biết trước.  

{keywords}
Danh sách tham dự buổi tham vấn cộng đồng có chữ ký của người dân. Tuy nhiên nhiều người khẳng định họ được mời tham quan nhà máy và ký ở cổng ra vào vì lý do an ninh   

Cụ thể, đầu tháng 1/2019, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho AB Mauri nâng công suất từ 5.000 tấn lên 6.000 tấn/năm dựa trên bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty này. Trong đó, nội dung quan trọng là tham vấn ý kiến của người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án, làm cơ sở lập báo cáo trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Nguyễn Xuân Tân - Bí thư ấp 4 chia sẻ, ngày 30/11/2017, ông và khoảng 30 người dân được UBND xã mời đến để "tham quan dây chuyền sản xuất men". Trước khi vào bên trong, nhân viên công ty yêu cầu người dân ký tên vào tờ giấy đã ghi sẵn họ tên từng người với lí do kiểm soát an ninh.

 

Ông Tân khẳng định, trong buổi tham quan không hề có nội dung tham vấn ý kiến người dân về dự án nâng công suất nhưng sau đó lại xuất hiện biên bản, ghi nội dung người dân đồng ý để công ty nâng công suất lên 6.000 tấn/năm. Điều bất thường là toàn bộ chữ ký của người dân lúc ký vào cổng nhà máy lại được đưa vào biên bản dự tham vấn, thủ tục bắt buộc để trình lên UBND tỉnh.

Khó hiểu hơn, ông Tân cho rằng được mời đến công ty với tư cách người dân nhưng trong biên bản tham vấn này, ông lại được xếp vào danh sách đại diện UBND xã La Ngà.

Cùng tình cảnh trên, ông Trần Ngọc Thắng - Trưởng ấp 4 khẳng định chưa bao giờ ký vào biên bản nào có nội dung tham vấn cộng đồng về dự án nâng công suất nhưng sau đó lại thấy chữ ký lúc vào cổng của mình xuất hiện trong biên bản của công ty.

Ông Thắng cho biết thêm, trong bản tham vấn dự án nâng công suất còn có nhiều điểm bất thường như đại diện UBND xã La Ngà thì lại đề tên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, trong khi người này cũng đến với tư cách người dân.

Ông Lê Minh - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã La Ngà (người được cho là đại diện UBND xã trong biên bản tham vấn) thừa nhận rằng biên bản tham vấn cộng đồng về dự án nâng công suất của công ty AB Mauri được lập trước khi người dân đến. Đồng thời, chữ ký của người dân trong biên bản trên được lấy trước khi được dẫn đi tham quan nhà máy.

"Về mặt thẩm quyền, tôi không thể đại diện cho UBND xã, do lãnh đạo xã nói miệng giao tôi đi nắm bắt tình hình nên tôi mới đi, sau đó tôi có ký vào biên bản đại diện cho xã" - ông Minh nói. 

Trao đổi về những điểm bất thường nay, ông Ngô Chơn Trí - Giám đốc điều hành AB Mauri Việt Nam vẫn khẳng định đơn vị làm theo đúng quy trình lấy ý kiến tham vấn người dân. Cuộc họp ngày 30/11/2017 là do UBND xã mời và tổ chức ở hội trường công ty. Tại đây, một số ý kiến người dân đồng thuận với việc nâng công suất nhà máy, nhưng đề nghị công ty phải đảm bảo môi trường. 

Khi PV nêu trường hợp có người dân phát biểu như trong biên bản, nhưng lại không có tên và chữ ký tham dự, ông Trí khá bất ngờ và cho rằng "chắc quên lấy chữ ký người này. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại".

Treo biển bán nhà vì mùi hôi 20 năm từ nhà máy men ở Đồng Nai

Treo biển bán nhà vì mùi hôi 20 năm từ nhà máy men ở Đồng Nai

 'Nếu tình trạng gây ô nhiễm không được xử lý dứt điểm, sẽ kiến nghị dừng hoạt động nhà máy hoặc di dời theo chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai'.

Đàm An - Bùi Cảnh