XEM CLIP:

Tháng 6 ở Hà Tĩnh nắng như đổ lửa, trong khi người người tìm nơi tránh nắng thì một bộ phận người dân ở huyện Thạch Hà “đội” cái nắng cháy rát đi tìm những giọt nước ngọt sinh hoạt quý giá. Họ đã phải chịu cảnh này nhiều năm nay...

Mót nước vùng chảo lửa

Vùng bãi ngang ven biển các xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Khê… huyện Thạch Hà cả mấy chục năm nay vốn nổi tiếng vì cái sự khổ khi sống cạnh mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Tất cả cuộc sống đảo lộn kể từ khi mỏ sắt Thạch Khê bóc đất tầng phủ, rồi bất động. 

{keywords}
Hơn 40 hộ dân tái định cư ở thôn Trường Xuân phải sử dụng một giếng nước máy bị nhiễm phèn

Những ngày hè nắng như đổ lửa, chúng tôi về thôn Trường Xuân (xã Thạch Đỉnh) chứng khiến người dân khát nước sạch hơn cả trẻ con “khát sữa”, hỏi nguyên do hầu hết dân chúng lắc đầu "chán chả thèm nói, vì nói mãi rồi không ích gì".

Ngao ngán, bất lực và mất niềm tin là những cảm xúc mà người dân chúng nơi đây thể hiện khi nói về tình trạng thiếu nước sạch.

Khoảng 10h sáng, anh Bùi Đức Ái (37 tuổi, trú thôn Trường Xuân) vội vã kéo chiếc xe bò chất đầy những thùng nhựa đến chiếc giếng máy tại nhà văn hóa thôn để lấy nước về sinh hoạt.

{keywords}
Giếng bơm công cộng của dân Trường Xuân

Nhiều năm nay, chiếc máy bơm này cung cấp nước ngọt cho hàng chục hộ dân thuộc diện tái định cư của mỏ sắt Thạch Khê, nước bơm lên dù nhiễm phèn nhưng họ vẫn phải đưa về sinh hoạt.

Anh Ái cho biết, hơn 40 hộ dân khu tái định cư trước đây sống ở thôn Văn Sơn, năm 2010 họ rời nhà cửa kéo nhau về thôn Trường Xuân ở để nhường đất làm dự án mỏ sắt. Những tưởng cuộc sống hàng trăm người dân sẽ khấm khá hơn, ít ai ngờ họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng.

“Chúng tôi về đây phải thuê người khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, khổ nỗi giếng khoan sâu thì nhiễm mặn, khoan cạn thì nhiễm phèn nặng, thậm chí không tìm ra mạch nước. Cả chục hộ dùng chung một chiếc giếng bơm đặt tại nhà văn hóa thôn” - anh Ái nói.

Nước nhiễm phèn nặng nên không thể ăn uống được buộc người dân phải bỏ tiền ra mua nước ngọt đóng chai về sử dụng, còn nguồn nước tại chỗ chỉ dùng cho tắm và  giặt quần áo.

{keywords}
Hệ thống bể chứa nước tại thôn Vĩnh Sơn, xã Thạch Bàn cạn khô do sự cố hỏng đường ống suốt 2 năm nay

Nỗi khổ thiếu nước sạch được cư dân tái định cư thôn Trường Xuân, chính quyền huyện xã thừa biết, vì họ đã phản ánh quá nhiều. Tuy nhiên cũng mới dừng ở ghi nhận phản ánh.

Nằm kế bên xã Thạch Đỉnh là các xã Thạch Bàn, xã Thạch Khê và xã Thạch Hải cũng là những địa phương trọng điểm thiếu nguồn nước sạch trầm trọng. 

Dân kêu nhưng địa phương không có cách giải?

Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh Nguyễn Văn Hồng cho biết, toàn xã có 4 thôn thì 3 thôn thiếu nước trầm trọng, 959 hộ với 3.789 nhân khẩu kêu gào thiếu nước sinh hoạt bao nhiêu năm nay nhưng địa phương không có cách gì để giải quyết. 

{keywords}
Dự án mỏ sắt Thạch Khê triển khai rồi đình trệ là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống người dân các xã xung quanh đảo lộn

Rất nhiều văn bản được gửi lên chính quyền cấp trên nhưng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu vì không có vốn.

Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Quốc Hương thừa nhận, hệ lụy của việc triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê dẫn tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở các xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Khê và Thạch Hải rất nan giải.

Huyện đã lên phương án cung cấp nước sạch cho các địa phương trên nhưng vẫn chưa xin được nguồn vốn để triển khai.

{keywords}
Nước bị nhiễm phèn nặng nên người dân phải đầu tư nhiều bể lọc thủ công 

Về phương án cung cấp nước sạch cho các địa phương trên, ông Hương cho biết đối với xã Thạch Khê sẽ có chủ trương triển khai đường ống để đấu nối với nguồn nước sinh hoạt từ TP Hà Tĩnh; đối với xã Thạch Hải, xã Thạch Đỉnh đã xây dựng phương án kêu gọi cá nhân vào đầu tư các cụm tiểu dự án nước sạch để cung cấp nước cho người dân, cá nhân vào đầu tư sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, việc cung cấp nước và thu tiền sẽ do người dân và các cá nhân tự thỏa thuận…

“Hiện đã có phương án đã được tỉnh phê duyệt nhưng chưa được cấp vốn để triển khai. Các địa phương thiếu nguồn nước sinh hoạt là vấn đề rất cấp bách, do đó chúng tôi rất mong muốn tỉnh sớm phân bổ nguồn vốn để sớm cung cấp nước sạch cho người dân” - ông Hương nói.

Lê Minh

Nhà máy ở Nghệ An bị tố lấy nước ô nhiễm sản xuất nước sạch

Nhà máy ở Nghệ An bị tố lấy nước ô nhiễm sản xuất nước sạch

Người dân ở TP Vinh (Nghệ An) và vùng phụ cận phản ánh việc công ty CP Cấp nước Nghệ An sử dụng nước ô nhiễm để sản xuất nước sinh hoạt.