Những ngày qua, ở các tỉnh Bắc Bộ đã xảy ra đợt mưa dông trên diện rộng kèm dông lốc, gió giật mạnh và mưa đá ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. 

Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia) lý giải nguyên nhân do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục 24-26 bị đẩy dịch về phía Nam bởi một khối không khí lạnh từ phía Bắc kết hợp với hội tụ trong rãnh gió Tây trên cao.

Đồng thời, điều kiện nền nhiệt độ chung ở các tỉnh Bắc Bộ trong thời gian qua khá cao, cộng thêm độ ẩm lớn trong khí quyển đã tạo điều kiện thuận lợi cho mưa dông phát triển mạnh.

{keywords}
Mưa lũ ngập quốc lộ 6 hồi tháng 10/2017. Ảnh: Đoàn Bổng

Từ những lý do trên, từ tối 16/2, ở Tây Bắc và vùng núi Bắc Trung Bộ đã có mưa rào và dông. Sang ngày 17/2 vùng mưa mở rộng ra toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trọng tâm mưa lớn là Việt Bắc và Đông Bắc với lượng mưa phổ biến 30-70mm, một số nơi cao hơn như Tuyên Quang 73mm, Tam Đảo 89mm, Bảo Lạc (Cao Bằng) 73mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 86mm...

Ngoài ra, dông kèm lốc xoáy gây gió giật mạnh, mưa đá đã xảy ra ở vùng núi Bắc Bộ, cụ thể ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, TP Lào Cai và Bát Xát (Lào Cai), Sơn La, Thái Nguyên. Một số nơi quan trắc được gió giật mạnh như Yên Bái, Mẫu Sơn, Tuyên Quang.

Theo ông Trần Quang Năng, dông lốc mạnh ở nước ta xảy ra cao điểm vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm khi có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa.

Khi đó có sự gặp gỡ và xáo trộn mạnh giữa các khối khí nóng và lạnh, khô và ẩm sẽ là điều kiện lý tưởng tạo ra những đám mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả gây ra các trận lốc xoáy, gió giật mạnh, mưa đá trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh vùng núi.

Trong năm 2019, mưa đá xuất hiện ngay giữa tháng 2 này báo hiệu cho thấy dấu hiệu về thời kỳ mưa dông với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá,… đã đến rất gần.

“Thêm nữa, với nền nhiệt độ đang có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng gần đây sẽ là điều kiện nhiệt lực góp phần cho chúng ta dự đoán về một mùa thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới”, ông Năng cho hay.

Để chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và mùa mưa, dông, lốc, sét, mưa đá sắp tới, người dân và chính quyền địa phương cần chú ý theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ các cơ quan hữu quan, chủ động xây dựng các phương án lao động, sản xuất, sinh hoạt phù hợp với từng thời đoạn thiên tai, từng loại hình thiên tai cho người dân.

Mưa đá, giông lốc cấp 7 quét qua Lào Cai, làm tốc nhiều mái nhà

Mưa đá, giông lốc cấp 7 quét qua Lào Cai, làm tốc nhiều mái nhà

17h chiều nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây nhiều thiệt hại về hoa màu và nhà cửa của nhân dân.

Hương Quỳnh