Vạn tấn bụi lò sau quá trình luyện thép lộ thiên ở Thái Nguyên, nghìn tấn rác chôn lấp trên đỉnh núi của trung tâm Vĩnh Phúc hay dòng sông bị “bức tử” bởi làng nghề giấy ở TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) là minh chứng cho việc rác, chất thải nguy hại âm thầm tấn công những thành phố có tốc độ phát triển hàng đầu cả nước.

Men theo tuyến quốc lộ 2A đi qua TP Phúc Yên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường rồi vòng về TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) không khó để bắt gặp hàng chục cột khói bốc cao nghi ngút từ những bãi rác dân sinh nằm la liệt ven đường.

{keywords}
Hàng triệu màn hình tivi chất dọc cánh đồng ở huyện Vĩnh Tường

Thống kê cho thấy, mỗi ngày toàn tỉnh Vĩnh Phúc phát sinh hơn 800 tấn rác, trong đó, khu vực đô thị mỗi ngày phát sinh 180 tấn và gần 700 tấn đối với khu vực nông thôn. Số rác trên được tập kết tại hàng trăm bãi rác tạm với tổng diện tích hàng trăm nghìn m2. Đa phần số rác trên được xử lý bằng cách chôn lấp và đốt. 

Khó khăn trong việc giải bài toán xử lý rác thải đang tạo kẽ hở để rác thải y tế, chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp len lỏi vào các bãi rác dân sinh tại Vĩnh Phúc.

Cụ thể, tại huyện Vĩnh Tường, hơn sáu năm trôi qua, hàng triệu màn hình tivi, các bảng mạch điện tử chất sừng sững dọc cánh đồng. Hay ngay tại trung tâm của tình này – TP Vĩnh Yên, khi núi Bông thuộc phường Khai Quang mỗi ngày tiếp nhận và chôn lấp khoảng 100 tấn rác. Số rác tích tụ đến nay lên hàng chục nghìn tấn, tỉnh vẫn đang dừng ở phương án “chôn tạm”.

{keywords}
Bụi lò chất lộ thiên ở TP Thái Nguyên

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, với việc hơn 10.000 tấn bụi lò (thuộc danh mục chất thải nguy hại) của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chất lộ thiên ngay trung tâm TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) khiến nhiều người giật mình.

Mỗi năm nhà máy luyện thép Lưu Xá (thuộc TISCO) phát sinh hơn 3.000 tấn bụi lò và hơn 4.000 tấn với nhà máy luyện gang, TISCO đang tập kết hàng chục nghìn tấn chất thải nguy hại không được che chắn ngay giữa thành phố. 

Cũng nằm giữa trung tâm một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu cả nước, người dân ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cả chục năm nay điêu đứng vì ô nhiễm làng nghề giấy.

Một phường nhỏ như Phong Khê đang gánh trên mình hơn 200 nhà máy giấy, khói bụi nghi ngút bao trùm. Những cống nước thải màu vàng tuôn chảy vào các bể chứa rồi tuồn ra sông Ngũ Huyện Khê đang đẩy người dân vào cảnh điêu đứng vì ô nhiễm.

Ô nhiễm môi trường không chỉ là thách thức mà đang trở thành gánh nặng khi hậu quả để lại đang rất nặng nề. Môi trường đang xấu đi trong khi tốc độ phát triển kinh tế tại các tỉnh trên đang tăng cao.

Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia được Bộ TN&MT công bố năm 2020 cho thấy, mỗi ngày toàn quốc có hơn 60 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt. Ở đô thị hơn 30 nghìn tấn/ngày và khoảng 28 nghìn tấn ở khu vực nông thôn. Con số này tăng 46% so với năm 2010. Tỷ lệ thu gom toàn quốc đạt 58%.

Theo báo cáo trên, toàn quốc có hơn 1.300 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đa phần trong số đó là bãi chôn lấp (904 bãi) chiếm 71%. Nổi bật có TP.HCM với 9 nghìn tấn rác mỗi ngày, 70% trong số đó được chôn lấp.

Coi chất thải là tài nguyên

Thống kê cũng cho thấy, chỉ có 20% bãi chôn lấp hiện nay đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc chôn lấp đang đặt ra nhiều thách thức khi phương pháp này một mặt gây ô nhiễm môi trường, mặt khác đang lãng phí nguồn năng lượng từ số rác trên khi nhiều phương pháp đốt rác phát điện không còn xa lạ.

Lượng rác thải vẫn cứ tiếp tục tăng lên, nhất là tại các đô thị lớn buộc các cơ quan chuyên trách xắn tay vào cuộc xử lý. Một trong số đó là đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phụ trách. 

{keywords}
Hàng nghìn tấn rác "chôn tạm" trên đỉnh núi Bông của TP Vĩnh Yên

Theo đó, quan điểm của đề án này xác định, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, khuyến khích xử lý rác thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai.

Cụ thể, việc áp dụng phương pháp đốt rác phát điện được ưu tiên hàng đầu khi xét đến thực tế khối lượng rác phát sinh ở các tỉnh trên toàn quốc. Vì để có thể đốt rác phát điện, thì lượng rác tối thiểu cho mỗi lò đốt tối thiểu phải đạt 200 tấn rác/ngày.

Đối chiếu với số liệu thống kê cho thấy, toàn quốc chỉ có 8 địa phương có lượng rác thải phát sinh mỗi ngày dưới 300 tấn. Còn lại, số lượng rác thải tại các tỉnh trên toàn quốc đều đạt ngưỡng trên 300 tấn. Thậm chí, các địa phương tiềm năng lại là đô thị lớn như Hà Nội (6,5 nghìn tấn), TP.HCM (9 nghìn tấn) có lượng phát sinh rác rất lớn, đủ điều kiện vận hành lò đốt điện rác.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là công đoạn phân loại rác ở đầu nguồn, dù việc phân loại đã được quy định tại Nghị định 40 của Chính phủ. Nếu được phân loại thì rác sẽ chia thành loại có thể đốt, tái chế và chất thải khác. Giải quyết việc phân loại đầu nguồn là chìa khóa quan trọng để nhân rộng mô hình đốt rác phát điện tại nước ta hiện nay.

Không chỉ chất thải rắn sinh hoạt, đối với chất thải nguy hại hoàn toàn có thể biến nó thành tài nguyên có giá trị cao. Nhiều danh mục chất thải rắn đã được các công trình khoa học chứng minh về tính ứng dụng thực tiễn sau khi được tái chế.

Đơn cử như sỉ lò trong quá trình luyện thép, nhiều nghiên cứu cho thấy chất thải này hoàn toàn tái chế thành vật liệu xây dựng như gạch. 

Thậm chí với cả vạn tấn bụi lò lộ thiên ở Thái Nguyên, từ chất thải thuộc danh mục “nguy hại” hoàn toàn có thể thành tài nguyên khi trong bụi lò chứa đến hơn 20% hàm lượng kẽm, với công nghệ tách kẽm hiện nay, hàng vạn tấn chất thải lộ thiên thực sự đang là “mỏ vàng” bị lãng phí.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ từng nút thắt từ ý thức chủ nguồn thải, cơ chế chính sách, năng lực quản lý của chính quyền hay giải quyết bài toán nguồn lực, nguồn kinh phí… sẽ góp phần giải quyết bài toán rác thải đang làm đau đầu nhiều địa phương trên cả nước.

Hà An 

Núi chất thải nguy hại hàng nghìn tấn lộ thiên giữa thành phố Thái Nguyên

Núi chất thải nguy hại hàng nghìn tấn lộ thiên giữa thành phố Thái Nguyên

Hàng nghìn tấn bụi lò sau luyện thép tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên chất lộ thiên, không được che chắn ngay tại trung tâm tỉnh Thái Nguyên.