Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) Nguyễn Kim Tuyển sáng nay cho biết, Tổng cục Môi trường đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra sự việc 11 hố chôn chất thải là hóa chất độc hại tại núi Sú, suối Sú (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo đó, Vụ Quản lý chất thải, Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc sẽ phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an Hà Nội); Phòng TN&MT (Công an huyện Sóc Sơn) để kiểm tra thực địa nơi phát hiện số lượng lớn hóa chất độc hại chôn lấp trái phép trong khu vực đất trồng cây lâm nghiệp của người dân.

{keywords}
Ông Đặng Văn Tư - người thuê máy xúc khai quật các hố chôn hóa chất độc hại trong khu đất trồng rừng của gia đình

“Đoàn sẽ lấy mẫu về giám định. Kết quả phân tích các mẫu này sẽ là cơ sở để đưa ra phương án xử lý”, ông Tuyển cho hay.

4 tháng chưa có câu trả lời

Ngày 11/7, Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn nhận được thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội về phản ánh của người dân liên quan đến thông tin chôn lấp chất thải tại khu vực đất trồng cây lâu năm của gia đình ông Đặng Văn Tư (53 tuổi), anh Đặng Văn Đại (38 tuổi) ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Sau khi nhận được thông tin, đơn vị này đã trao đổi, phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, đồn Công an Trung Giã xác minh vụ việc.

{keywords}
Khối lượng hóa chất độc hại chôn lấp trong mỗi hố lên tới hàng tấn, được chứa trong các bao tải nhỏ

Ngày 16/8, CA huyện Sóc Sơn nhận được đơn trình báo của ông Đặng Văn Tư, Đặng Văn Đại về quá trình phát hiện các hố chôn lấp chất thải tại khu vực đất trồng cây lâu năm, gần núi Sú, thôn Lai Sơn. Thời điểm này, cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn xác định chất thải chôn lấp dạng bột, màu xám giống xi măng, khi máy xúc gạt lớp đất phủ trên ra xộc lên mùi hắc…

Tuy nhiên, ngày 13/9, Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn mới phối hợp với Công an huyện, Viện Kỹ thuật và công nghệ môi trường lấy 2 mẫu nước, 2 mẫu không khí xung quanh khu đất bị chôn trộm chất thải để xác định chất thải có phát tán ra môi trường xung quanh hay không.

Cuối tháng 9, CA huyện Sóc Sơn có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn giao Phòng TN&MT phối hợp với lấy mẫu chất thải đi giám định để làm căn cứ thu gom, xử lý.

Cuối tháng 10, Phòng TN&MT mới có báo cáo về phương án phân tích xác định loại chất thải, vận chuyển và xử lý chất thải đã chôn lấp tại thôn Lai Sơn vì nhận định chất thải chôn lấp dưới đất nên tiềm ẩn nguy cơ phát tán độc hại vào đất, nước ngầm.

Gần 1 tháng sau, ngày 22/11, UBND huyện Sóc Sơn ra văn bản thông báo về việc giải quyết đơn kiến nghị của công dân thôn Lai Sơn và chỉ đạo giao Phòng TN&MT huyện chủ trì, phối hợp với CA huyện và các đơn vị liên quan giải quyết vụ việc.

Đầu tháng 12, huyện Sóc Sơn mới thẩm định, phê duyệt xong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phân loại xác định chất thải chôn trộm ở thôn Lai Sơn.

Ngày 11/12, chuyên gia Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN) đến hiện trường lấy mẫu chất thải mang đi giám định, dự kiến khoảng 15 ngày sau mới có kết quả.

Có mặt tại hiện trường sáng 11/12, anh Đặng Văn Đại, người viết đơn phản ánh sự việc cho biết: "Gần 5 tháng sau khi phát hiện, trình báo vụ việc chôn trộm chất thải gần nguồn nước sinh hoạt của cả trăm hộ dân, huyện Sóc Sơn mới đến lấy mẫu mang đi giám định. Sự vào cuộc chạm trễ này không có lý do giải thích với người dân. Nếu loại chất thải này là loại hóa chất cực độc, dễ phát tán thì hậu quả sẽ như thế nào đối với người dân chúng tôi?”.

Ông Đặng Văn Tư đã yêu cầu cán bộ Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn cho người dân chụp biên bản hoặc sao lưu một bản đưa người dân cất giữ.

“Chúng tôi cần có bằng chứng, vì lần trước có cán bộ về lấy mẫu nhưng không có biên bản, không có kết quả trả lời cho chúng tôi được biết”, ông Tư cho hay.

Theo văn bản do Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Trường Giang đề xuất với UBND huyện: Sau khi xác định được loại chất thải bị chôn trộm là chất thải nguy hại sẽ hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Trường hợp là chất thải công nghiệp thông thường thì đề xuất thu gom, vận chuyển đến bãi rác Nam Sơn xử lý. Nguồn kinh phí xử lý tạm thời do UBND huyện Sóc Sơn bố trí.

Ngày 12/12, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) Mai Trọng Thái xác nhận, chất thải chôn trộm tại khu vực núi Sú, thôn Lai Sơn là chất thải nguy hại với các thành phần là mủ pin điện thoại, axit hữu cơ và nhiều kim loại nặng. 

Chấn động: 11 hố chôn chất thải nguy hại chứa axit hữu cơ ở Sóc Sơn

Chấn động: 11 hố chôn chất thải nguy hại chứa axit hữu cơ ở Sóc Sơn

 Chất thải chôn trộm gần núi Sú, suối Sú, gần nguồn nước sinh hoạt của người dân xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là chất thải nguy hại.

Kiên Trung