Nghị quyết 86 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã đưa ra các mục tiêu để các tỉnh, thành phấn đấu kiểm soát dịch.

Chính phủ lưu ý, TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9; các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước ngày 1/9. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8. 

Tại một số tỉnh miền Tây, thời gian thực hiện giãn cách xã hội lần thứ hai theo Chỉ thị 16 sắp kết thúc, song số ca mắc Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành ở khu vực này cho biết, địa phương đang thần tốc xét nghiệm diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tăng tốc mở rộng vùng xanh thu hẹp vùng đỏ, quyết tâm kiểm soát dịch trước ngày 25/8, nhanh chóng đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới.

{keywords}
Các tỉnh, thành miền Tây đang đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cộng đồng

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa họp để đánh giá lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của tỉnh trong thời gian qua.

Qua đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chỉ đạo 11 huyện, thị xã, thành phố triển khai nhanh, thần tốc việc xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

“Nơi nào có nguy cơ cao sẽ được xét nghiệm sàng lọc, trên cơ sở đó để phân loại “vùng xanh” và “vùng đỏ”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói.

Vẫn theo ông Bình, sau khi tầm soát trong cộng đồng, UBND tỉnh sẽ đánh giá huyện nào yên tâm, huyện nào không yên tâm về dịch, từ đó có hướng giãn cách xã hội phù hợp. 

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: Cổng TTĐT UBND tỉnh 

“Hiện nay, mỗi ngày tỉnh chỉ ghi nhận vài ca mắc Covid-19, nhưng khi chưa tầm soát hết trong cộng đồng thì chưa yên tâm. Vì vậy, An Giang phải tầm soát, bóc tách hết F0 trong cộng đồng…”, người đứng đầu UBND tỉnh An Giang nói.

Bên cạnh đó, An Giang cũng chuẩn bị thêm khu cách ly tập trung để điều trị F0. Tỉnh xây dựng chiến lược “tháp 3 tầng" trong điều trị Covid-19 dựa trên phân loại độ nặng của bệnh. Tầng 1 điều trị trường hợp không triệu chứng hoặc được đánh giá nguy cơ ở mức thấp. Tầng 2 điều trị các trường hợp có triệu chứng mức độ nhẹ và trung bình, hỗ trợ tầng 1. Tầng 3 điều trị các trường hợp mắc Covid-19 ở mức độ nặng, nguy kịch.

Theo ông Bình,  An Giang rất khẩn trương trong việc tổ chức tiêm vắc xin đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả. “Hiện nay, An Giang đang mong Bộ Y tế tiếp tục phân bố vắc xin sớm để tỉnh tiêm cho người dân”, ông Bình nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tổ công tác của Bộ Y tế đã khảo sát tại địa phương, qua đó đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn. “Trà Vinh có 4/9 huyện, thị xã, thành phố được đánh giá có nguy cơ rất cao. Tỉnh cũng có ổ dịch trong một công ty ở khu công nghiệp Long Đức, qua 2 lần sàng lọc đã ghi nhận hơn 100 ca dương tính. Bên cạnh đó, tỉnh còn một số chuỗi lây lan trong cộng đồng ở huyện Trà Cú”, ông Hẳn thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Trà Vinh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, qua hai lần giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới đời sống kinh tế.

“Chúng tôi bắt buộc phải hy sinh kinh tế để phòng chống dịch. Tôi đã họp Ban Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy đã kết luận sẽ tiếp tục giãn cách xã hội thêm hai tuần nữa. Tuy nhiên, lần này phương pháp lãnh đạo sẽ siết chặt hơn, cũng như quan tâm tới đời sống an sinh xã hội nhiều hơn; an ninh trật tự hơn…”, ông Hẳn nói.

{keywords}
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu trong 2 tuần tới tình dịch trên địa bàn có chuyển biến mạnh, theo hướng tích cực. Ảnh: Báo Trà Vinh

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, để trong hai tuần tới, tình hình dịch Covid-19 ở địa phương có chuyển biến mạnh theo hướng tích cực, tỉnh đang tập trung nguồn lực để test toàn bộ trong cộng đồng để loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên tiêm vắc xin cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên tại hai xã có nguy cơ rất cao là Thanh Sơn (huyện Trà Cú) và Đôn Xuân (huyện Duyên Hải). Trà Vinh cũng dồn lực tiêm vắc xin cho tất cả công nhân trên địa bàn tỉnh.

Đến ngày 21/8, Trà Vinh sẽ tiêm xong nguồn vắc xin mà Bộ Y tế phân bổ. Sau khi tiêm vắc xin và xét nghiệm, nếu các công nhân âm tính, tỉnh sẽ xem cho các công ty quay trở lại hoạt động.

“Sau khi test toàn bộ để loại F0 ra cộng đồng, Trà Vinh phân loại ra “vùng xanh” và “vùng đỏ”. Qau đó, giữ vững “vùng xanh”, mở rộng dần các “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, tiến tới triệt tiêu “vùng đỏ”, gỡ bỏ khu phong tỏa”, ông Hẳn nói.

Tỉnh Trà Vinh cũng lập kế hoạch huy động đội ngũ cán bộ y tế, trong đó không phân biệt cơ sở công hay tư tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tỉnh có 7 bệnh viện dã chiến với khoảng 1.000 giường; Trà Vinh cũng phân loại F0 theo 3 tầng.

{keywords}
Tiến độ tiêm vắc xin được các tỉnh, thành miền Tây đẩy nhanh

Còn Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho biết, tỉnh đã phát động phong trào thi đua thiết lập “vùng xanh” phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong 14 ngày.

Theo ông Thanh, việc thiết lập “vùng xanh” giúp ngăn chặn, giảm nguy cơ lây lan, kiểm soát tốt, tiến đến giữ vững, mở rộng “vùng xanh”. 

“Chúng tôi sẽ khép kín bên ngoài, từng bước nới lỏng bên trong. Hậu Giang thiết lập “vùng xanh” với mục tiêu là sàng lọc hết F0 trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ quản lý chặt không cho người mang mầm bệnh vào địa phương. Người dân có vai trò tự quản trong khu "vùng xanh". Đặc biệt, người dân được đi lại bình thường trong trạng thái bình thường mới, nhưng phải chấp hành biện pháp 5K của Bộ Y tế”, ông Thanh nói.

Hậu Giang cũng đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin; thành lập thêm bệnh viện dã chiến với hơn 500 giường bệnh được đặt tại Trường Đại học Cần Thơ khu Hoà An (huyện Phụng Hiệp).

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, TP đang rất quyết liệt, ưu tiên phòng chống dịch. Những ngày qua, Cần Thơ đã triển khai chiến dịch xét nghiệm cộng đồng toàn thành phố để loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng. Qua xét nghiệm ngoài cộng đồng, TP Cần Thơ đã phát hiện nhiều ca F0. 

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh đã lập kế hoạch về các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Dự kiến kế hoạch này sẽ được thông qua vào ngày 14/8.

“Tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể về thu dung, điều trị F0; lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng…”, ông Ngời nói.

Hoài Thanh  

Cơ chế đặc thù giúp địa phương chống dịch quyết liệt, tránh quyền anh, quyền tôi

Cơ chế đặc thù giúp địa phương chống dịch quyết liệt, tránh quyền anh, quyền tôi

Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra đời đã kịp thời giúp các địa phương có thêm điểm tựa vững chắc để quyết liệt “chiến đấu” với đại dịch Covid-9.