{keywords}

Đại úy Thanh là kỹ thuật viên gây mê làm việc trong phòng mổ thuộc khoa ngoại, còn Đại úy Vân là bác sĩ phẫu thuật sản phụ khoa. Đây là cặp vợ chồng sĩ quan Việt Nam đầu tiên cùng tham gia BV dã chiến và cùng được cử sang làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. 

Ngày cuối tháng 11, bé Bún (3 tuổi, tên thường gọi ở nhà) - con gái đầu lòng của anh chị lần đầu tiên được ra sân bay Nội Bài. Ở đó có trực thăng C17 của Úc chở bố mẹ em đến một nơi cách Việt Nam hàng nghìn cây số.

{keywords}

Chị Lê Hồng Vân sinh ra và lớn lên ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tốt nghiệp PTTH, với tính tình mạnh mẽ, ưa mạo hiểm, thích khám phá cùng với ước mơ trở thành bác sĩ và phục vụ trong quân ngũ, cô gái trẻ từ núi rừng Tây Nguyên một mình ra Bắc thi đỗ vào Học viện Quân y.

Cả lớp ngoại khoa năm đó có 16 học viên thì chỉ mình chị Vân là nữ. Sau khi kết thúc kỳ thực tập bác sĩ nội trú, chị được giữ lại làm việc trong BV Quân y 103. 

{keywords}

Còn anh Lê Hồng Thanh vốn là "con nhà nòi", có bố làm giảng viên quân sự tại Học viện Quân y, mẹ là y tá trong BV Quân y 103 nên tình yêu với màu áo xanh đã ngấm vào anh từ bé. 

Anh Thanh kể: "Khi còn bé xíu, tôi đã được nghe tiếng chào cờ, tiếng quân nhạc từ Học viện Quân y cạnh nhà. Lễ khai giảng của Học viện năm nào tôi cũng được dự.

Những lần đó, thấy bố cầm quốc kỳ đi đầu trong lễ duyệt binh, tôi vô cùng tự hào và luôn mong muốn được trở thành quân nhân".

{keywords}

Năm anh 9 tuổi thì bố mất nhưng hình ảnh người bố luôn được đồng đội, hàng xóm, bạn bè của bố nhắc nhớ.

"Tôi lấy đó là niềm tự hào, là động lực, không mong muốn được bằng bố nhưng không để ông phải xấu hổ", anh chia sẻ. Sau khi học xong phổ thông, anh Thanh đi nghĩa vụ, học trung cấp quân y thuộc Học viện Quân y, anh bắt đầu viết tiếp ước mơ trong quân ngũ.

Đến giờ, một số bạn bè người nước ngoài hỏi anh tại sao lại muốn làm bộ đội và đi đến những nơi như Nam Sudan. Anh tâm sự: "Sau này tôi muốn con tôi tự hào về tôi giống như tôi vẫn luôn tự hào về bố".

2 anh chị cùng nhau học tập dưới mái trường quân đội, từng gặp nhau một vài lần nhưng chỉ nói chuyện qua loa. Ngày 2 anh chị "phải lòng" nhau để rồi nên duyên lại diễn ra ngay trong phòng mổ. 

{keywords}

"Năm 2013, khi còn là bác sĩ nội trú, tôi thuộc nhóm bác sĩ ngoại, phụ giúp các thầy thực hiện phẫu thuật. Trong ca mổ hôm đó còn có học viên các khoa khác, con gái mới vào nghề, chưa quen, ca mổ căng thẳng nên đang thực hiện ca mổ thì tôi ngất xỉu. 

Khi đó, người đàn ông đứng gần tôi nhất phụ trách gây mê đã vội vàng bế tôi lên cáng rồi cùng người khác đưa ra ngoài. Vài phút sau tôi tỉnh dậy, đứng trước mặt tôi lúc đó chính là anh Thanh", chị Vân chia sẻ.

Nhớ lại tình huống "trớ trêu' cho cuộc nhân duyên, chị kể: "Các bạn nam khác trong phòng mổ lúc đó còn trêu tôi rằng tại vì tôi to quá, họ không thể bế dậy được nên vợ chồng tôi mới nên duyên".

Từ đó 2 anh chị nói chuyện với nhau nhiều hơn, sau 3 năm hai anh chị chính thức về một nhà. Nay họ đã có một con gái kháu khỉnh 3 tuổi.

{keywords}

Vợ chồng anh chị xác định tham gia bệnh viện dã chiến là nhiệm vụ quốc tế mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Đó là niềm tự hào không chỉ cho bản thân mà còn là của gia đình, đồng đội và rộng hơn là đất nước, vì thế, từng cá nhân khi được giao phó trách nhiệm phải nỗ lực hết sức.

Tháng 7/2017, trong một buổi sáng giao ban ở BV Quân y 103, Chủ nhiệm khoa Gây mê phổ biến về kế hoạch cử đoàn bác sĩ đi huấn luyện để sẵn sàng sang Nam Sudan. Với kinh nghiệm từng công tác ngoài biển đảo cùng chuyên môn, kỹ thuật tốt, Đại úy Lê Hồng Thanh được lựa chọn. Anh Thanh đã từng công tác y khoa 1 năm tại đảo Nam Yết (Trường Sa) nên chuyến đi đặc biệt lần này sẽ giúp anh có thêm những trải nghiệm mới.

1 tháng sau anh nhận nhiệm vụ, trở thành một trong những người đầu tiên được chọn huấn luyện cho BV dã chiến, anh bắt đầu rèn luyện, học tập, sẵn sàng chuẩn bị lên đường. 

{keywords}

Thời điểm đó, Đại úy Vân chưa được chọn vào đoàn cùng chồng nên thông tin về nhiệm vụ rất ít khiến chị lo lắng. "Đoàn BV dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam chưa sang làm nhiệm vụ, chưa ai chia sẻ kinh nghiệm và quá trình làm việc như thế nào, tôi hơi hoang mang, nhưng thấy anh Thanh rất quyết tâm", chị kể. 

Gần 2 năm trời, ở tuổi 34, anh Thanh sẵn sàng thức đến 2h sáng để học tiếng Anh, khi bị cô giáo người Úc chê vì "lười", bỏ qua mọi tự ái anh sẵn sàng ngồi vào bàn ngày đêm để học, làm bài tập.

"Anh tâm sự rằng được lựa chọn tham gia BV dã chiến là niềm tự hào, mình sẽ có cơ hội được đi, được học, được biết môi trường bên đó thế nào. Nguy hiểm tuy có nhưng ở vị trí công việc như anh rủi ro sẽ thấp. Nghe anh nói, tôi cũng an tâm phần nào", chị Vân nhớ lại.

{keywords}

Nếu như mọi người có vài năm để chuẩn bị hành trang cho việc làm nhiệm vụ thì Đại úy Vân chỉ có 1 năm trước khi đặt chân đến Nam Sudan, nhiệm vụ đến với chị cũng thật đặc biệt và quá bất ngờ.

Như thường lệ, mỗi tháng, Trung tướng Đỗ Quyết (Giám đốc Học viện Quân y) sẽ đến mỗi khoa của BV 103 để giao ban một lần. "Ngày 19/11/2018, thầy Quyết đến khoa tôi giao ban, thầy hỏi bác sĩ trẻ trong khoa đâu thì tôi mạnh dạn đứng dậy. Thầy chỉ hỏi một câu: Tại sao em không đi BV dã chiến?

Tôi chưa kịp trả lời thì thầy chủ nhiệm khoa giải thích rằng chồng tôi đi rồi. Thầy Quyết liền bảo 2 vợ chồng đi được chứ sao. Họp xong, tôi cũng chỉ cười tủm tỉm mà không suy nghĩ gì nhiều. Ngay hôm sau tôi được cho "uống nước trà" làm công tác tư tưởng để tham gia vào BV dã chiến. Tổ chức gọi thì tôi đi chứ cũng không có lý do gì để thoái thác", Đại úy Vân kể. Tháng 12/2018, chị trở thành người gần như cuối cùng tham gia khóa huấn luyện.

{keywords}

Kết thúc 24 tháng huấn luyện gian khổ về an toàn, quyền con người, giao tranh, luật quốc tế, cấp cứu, bệnh nhân và thảm họa, học tiếng Anh, dưới sự chỉ dẫn của các chuyên gia trong và ngoài nước, 2 anh chị chính thức có tên trong danh sách tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. 

Thuận vợ thuận chồng rồi, 2 anh chị lại phải "làm tư tưởng" cho gia đình đôi bên. Chị Vân tâm sự: "Mới đầu khi biết tin, người phản đối kịch liệt nhất chính là mẹ chồng tôi, bà rất sốc.

Mẹ chồng tôi lúc đó nghĩ rằng, thời bình thì không nhất thiết phải cả 2 vợ chồng cùng lên đường làm nhiệm vụ. Bà nói rằng an toàn cũng đúng nhưng nguy hiểm cũng không sai vì không lường trước được mọi thứ. Bố chồng tôi mất sớm nên bà hay lo lắng, con chúng tôi còn nhỏ nên tôi cũng hiểu cảm giác của bà".

{keywords}

Để mẹ chấp nhận, anh chị đã mất nhiều thời gian để thuyết phục. "Qua thời gian thấy chúng tôi gặt hái được thành công, đoàn BV dã chiến trước trở về có nhiều kinh nghiệm, tuy có khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt sống xa gia đình nhưng công việc thì an toàn, từ đó bà cũng bớt lo lắng", anh chị giãi bày.

Đại úy Vân từng quả quyết thuyết phục gia đình: "Nếu như tổ chức không khó khăn trong tìm người đi thì đã không gọi chúng con, vì không cớ gì lại gọi cùng lúc 1 nhà cả vợ cả chồng đang nuôi con nhỏ, đây là điều bất khả kháng. Khi tổ chức cần thì mình không thể từ chối". Dần dần mẹ chồng chị vui vẻ chấp nhận nhiệm vụ sắp tới của 2 vợ chồng. 

Nói về con gái, anh chị vô cùng tự hào. Dường như "tinh thần quân đội" của con anh chị cũng đã hình thành, tuy còn nhỏ nhưng bé Bún rất tự lập. Hằng ngày cứ 6h30 bố lên đường đi huấn luyện ở Sơn Tây, mẹ vào bệnh viện, bé Bún cũng được cho đi học, cứ như thế suốt cả năm trời. Tháng 3 vừa rồi mẹ chồng chị Vân nghỉ hưu, bà có nhiều thời gian hơn cho gia đình, anh chị mới đỡ vất vả phần nào.

{keywords}

Anh Thanh cho biết: "Bé Bún rất ngoan, biết bố mẹ đi cả ngày về mệt nên không quấn bố mẹ. Bé không cần bế nhưng với điều kiện một ngày phải nhìn thấy bố mẹ ít nhất một lần qua Facetime hoặc Zalo bé mới yên tâm đi ngủ".

Trước khi đi, anh chị đã tìm hiểu gói cước di động 70 USD mỗi tháng, tuy chập chờn nhưng sẽ được nói chuyện với con hàng ngày. 

Hướng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trở thành đơn vị mẫu mực của Liên hợp quốc

Chia sẻ tại buổi xuất quân BV dã chiến ngày 13/11, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ cho biết: Việc cử các bệnh viện dã chiến tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ đã góp phần chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam khi thực sự vào cuộc với một đội hình là bệnh viện dã chiến chứ không chỉ là những sĩ quan độc lập.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã có một năm thử thách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Những kinh nghiệm, khó khăn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã trải qua được đúc rút và đưa vào chương trình huấn luyện và kế hoạch chuẩn bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 cần nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Việt Nam và Liên Hiệp Quốc giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước; giữ vững và phát huy truyền thống, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè quốc tế.

Bên cạnh các mục tiêu về nhiệm vụ, công tác chuyên môn và hoạt động đối ngoại, điểm mới của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 là sẽ nỗ lực hình thành mô hình bệnh viện không rác thải nhựa. Đến nay chưa có chuẩn thế nào là không rác thải nhựa, nên đây là một bệnh viện hướng tới không rác thải nhựa, nghĩa là tất cả các vật dụng có thể thay thế bằng các vật dụng như gỗ, tre, dừa… của Việt Nam thì bệnh viện này đều sử dụng và không sử dụng chất thải nhựa.

Việt Nam hướng đến xây dựng bệnh viện không rác thải nhựa có tác dụng lan tỏa tích cực tinh thần chung tay bảo vệ môi trường cho cả Phái bộ cũng như tới các quốc gia khác có cán bộ, chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi.


Trần Thường

Nụ hôn tiễn lính mũ nồi xanh và lời chúc tuyển Việt Nam chiến thắng

Nụ hôn tiễn lính mũ nồi xanh và lời chúc tuyển Việt Nam chiến thắng

Giọt nước mắt lau vội, nụ hôn ngọt ngào phút chia tay, lá cờ đỏ trong hành trang lên đường… khiến không khí sân bay Nội Bài ấm áp hơn trong tiết trời rét lạnh.