{keywords}

XEM VIDEO:

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về những ngày tháng lịch sử vẫn còn in đậm trong ông Hoàng Thúc Cẩn (người thứ 3 trong 5 anh em). Vị Đại tá 92 tuổi không còn đi lại được nhưng vẫn minh mẫn.

{keywords}

Làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có một gia đình thuộc dòng dõi Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, có cụ ông Hoàng Bá Chuân và cụ bà Nguyễn Thị Như Đồng. 2 cụ đều thuộc con nhà Nho gia, có nền nếp, đức độ, nổi tiếng uyên thâm, học rộng trong vùng. 

Ông Cẩn kể: “Bố mẹ tôi sinh được 7 con trai, đặt tên lần lượt: Hoàng Bá Trình, Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Quý Thân, Hoàng Gia Cương. Nhà tuy nghèo nhưng bố mẹ đều hướng cho chúng tôi theo con đường học hành”. 

{keywords}

Người anh cả vì đau ốm không may mất sớm, người em út thì còn quá nhỏ, ba ông Cảnh - Tuệ - Cẩn lần lượt ra kinh thành Huế, vừa theo học trường Thuận Hóa, vừa dạy học kiếm tiền nuôi thân. Được tiếp xúc với nhiều nhà yêu nước như Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Tế Hanh, 3 anh em sớm giác ngộ tinh thần cách mạng. ''Từ thời niên thiếu tôi đã học ở Huế, nhưng vẫn khát khao được ra Hà Nội. Cách mạng tháng 8 thành công, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, mơ ước ấy mãi không thực hiện được'', ông Cẩn trầm ngâm.

Trước cảnh chiến tranh ngày càng khốc liệt, ông bà Chuân-Đồng động viên các con xung quân ra trận. Thế là lần lượt, cả 5 anh em đều tạm gác việc học đi theo tiếng gọi của đất nước.

5 lần tiễn con là 5 lần cụ bà Nguyễn Thị Như Đồng khóc ròng, bà còn làm thơ động viên các con khi ra trận: "Nhà tôi sinh được 7 người con/ Quyết chí chung tình với nước non/ Kháng chiến 5 con đi khắp nước/ Lớn lên 2 cháu sẽ xung phong...".

{keywords}

Người anh Hoàng Thúc Cảnh hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa, trở thành cán bộ quân sự - chính trị đầu tiên phụ trách Văn phòng Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa. Anh thứ ba Hoàng Thúc Tuệ tham gia Việt Minh từ năm 1945 cướp chính quyền ở huyện, rồi được chọn đi học trường sĩ quan lục quân Quảng Ngãi, dưới cờ Tướng Nguyễn Sơn.

Ông Hoàng Thúc Cẩn tham gia Việt Minh, công tác tại Phòng Chính trị Liên khu 4, được đi học Trường Quân chính Quân khu 4, rồi về Trung đoàn 9 - Đại đoàn 304. Ông Hoàng Thúc Tấn học ở Nghệ An, rồi vào Thiếu sinh quân, ra trường chiến đấu ở chiến trường Liên khu 3-4. Người em út Hoàng Quý Thân lúc đó đang đi học ở trường Huỳnh Thúc Kháng, dù chưa đủ tuổi nhưng vẫn xin đi bộ đội.

Ông Cẩn tự hào: ''Có người đi từ chiến khu, có người Nam tiến, người vào bộ đội ở quê Bác, người đi từ bờ sông Gianh... Chúng tôi ở đơn vị chiến đấu khác nhau, không liên lạc được. Gia đình thì đang ở vùng địch tạm chiếm nên cũng li tán''. 

{keywords}

Qua các trận chiến đấu, hành quân, gặp bạn bè kể chuyện có liên quan đến tin tức anh em nên cũng biết sơ qua. Cả nhà cách xa nhau, không thư từ liên lạc nhưng vẫn được tin thắng lợi ở các trận Phù Trịch, Ba Đồn, Phát Diệm trong đó có người thân mình tham gia chiến đấu.

{keywords}

Sau 9 năm chiến đấu biền biệt, Đại tá Cẩn chưa một lần được gặp những người anh em còn lại, có chăng cũng chỉ nghe phong thanh tin tức đó đây về người thân đang chiến đấu.

Trong hồi ký, ông Cẩn viết: "Cuộc chiến trường kỳ và gian khổ không ai dám chắc ngày nào về giải phóng thủ đô, mặc dù bài hát 'Tiến về Hà Nội' luôn văng vẳng bên tai mỗi khi hành quân''. 

{keywords}

Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 chấn động địa cầu buộc Pháp phải chịu thua, ký hiệp định Giơnevơ và rút quân khỏi miền Bắc. Ông Hoàng Thúc Cảnh từ chiến khu Việt Bắc tiến thẳng vào Phủ Toàn quyền rồi đóng quân ở Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108). Ông Hoàng Thúc Tuệ ở Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã Tư Sở, vào tiếp quản một số cơ sở ở Bạch Mai. Ông Hoàng Thúc Tấn từ  Hòa Bình vào Ô Chợ Dừa, đến Ô Quan Chưởng rồi qua Long Biên và đóng quân ở đầu cầu Long Biên. Đầu tháng 10/1954, đơn vị ông Hoàng Thúc Cẩn về tiếp quản sân bay Gia Lâm.

“Em trai tôi, Hoàng Quý Thân, theo một đoàn quân từ Nghệ An về tiếp quản thủ đô, chú ấy lần đầu đến Hà Nội còn lạ lẫm, đi dò hỏi từng nơi một, gặp anh bộ đội nào cũng hỏi, rồi một mình sang Gia Lâm tìm được tôi”, ông Cẩn nhớ lại cuộc gặp với người anh em đầu tiên.

Vài ngày sau, hai anh em vào nội thành đi đến giữa cầu Long Biên, ông Cẩn nhìn thấy phía trước một anh bộ đội dáng đi rất quen. Ông gọi to: "Tấn, có phải em Tấn không?". Người lính trẻ Hoàng Thúc Tấn quay người lại, 3 anh em ôm chầm lấy nhau giữa cầu.

{keywords}

Những ngày sau, 3 anh em đi khắp nơi dò hỏi tin tức những người anh còn lại, gặp các đơn vị đóng quân, hay gặp những đoàn bộ đội tiến vào thủ đô các ông đều nhắn họ tên các anh. “Cả mấy anh em không biết hẹn nhau ở đâu, chúng tôi đành lấy địa điểm nổi tiếng nhất Hà Nội là đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc làm điểm hẹn. Nếu đồng đội nào gặp được thì nhắn giúp”, ông Cẩn bồi hồi nhớ lại.

Ngày 10/10/1954, từ 5 cửa ô, đoàn quân chiến thắng tiến vào thủ đô. Quân đi đến đâu cũng đảm bảo trật tự nghiêm túc, nhân dân đón tiếp niềm nở, cảm động.

Ông Cẩn kể: Có đồng chí nhào vào vòng tay thân ái, ngây ngất bởi nụ cười trìu mến của nhân dân thủ đô sau 9 năm chờ đợi. Tiếng cười, tiếng khóc sụt sùi, tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu quyện vào thành ''bản hợp xướng'' khiến ông mãi không quên. Có lúc em bán lạc rang, kem que tràn vào hàng ngũ bộ đội, trút hết quà cho bộ đội, không tiếc vốn liếng nhỏ nhoi của mình.

Sáng chủ nhật đầu tiên sau ngày 10/10/1954, ông Hoàng Thúc Tuệ nhận được tin nhắn từ đồng đội ra điểm hẹn, mừng rỡ gặp lại 3 người em. Vài ngày sau, ông Hoàng Thúc Cảnh cũng trở về thủ đô, 5 anh em đoàn tụ sau 9 năm.

{keywords}

Lấy đền Ngọc Sơn làm nơi sum họp, anh em ôm nhau cười trong nước mắt. Trước cửa đền sau những phút hàn huyên, 5 anh em vào thắp hương viếng tổ tiên...

Vô cùng xúc động trước ngày vui của dân tộc, ngày hội ngộ của những người anh, sau này ông Hoàng Gia Cương (em út trong gia đình) đã viết bài thơ ''Giữa chiều thu Hà Nội'' được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc.

Đến nay, đại gia đình họ Hoàng đều sinh sống ở Hà Nội, con cháu lên tới gần 100 người. Kể từ mùa thu năm ấy, hàng năm nhân ngày giải phóng thủ đô, gia đình đều họp mặt, cùng nhau ra Bờ Hồ, vào đền Ngọc Sơn nhớ lại những ngày tháng lịch sử ấy.

Thành Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng - TTXVN

Video: Truyền hình Thông tấn

Thiết kế: Quốc Dũng

Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ ngày giải phóng

Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ ngày giải phóng

Hàng trăm bức ảnh ghi lại không khí ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, "trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về...".