{keywords}

LTS: Việt Nam là một quốc gia biển. Từ ngàn đời, biển mang đến nguồn sống cho người dân Việt Nam, biển đảo là cương vực quốc gia thiêng liêng mà biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để gìn giữ. Từ năm 2012 đến năm 2019, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 8 đoàn kiều bào với gần 600 lượt đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1… Bà con đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các đảo nổi, đảo chìm và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, dù có thể phải đối mặt với những cơn say sóng đến mềm người, phải cùng nhau chia sẻ khoảng không nhỏ bé trên những chiếc giường 3 tầng ở trên tàu, nhưng cứ vào tháng 4 hằng năm, người Việt xa xứ lại luôn sẵn sàng gác lại công việc bộn bề, vượt qua hàng ngàn hải lý để đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta nơi đầu sóng, ngọn gió. Thậm chí, tuổi tác cũng không còn là rào cản ngăn trở quyết tâm đến với biển đảo quê hương. Sau mỗi chuyến đi, kiều bào khi trở về quốc gia mình đang làm ăn sinh sống, đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tình yêu biển đảo trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 là hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức, nhằm tạo điều kiện để bà con kiều bào được tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa.

Chuyến đi đầu tiên được thực hiện vào năm 2012, đến nay đã có 8 đoàn công tác được tổ chức với sự tham gia của hơn 600 kiều bào từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã tạo nên sợi dây kết nối bền chặt cộng đồng người Việt với nhau và với đất nước, trở thành một sự kiện thường niên được mong chờ đối với nhiều người Việt xa quê. Những chuyến thăm thường diễn ra vào khoảng tháng 3 Âm lịch. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 10-14 ngày, đưa các thành viên trong đoàn tới thăm hỏi, giao lưu và tặng quà cho khoảng 10 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một nhà giàn.

Từng điểm đảo mà kiều bào đến thăm từ Tốc Tan, Phan Vinh, Thuyền Chài, An Bang, Đá Đông, Trường Sa, Sơn Ca…rồi các nhà giàn đều để lại những ấn tượng khó phai, cờ bay phấp phới, chiến sĩ hải quân với cây súng hiên ngang ngày đêm canh gác. Tại đảo Trường Sa lớn, nơi được xem là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa, ngay khi tàu cập cảng, đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân, đặc biệt là các cháu nhỏ ra chào đón trong niềm hân hoan, lá cờ đỏ sao vàng. Chứng kiến cảnh quân và dân xếp hàng chào đón các kiều bào, ai ai cũng vui mừng, như được trở về đất liền sau bao ngày xa vắng. Xúc động nhất là nghi lễ chào cờ với “10 lời thề” thể hiện ý chí quật cường, niềm kiêu hãnh của Trường Sa, tình yêu với Tổ quốc và tiếng hát quốc ca hào hùng cất vang xua tan cái nóng trên đảo. Những nén nhang và những giọt nước mắt xúc động tại Đài liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ; khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay viên gạch tại Chùa Trường Sa mòn nhẵn không phải chỉ vì thời gian mà còn vì những cái cúi đầu thành kính, thấm đẫm tâm nguyện cho chủ quyền biển đảo và bình yên của Tổ quốc.

{keywords}

Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân nhân dân Việt Nam bày tỏ ông là người may mắn khi đã 5 lần đưa bà con kiều bào ra thăm biển đảo Tổ quốc, đặc biệt là lần đầu tiên vào năm 2011 khi ông đưa 5 kiều bào ra khảo sát trước.

“Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài sau nhiều năm vẫn còn một số vấn đề nhưng tôi nghĩ rằng chủ quyền biển đảo là chất kết dính khối đại đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhân dân trong nước. Chúng ta đều chung sức, chung lòng hướng về đất nước, hướng về quê hương, hướng về biển đảo Tổ quốc. Vì mục đích lớn hơn là chủ quyền đất nước mà mỗi người sẵn lòng bỏ qua những vấn đề còn tồn tại từ quá khứ để bảo vệ hương hỏa của tổ tiên”, Chuẩn đô đốc nhấn mạnh.

{keywords}

Nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân nhân dân Việt Nam cho biết, với tâm thế như vậy mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân đều xác định trọng trách để không ngừng nỗ lực đưa kiều bào ra thăm Trường Sa, DK1 và quan trọng hơn để kiều bào thấy được thực trạng biển đảo, thấy được nỗ lực của hàng triệu người Việt trong những năm qua bảo vệ, đấu tranh, kiên quyết giữ vững biển đảo.

Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái vẫn nhớ về chuyến thăm Trường Sa năm 2014. Trong thành phần đoàn công tác có một số người "không ưa" Việt Nam, được Bộ Ngoại giao mời trở về Việt Nam, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Lập, thiếu úy thủy quân lục chiến thuộc Việt Nam Cộng hòa.

“Ban đầu, ông Nguyễn Ngọc Lập không có sự hợp tác. Khi lên đến đảo, ông Lập bị ốm, phải đưa về đất liền bằng thủy phi cơ. Ngày đón đoàn kiều bào từ Trường Sa trở về đất liền, ông Lập ra tận cầu cảng đón đoàn và có thái độ khác hẳn so với lúc khởi hành. Khi chúng ta đến với nhau bằng sự chân thành, thẳng thắn và cởi mở thì sẽ tìm được tiếng nói chung, sự đồng thuận”, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái khẳng định.

{keywords}

Ông Đỗ Minh Thái chia sẻ, trước khi bước chân lên tàu, bà con ta còn có nhiều điều lăn tăn, nhưng trong nhiều ngày cùng sống, cùng trải nghiệm với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo, bà con đều cảm nhận được sự ấm lòng, yên lòng và an lòng.

Ông giải thích: “Ấm lòng vì đời sống cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo dần được cải thiện. Yên lòng với thế trận phòng thủ trên đảo, nhà giàn, biển được cải thiện rõ rệt. An lòng với chính sách hậu phương vững chắc”.

{keywords}

Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác thông tin cho kiều bào về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc đã được thực hiện một cách rất bài bản và có hiệu quả thông qua các chuyến thăm cấp cao, các diễn đàn, hội thảo.

Đặc biệt, việc tổ chức các chuyến đi cho đồng bào ta ở nước ngoài ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 có ý nghĩa quan trọng. Bà con được tận mắt chứng kiến sự thay đổi của quê hương đất nước nói chung và sự lớn mạnh của lực lượng hải quân đang ngày đêm canh gác, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi chuyến đi như vậy, khi trở về quốc gia mình đang sinh sống, làm việc, các đại biểu kiều bào đã trở thành sứ giả lan toả tình yêu biển đảo đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Những chuyến đi này cũng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

{keywords}

“Chúng tôi rất trân trọng những món quà bà con gửi tặng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo từ tấm pin năng lượng mặt trời, máy phát điện, máy lọc nước, bộ tập thể dục…

Chúng tôi đặc biệt xúc động khi đón nhận tình cảm cả về vật chất và tinh thần của bà con kiều bào. Có những lần giữa trưa hè chúng tôi nhận được hình ảnh từ ngoài đảo gửi về đó là bát canh rau muống nấu cùng sấu Hà Nội, đây là những thực phẩm bà con kiều bào mua gửi ra đảo”, Đại sứ xúc động chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng, tối thượng đối với mỗi quốc gia. Do đó, nhân dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài luôn quan tâm và thể hiện tình cảm sâu nặng đối với các lực lượng cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, mỗi chuyến thăm đều để lại những tình cảm ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt, bà con thường hay gọi, "đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1 đã trở thành hành trình của trái tim". Những năm qua, việc tổ chức các đoàn đi thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1 đã góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đây cũng là dịp để kiều bào ta ở nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu và kết nối, tạo sự gắn kết với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và dân tộc.

{keywords}

Đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, bà con cũng được tận mắt chứng kiến hình ảnh trên các đảo nổi, đảo chìm và cảm nhận được ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, từ đó khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, sự gắn bó tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 2012 đến nay, theo thống kê không đầy đủ, bà con đã đóng góp cho quần đảo Trường Sa khoảng hơn 10 tỷ đồng, trong đó có 1 xuồng chủ quyền trị giá hơn 3 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng vào Quỹ Vì biển đảo Việt Nam và nhiều hiện vật trị giá trị khác.

Năm 2020, 2021 bị tác động của đại dịch Covid-19, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài không thể tổ chức những chuyến đi như những năm trước đó. Tuy nhiên, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên nhận được đóng góp ý nghĩa cả về vật chất, tinh thần của đồng bào ta ở nước ngoài.

Thành Nam - Thiết kế: Trọng Tạo