{keywords}

Khởi đầu hành trình từ Cửa Lò (Nghệ An) trong tiết trời mây mù lặng gió, sau 40 phút lênh đênh trên biển đoàn công tác gồm các nhà báo, phóng viên theo dõi mảng Khí tượng thủy văn đã cập cảng đảo Hòn Ngư (đảo Ngư) – một hòn đảo chỉ cách bờ 4km nhưng tách biệt và hoang sơ.

Vẫn còn đang chống chếnh vì say sóng, các thành viên trong đoàn được chào đón bởi gương mặt hồ hởi của những cán bộ, chiến sĩ làm việc trên đảo. Ấn tượng đầu tiên, dù đi bất kể trạm khí tượng nào, miền cao hay đảo xa, người khí tượng thủy văn đều rất tình cảm, gần gũi.

{keywords}

Đảo Hòn Ngư được bao bọc bởi hai cửa biển Cửa Lò và Cửa Hội nên có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế. Đảo có diện tích chỉ khoảng 2,5km2, gồm hai hòn đảo, hòn lớn cao 133m và hòn nhỏ cao 88m so với mặt nước biển. Do vị trí hai hòn đảo gần nhau nên người dân còn gọi với tên thân thuộc là đảo Song Ngư.

Là tấm chắn sóng cho thị xã Cửa Lò, đảo Hòn Ngư chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa và có chung những đặc điểm của khí hậu miền Trung. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, đảo còn giữ vị trí đặc biệt về khí tượng hải văn.

Những năm gần đây, với sự biến đổi lớn của khí hậu cùng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, những đợt nắng nóng và mưa bão kéo dài khiến cho công tác điều tra, quan trắc số liệu khí tượng trên đảo càng trở nên cấp thiết.

Trạm Khí tượng Hải văn Đảo Ngư được xây dựng từ năm 1961, bắt đầu lấy số liệu từ năm 1962 với nhiệm vụ quan trắc phát báo, số liệu hải văn… truyền số liệu thời tiết về Đài khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ. Trạm có tên là trạm khí tượng hải văn chứ không phải thuỷ văn như nhiều trạm khác bởi ở đây thay vì đo nước sông thì quan trắc viên phải đo độ mặn của nước biển.

Trước kia để lên được đến trạm phải vạch cây rừng. Đảo khi ấy cây cối mọc um tùm, lấn cả vào nhà, còn ngày nay đã được mở hẳn con đường bằng bê tông với những bậc lên xuống. Tuy nhiên, với những người lần đầu đến thì đây vẫn hành trình rất vất vả với quãng đường leo núi vượt dốc từ bãi đá cầu cảng lên đến đỉnh núi khoảng 2km.

{keywords}

Một bên là vách núi và biển cả, một bên là rừng cây um tùm, hàng nghìn bậc thang lên xuống phủ đầy rêu phong. Khi nắng vừa chiếu vẫn còn những bậc trơn trượt, nếu đi không vững có thể ngã trượt chân.

Trạm Khí tượng Hải văn Đảo Ngư nằm lặng lẽ trên đỉnh núi, “hàng xóm” thân thiết của trạm là Đại đội 33 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An. Điều đặc biệt, tại Hòn Ngư không hề có bóng dáng phụ nữ, không phải bây giờ mà từ xưa vẫn thế.

Ở trong trạm, vẫn nghe rõ tiếng sóng biển vỗ rì rào vào khe đá. Gió biển trườn qua đường hào, thổi vào khu trạm, mang theo vị mặn mòi của biển và cả nỗi nhớ về đất liền…

Trưởng trạm Khí tượng Hải Văn Hòn Ngư Hoàng Huy tươi cười giới thiệu về cảnh sắc thiên nhiên và công việc tại trạm. Cái nắng, cái gió nơi biển khơi như tôi luyện con người anh trở nên rắn rỏi, săn chắc, đen sạm… Như các quan trắc viên khác, anh Huy cũng điềm đạm, thi thoảng cười mỉm khá duyên.

Biên chế của trạm có ba người là Trạm trưởng Hoàng Huy (1984 – TP Vinh), quan trắc viên Nguyễn Ngọc Sơn (1987 – Hưng Nguyên), quan trắc viên Nguyễn Cảnh Long (1989 - Đô Lương).

Trong một ngày, các anh phải thực hiện 4 lần quan trắc, phát báo – gọi là 4 OBS Những ngày bình thường thì cứ 6 tiếng quan trắc viên mới phải thực hiện 1 OBS. Những ngày mưa bão thì công việc này tăng lên gấp nhiều lần.

{keywords}

Dù nắng bốc hơi mặt biển hay bão giông gầm rít, bất kể ngày đêm, cứ đến giờ theo lịch trình là các anh phải vượt qua cả nghìn bậc thang lên vườn khí tượng trên đỉnh núi và ra bờ biển để đo mực nước biển dâng, quan trắc mây, đo độ ẩm, lượng mưa, tốc độ, hướng gió… cập nhật thông tin qua điện thoại về trạm trung tâm trong đất liền, sau đó tổng hợp phát đi các bản tin dự báo thời tiết.

Những bản tin hàng ngày mà mọi người vẫn xem trên tivi, nghe qua radio, nhất là thời tiết khu vực biển đảo là sự lao động miệt mài của các anh. Những bản tin thời tiết chính xác đã giúp người dân trong đất liền và ngư dân biết trước những biến động thời tiết, để tránh trú an toàn trước thiên tai bất trắc.

Khu nhà đo nước biển nằm chênh vênh, cách mặt nước chục mét, rộng khoảng 3m2. Cầm chiếc máy đo độ mặn anh Huy cho biết, nếu trời quang mây tạnh nắng đẹp như hôm nay thì công việc đỡ vất vả hơn, có thể trực tiếp đo trên bờ.

Quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ gay vì nắng, mắt nhìn chằm chặp vào quyển số ghi thông số, anh kể: “Hôm nào trời xấu, sóng biển dâng cao, gió rít kinh khủng, việc đo biển nguy hiểm lắm. Lúc mọi người đều đi trú ngụ tránh bão thì anh em lại lao mình ra đây để đo đạc. Có đợt biển động, sóng to đánh cao đến mức bao trùm cả khu nhà này, anh em chỉ có thể làm việc trong đây, làm xong nhưng vẫn không về được trạm chính vì bên ngoài sóng to gió lớn quá nguy hiểm”.

Trung bình mỗi năm có từ 5-6 cơn bão và cơn áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đảo, cũng là ngần ấy thời điểm cán bộ trạm khí tượng nơi đây phải đối mặt với hiểm nguy. Năm 2017, trạm đón những cơn bão mạnh nhất, quan trắc viên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, chỉ tính trong vòng 6 tháng cuối năm đã xuất hiện 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Biển Đông, một con số kỷ lục của ngành quan trắc kể từ năm 1964.

{keywords}

Anh Sơn ám ảnh mãi cơn bão đổ bộ vào tháng 10/2017. Tâm bão đổ bộ tỉnh Hà Tĩnh, hoàn lưu của bão ảnh hưởng gây thiệt hại nghiêm trọng cho đảo. Buổi tối hôm đó anh từ trên vườn khí tượng đi xuống, sấm chớp xé trời, gió giật cấp 11-12, chiếc đèn pin như vô dụng bởi cả con đường sáng lóa. Hai bên đường cây cối đổ rạp, không thể vượt qua, anh phải lần theo đường rừng để về trạm. Xuống đến nơi thì trạm tan hoang cả, nóc nhà bị tốc hết, một chút đồ ăn cũng không còn.

Mùa mưa bão năm nay đang đến, đây chính là thời điểm vất vả nhất của các quan trắc viên. Để bảo đảm có được những thông tin chính xác nhất, cập nhật kịp thời, cách đây vài tháng, đội ngũ cán bộ quan trắc viên trong toàn khu vực đã xây dựng các kế hoạch, phương án, chuẩn bị phương tiện, vật tư... cần thiết để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống của thời tiết có thể xảy ra.

{keywords}

Trạm đã được trang bị những dụng cụ quan trắc và đo đạc đầy đủ, hiện đại hơn. Công việc cũng đỡ vất vả hơn nhưng đời sống tinh thần của cán bộ ở đây còn nhiều thiếu thốn khi hòn đảo không điện lưới, không người dân, nhiều lúc thiếu cả lương thực.

Ba người đàn ông bám trụ ở đây mỗi người một quê, một hoàn cảnh. Người có “thâm niên” ở đảo là anh Nguyễn Ngọc Sơn với hơn 10 năm. Còn ít nhất chính là Trạm trưởng Hoàng Huy. Cuộc sống của ba người như một gia đình “sớm hôm rau cháo có nhau”.

Trước kia Trạm trưởng Hoàng Huy công tác ở trạm Khí tượng Tây Hiếu (Nghĩa Đàn), anh mới nhận công tác tại đảo được hơn 2 năm. Anh kể, ngày đầu tiên đặt chân lên đảo trùng đúng vào rằm tháng 7. Hôm đó lên đỉnh để quan trắc thì anh gặp rắn hổ mang hung dữ, trong lòng nghĩ vừa đến nhận công tác gặp ngay cảnh này báo hiệu cuộc sống sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng anh không thấy nản.

{keywords}

Trên đảo không có điện, ánh sáng hiếm hoi của buổi tối được phát ra từ chiếc đèn nạp từ máy nổ phát điện, đến giờ làm việc mới được bật lên. Đảo còn thiếu cả bóng dáng người dân. Hằng đêm, mỗi anh em đứng tựa một góc, lặng lẽ nhìn về phía thị xã Cửa Lò đèn điện sáng trưng mà thèm quay quắt không khí quây quần bên mâm cơm gia đình.

Phương án điện mặt trời cũng đã tính đến nhưng vì đang có dự án đưa điện lưới ra ngoài đảo nên anh em được động viên “chịu khó chờ đợi”. Cũng may giờ có sóng điện thoại, nên thông tin liên lạc cũng thông suốt, số liệu quan trắc chuyển về kịp thời.

Đời sống vật chất được định kỳ cung cấp thực phẩm, rau xanh, nhu yếu phẩm. Nếu tàu hậu cần không ra kịp theo kế hoạch (do thời tiết) thì các quan trắc viên chỉ có mì gói và rau xanh tự trồng trên đảo cầm cự. Có thời điểm các anh phải “vay” lương thực, thực phẩm từ bộ đội khi phải chờ hàng tiếp tế từ đất liền… Có những đợt thiếu lương thực kéo dài đến nửa tháng, ba anh em Huy, Sơn, Long chỉ có cơm với cá khô và nước mắm.

Trước mặt trạm chính hướng ra biển, có một vườn rau nhỏ và chuồng nuôi vài con gà tăng gia. Thế mà trồng được mấy quả bầu, đu đủ, hay su su thì chỉ sểnh ra là bọn khỉ trên núi về bẻ trộm. Thậm chí, anh Huy kể, có con khỉ mắt chột đầu đàn còn tham lam, hai tay ôm hai quả su su, mồm ngậm một quả, cứ chạy một đoạn nó lại quay mặt lại nhìn như trêu ngươi.

Có nước từ giếng khoan nhưng các quan trắc viên vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ông trời. Mưa thì tích được nhiều nước, khi mấy tháng liền không có giọt mưa nào thì cũng đành chịu. Mùa bão đáng sợ thật, nhưng ít ra còn có mưa, nghĩa là có nước ngọt để dùng. Còn vào những ngày nắng nóng kéo dài, nước phải tiết kiệm từng gáo, dùng để ăn còn phải tiết kiệm, nói gì đến tắm, giặt.

{keywords}

“Năm 2020, đợt hạn hán kéo dài cả ở đất liền và trên đảo. Các giếng tích nước bị cạn khô, duy nhất 1 giếng còn nhưng cũng chỉ đủ dùng cho khoảng 1 tuần để ăn uống. Anh em không ai dám tắm, chỉ ra biển giặt quần áo rồi hong khô. May sao, một tuần sau “cơn mưa vàng” xuất hiện “giải cứu” cho anh em”, vị Trạm trưởng vừa lau giọt mồ hôi kể vừa về khó khăn trên đảo.

Ở nơi đây, tuy phóng mắt là có thể thấy đất liền nhưng khi muốn về thăm nhà đều phải tranh thủ đi nhờ tàu của bộ đội biên phòng.

Kể về hoàn cảnh và nỗi nhớ gia đình, Trạm trưởng Hoàng Huy tâm sự: “Vợ mình công tác trong ngành dược ở ngay thành phố Vinh, nếu ở đất liền thì chỉ cần phóng xe máy chưa đầy 30 phút là gặp được nhau. Nhưng mình đang trên đảo, đi lại bất tiện và do tính chất công việc nên thường thì mỗi tháng chỉ về một lần. Nếu đến phiên về mà biển động, tàu không ra được thì phải chờ đến tháng sau".

Còn anh Nguyễn Ngọc Sơn vẫn nhớ lần bị đau do sỏi thận lúc quan trắc 1h sáng trên đỉnh núi. Cơn đau bụng dữ dội, anh cố nhẫn nhịn để hoàn thành xong công việc.

Nhưng không thể chịu thêm được nữa anh nằm vật ra, phải gọi điện nhờ anh em và bộ đội lên đưa xuống. Hàng nghìn bậc thang hàng ngày anh đi băng băng vậy mà hôm ấy dài và nặng nề theo từng cơn đau quặn thắt.

Anh được đưa ra ca nô vào đất liền cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán sỏi niệu quản, phải mổ. 15 ngày nằm viện mà sốt ruột, ngoài đảo ít người, nên anh áy náy, giờ lại vắng mình, anh em càng vất vả.

{keywords}

Khó khăn thiếu thốn, ấy vậy mà chưa bao giờ các anh nghĩ tới việc bỏ nghề dù người ngoài bảo nghề của các anh “vừa chán, vừa nghèo!”. Vất vả là thế, nhưng vượt lên trên tất cả, người “chiến sĩ” khí tượng hải văn vẫn hoàn thành tốt công việc của mình.

Hiếm có ngành nào, đòi hỏi tính kỷ luật nghiêm khắc như nghề quan trắc khí tượng, những quy định về giờ giấc đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, đôi khi chỉ chậm một phút kết quả quan trắc đã có thể thay đổi. Hiểu được điều đó, các quan trắc viên ở Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Ngư luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm ngày này qua ngày khác, họ đối diện với nắng, gió, mưa, bão và hàng ngàn con số để có được những thông tin thời tiết kịp thời, chính xác.

Ông Nguyễn Văn Lượng – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết, những năm gần đây tình hình khí tượng thủy văn nói chung và ở khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng có nhiều biến động. Trong 5 năm so với trước tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn, cục bộ hơn, khó lường hơn. Công nghệ dự báo phát triển lớn và mạnh, ngành Khí tượng thủy văn được đầu tư dự án phục vụ công tác dự báo, tuy nhiên để làm dự báo vẫn rất khó.

Với các trạm vùng sâu, vùng xa, ngoài đảo như Hòn Ngư, ông cho biết làm sao trước hết phải đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ quan trắc viên để họ yên tâm công tác. “Có yên tâm công tác mới phát huy năng lực”, ông khẳng định. Cần đầu tư về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, kể cả phương tiện giao thông, ông kiến nghị Nhà nước quan tâm hơn đến chế độ chính sách cho các quan trắc viên. Ông bày tỏ: “Với anh em ở trạm Hòn Ngư, điều kiện đi lại rất khó và vất vả, trạm thì ở dưới, khi làm việc thì phải lên đỉnh núi, anh em cũng đã quen rồi, người bình thường mà đi là cả vấn đề”.

 

Trần Thường - Thiết kế: Quốc Dũng

Chuyện 3 người phụ nữ trong căn nhà không bao giờ tắt đèn

Chuyện 3 người phụ nữ trong căn nhà không bao giờ tắt đèn

Chị Hội sợ vì chỉ có một mình trên trạm “nhỡ có làm sao chắc cũng chả ai biết”. Mưa to, gió lớn, tuyết rơi hay sét đánh chị vẫn phải ra vườn quan trắc.